Thiềm cẩn thận kiểm tra hành lý cho chồng lần nữa, chờ Nả buộc hết lên sau xe, chiếc Wave tàu cũ nát nhưng vẫn chạy được. Nả vừa thay nhớt, kiểm tra máy móc, ra tạp hóa mua cả can xăng. Anh nhấp nhá thắng xe liên tục, bật tắt đèn nhiều lần, xong vỗ vỗ vào yên, ổn rồi!
Nả chần chừ, mắt nhìn về dãy nhà bây giờ cửa đã im ỉm, chỉ chừa một cánh cửa nhỏ cho gian buồng Thiềm. Nả nhìn quanh, vài chiếc móc áo tòng teng trên dây phơi, đôi dép cũ nằm hướng ra ngay ngắn.
Mấy bức tượng gỗ được gọt giũa tỉ mẩn phơi nắng uống sương. Chái củi xộc xệch mấy tấm che tạm bợ, vài chiếc cuốc ké bên mớ củi khô. Những vật dụng im lìm như thể chúng đã có hàng trăm năm trước.
Mấy vạt rau xanh mướt mai mốt đây thôi thiếu bàn tay chăm sóc của Nả, chắc lại già khằn, đắng ngắt. Rồi những khóm hoa Nả cất công tìm giống, gieo trồng, chăm bón để mỗi sớm mai chỉ cần mở cửa Thiềm đã nhìn thấy.
Hai má Thiềm bừng đỏ khi nghe đồng nghiệp trêu chọc, Nả trồng hoa dại đổi lấy đóa lan quý. Mà sắp đổi được rồi, bằng chứng là lần này, Nả về báo gia đình lo chuyện đại sự.
Đi sớm kẻo mưa! Tiếng cô Dung vang lên từ sau vách nhà. Tết này giáo viên về cả, chỉ còn Thiềm và cô Dung ở lại. Cô Dung đã không về xuôi mấy năm nay rồi, nghe đâu gia đình chẳng còn ai.
Chồng đưa đơn ly hôn vì cô không chịu bỏ việc về quê nuôi mẹ chồng ốm. Rõ ràng bà còn con trai con gái thay nhau chăm lo cũng được, nhưng họ quyền này chức nọ, ham công tiếc việc, chê mức lương giáo viên cắm bản bèo bọt. Chê cô cả năm ở mãi trên bản riết trông chẳng khác nào đàn bà bản.
Cô đắn đo mãi, nếu về xuôi, coi như cắt đứt mọi ước mơ thời tuổi trẻ. Nhưng về cái gia đình chỉ xem mình ngang người giúp việc không hơn thì cô không cam lòng.
Huống hồ hai người chưa có đứa con. Cô canh ngày trứng rụng về phép, nhưng chồng suốt ngày chúi mũi vào mấy bản đề tài khoa học, chẳng buồn ngó ngàng tới vợ, chẳng có cuộc ân ái nào cho ra hồn, thế thì đào đâu ra con.
Bao nhiêu lời chì chiết của mẹ chồng, em dâu… Ôi gì mà cây độc không trái! Cô yêu nơi này lắm rồi, không thể bỏ bản, bỏ trường mà đi được. Bọn trẻ con ở đây cần cô. Mẹ bọn trẻ cần cô. Bao lớp giáo viên không trụ nổi đã bỏ bản đi biền biệt, mãi không trở lại nữa.
Thiềm rùng mình nhớ lại mấy đoạn núi lở, đất đá cứ thế ào ào chắn ngang đường. Nhiều xe tải phải nằm giữa núi rừng hoang vắng. Không nhà dân, không điện đài, không lương thực, nằm ròng rã mấy ngày liền chờ thông tuyến.
Mưa rỉ rả suốt từ sáng đến tối mịt, bùn non tràn ra mặt đường, nhầy nhụa. Cô và đồng nghiệp phải cong lưng đẩy xe qua mấy ụn núi lở, mấy ụn đất tràn để về lại bản. Cả người cả xe đỏ quánh, bùn đất đóng mảng khô quành.
Nả một lần qua núi muộn, chẳng may gặp đất đá sạt lở, đè cả người cả xe. May mắn anh còn giữ được mạng sống, nhưng một bên chân bị ảnh hưởng dây chằng, yếu hẳn.
Thiềm bồi hồi nhớ từng cái siết tay của mấy bà mẹ trẻ khi gửi gắm con mình cho cô. Trong sâu thẳm, họ khao khát được đổi đời từ những con chữ hay ho đẹp đẽ. Nhưng cuộc đời họ làm gì có tương lai, làm gì có mơ ước.
Họ gửi giấc mơ đời mình cho các con. Những đứa trẻ tóc hoe vàng vì nắng, da sạm đen vì nắng. Nhưng trong trái tim mỗi đứa trẻ đều đã được thắp nắng. Thứ ánh sáng tri thức ấy, Thiềm tin, một ngày không xa sẽ nhiệm màu.
*
* *
Ngày đầu tới Nà Kiềng, Nả choáng váng khi nhìn điểm trường hoang tàn, phòng ốc đơn sơ, mái lợp tạm bợ. Chỗ dạy, chỗ học đều nhếch nhác. Phải mất hồi lâu trấn tĩnh, Nả mới mang nổi hành lý vào nơi ở tập thể.
Tuy đã tìm hiểu trước, nhưng anh không hình dung thực tế quá khác xa. Lúc đó, Thiềm, cô đồng nghiệp có thâm niên công tác ở đây vỗ về an ủi. Thời tiết nắng ráo ngay sau đó như cùng mọi người củng cố tinh thần Nả. Anh tập làm quen với nếp sinh hoạt mới.
Vốn con nhà thuần nông, quen tay quen chân làm lụng, Nả cùng đồng nghiệp xới đất lật cỏ, cải thiện bữa ăn. Mỗi chiều sau giờ lên lớp, Nả hì hục xuống suối mang nước về. Những luống rau mướt xanh nhờ đôi bàn tay siêng năng của Nả. Trước dãy nhà giáo viên nữ, vài bụi hoa dại cũng bắt đầu lún phún những nụ xinh.
Lần đầu vào bản cùng nhau, ánh mắt Thiềm cứ dán vào những đóa hoa rừng chon von mãi tận đỉnh núi, chân bước hụt mà mắt không rời những cánh hoa. Nả lặng lẽ đi sau Thiềm, hương rừng vương vào tóc cô thoang thoảng.
Nả cũng dáo dác nhìn, tai dỏng lên nghe ngóng từng thứ âm thanh vọng vào vách đá như một bản giao hưởng diệu kỳ. Cảnh sắc này, non nước này thật đúng là nơi để người ta ngắm, người ta say.
Mà lạ quá, Thiềm thuộc làu tên từng loại hoa, kể vanh vách những câu chuyện mang tên các loài hoa ấy, rồi chốt một câu, phụ nữ cũng như một bông hoa, càng xinh đẹp ngát hương thì vòng đời càng ngắn.
Nả nghệch mặt, là do bông hoa ấy không được cắm đúng chiếc lọ và thiếu bàn tay chăm. Thiềm cãi, anh sai rồi, hoa chỉ tỏa hương khi được ở chính thân cành của mình. Nả thầm cười, nhất định mình phải là một thân cành mới đầy sức sống cho cô ấy nương tựa.
Những ngày vào bản động viên các con đến trường, Nả gặp biết bao chuyện dở khóc dở cười. Đàn ông thường gật gù với rượu mà xua tay với cái chữ. Họ sợ. Từ ngày có cái chữ, đàn bà đâm giở chứng, đòi “nhân quyền”. Những đứa trẻ gùi đầy chữ rồi cũng bỏ làng, bỏ núi mà đi...
Những giáo viên trẻ dành cả thanh xuân của mình để len lỏi từng nóc, từng thung, từng bản. Nhiệt thành động viên. Tận tụy cống hiến. Và cũng nhờ những ngày đồng cam cộng khổ, Nả đâm cảm mến Thiềm, cô gái giàu tình thương và đầy nghị lực.
Tình yêu màu nhiệm giúp con người ta vượt qua nhiều khổ ải, là thứ thần dược xoa dịu những cơn đau. Cả hai luôn là động lực cho nhau trong suốt những tháng ngày nhọc nhằn.
Đám cưới hai người là kết tinh đẹp đẽ của một tình yêu viên mãn. Hàng chục giáo viên phải chen chúc nhau trong khu nhà công vụ tuềnh toàng. Gọi là nhà cho sang, kỳ thực là những mảnh gỗ được chắp vá, thưng tạm, mái tôn fibro xi măng. Mùa mưa, nước theo lỗ đinh nhỏ lộp độp xuống nền đất.
Thiềm sinh con. Ba con người sống trong căn nhà tạm bợ, chỗ sinh hoạt không có, bữa ăn thiếu trước hụt sau. Cu Hy cứ còi cọc ốm đau suốt. Mẹ gọi lên báo ốm, Nả bàn với vợ xin tạm nghỉ một thời gian, anh đưa con về xuôi, vừa chăm mẹ, vừa bồi dưỡng cho con. Suy đi tính lại, Thiềm nuốt nước mắt gật đầu với chồng.
Thì cũng đâu còn sự lựa chọn nào khác. Công sinh thành dưỡng dục nhất định phải đáp đền. Huống hồ bây chừ chân Nả đã trở nên yếu đi sau cú chấn thương vì trận núi lở, việc leo núi vào bản thật sự gian nan, Thiềm để anh về tịnh dưỡng một thời gian là tốt nhất.
Mà con người ta, chân thành, ắt sẽ nhận được chân thành, như công cuộc gieo con chữ của Thiềm vậy. Trồng hoa, ắt có ngày được nhìn những sắc màu sặc sỡ, được ngửi mùi hương thơm nồng. Và những đóa hoa ấy, sẽ kết trái, sẽ ra hạt, sẽ lên những mầm xanh.
Thiềm lại có đứa thứ hai. Sau sáu tháng nghỉ thai sản, Thiềm đùm con về bản. Nghĩ đến những tháng ngày đằng đẵng một mình ôm con nơi rừng cao núi sâu không có bàn tay chồng đỡ đần, Thiềm bật nghẹn. Cũng may, gần nhà có cô giáo trẻ mới lên công tác. Thiềm đưa bé Vọng theo mẹ lên núi, em được kẹp giữa cùng mẹ với hàng mớ mắm muối.
*
* *
Từ những tấm lòng miền xuôi, trường học được xây dựng khang trang, nhà công vụ sạch đẹp, có chỗ ra vào sinh hoạt ổn định. Sức khỏe mẹ chồng cũng đã ổn, Thiềm bàn với chồng sắp xếp để về lại trường. Dẫu sao, cả nhà được quây quần bên nhau là niềm mơ ước lớn nhất của hai người.
Và hơn cả, con họ cần sự dạy dỗ mực thước từ cha, những yêu thương dịu dàng từ mẹ. Nhân cách con người phải được hình thành từ trong chính chiếc nôi của gia đình. Có chỗ an cư, họ mới yên tâm lập nghiệp.
Nả nhìn Thiềm, ánh mắt như muốn nói, sớm thôi cả nhà sẽ đoàn tụ ở Nà Kiềng. Mẹ Nả giục, thôi, tranh thủ đi kẻo nắng con bé. Thiềm hôn con trai thêm lượt nữa rồi trao con cho chồng, không quên vài lời dặn dò. Những lời dặn ấy cô đã nói hàng chục lần có lẽ.
Nả ôm con cùng mẹ đứng nhìn theo bóng lưng của Thiềm, cho đến khi chiếc xe khuất hẳn sau con dốc. Phía ấy, mặt trời đang tỏa nắng trên từng dãy núi lấp lánh.