Mô hình di thực, trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh tại núi Xanh (xã vùng cao Trà Bui, Bắc Trà My) bước đầu đạt kết quả khả quan, mở ra triển vọng phát triển vùng trồng cây dược liệu quý cho người dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, ở vùng núi Quảng Nam, nhiều nơi có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, nhiều khả năng thích nghi với cây sâm Ngọc Linh. Trong năm 2021, UBND tỉnh hỗ trợ 1.000 cây giống/huyện để di thực, trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh tại 5 huyện vùng cao Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn và Bắc Trà My.
“Việc di thực, trồng thử nghiệm đang được các địa phương thực hiện theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Địa bàn nào thích ứng tốt với cây sâm sẽ mở ra cơ hội đa dạng hóa cây trồng chất lượng cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói.
Tại huyện Bắc Trà My, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ huyện được giao nhiệm vụ thực hiện mô hình trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh. Theo ông Châu Minh Ninh - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Bắc Trà My, qua kinh nghiệm kiểm soát, giữ rừng của đơn vị, khu vực núi Xanh được xem là nóc nhà của Bắc Trà My, phù hợp nhất để thực hiện.
Khu vực này có rừng già, rừng nguyên sinh với diện tích lớn, mùn đất dày, trù phú, độ cao phổ biến từ 1.400 - 1.900m so với mực nước biển, nhiệt độ dao động từ 17 - 20 độ C. Giữa tháng 9.2021, 5 điểm thuộc Tiểu khu 745 (núi Xanh) có độ cao từ 1.200 - 1.500m được chọn để trồng thử nghiệm 1.000 cây sâm giống do UBND tỉnh hỗ trợ.
Trong đó, điểm trung tâm thử nghiệm có độ cao 1.400m, trồng 930 cây giống, chia thành 9 luống. Huyện Bắc Trà My còn tiếp sức cho đơn vị này mua thêm 300 hạt giống sâm tại xã Trà Linh (Nam Trà My) để gieo ươm.
Cán bộ BQL rừng phòng hộ Bắc Trà My được Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật ươm trồng sâm.
“Hằng ngày, cán bộ tham gia mô hình thử nghiệm đều theo dõi, ghi chép cụ thể quá trình sinh trưởng của cây sâm kể từ lúc trồng cũng như thời kỳ gieo ươm hạt. Khi có dấu hiệu khác thường đều báo, trao đổi với những người có chuyên môn sâu và luôn nhận được sự hướng dẫn, tư vấn, xử trí kịp thời” - ông Ninh chia sẻ.
Sau hơn 8 tháng thử nghiệm, cây sâm di thực cho thấy có sự thích nghi và sinh trưởng. Tỷ lệ hạt giống ươm nảy mầm, lên cây khỏe đạt hơn 50%; số cây nhận di thực về trồng bị chết chỉ có 6/1.000 cây.
Số cây sâm trồng tại điểm số 1 (điểm trung tâm thử nghiệm) với độ cao 1.400m, chỉ chết 1 cây; 65 cây trồng tại 3 điểm có độ cao từ 1.420m - 1.500m đều sống 100%. Riêng 5 cây trồng ở điểm có vị trí số 5, độ cao 1.200m đều bị chết.
“Thực tế này cho thấy, cây sâm thích ứng tốt với khu vực có độ cao từ 1.400m trở lên và nhiệt độ xuống thấp hơn; không thích nghi khi trồng ở khu vực có độ cao 1.200m” - ông Ninh nhận định.
Theo ông Hồ Văn Tiến - Bí thư Đảng ủy xã Trà Bui, qua theo dõi quá trình thử nhiệm, bước đầu cây sâm Ngọc Linh thích nghi khá tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại khu vực núi Xanh. Đến nay, nhiều cán bộ tổ chăm sóc, quản lý sâm và có 5 hộ dân địa phương mạnh dạn bỏ vốn mua hạt giống ươm, mua cây sâm 3 năm tuổi trồng thử nghiệm.
“Riêng nhóm 5 hộ dân địa phương góp vốn khoảng 50 triệu đồng, mua hạt giống ươm tại khu vực có độ cao hơn 1.400m, tỷ lệ hạt nảy mầm, lên cây khỏe, tăng trưởng ổn định, đạt trên 90%” - ông Tiến cho hay.
Kiểm tra thực tế tại mô hình này vào cuối tháng 6.2022, ông Trịnh Văn Niên (kỹ sư nông nghiệp thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam) cho hay, khu vực núi Xanh có mùn đất dưới tán rừng phì nhiêu, dồi dào, độ ẩm không khí và nhiệt độ khá tương đồng với vùng núi Ngọc Linh. Bởi vậy, hầu hết cây sâm tại đây dù đang phát triển, ngủ đông, tái sinh chồi hay gieo từ hạt đều có thân cứng cáp, tán lá sung sức, bộ rễ dài và khỏe.
“Sự phù hợp và thích nghi của cây sâm trồng tại núi Xanh là khả quan và có nhiều triển vọng nhất trong số 5 mô hình đang trồng thử nghiệm tại 5 huyện vùng núi cao của Quảng Nam. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định hiệu quả thật sự của mô hình” - ông Niên nói.
Trong khi đó, theo ông Châu Minh Ninh, việc trồng, chăm sóc thử nghiệm cần thực hiện ít nhất sau 3 năm mới có thể đánh giá được sự thích nghi, phù hợp của cây sâm.
“Chúng tôi sẽ kiên trì và cần có thêm thời gian thử nghiệm nhằm thu thập thông tin, dữ liệu, phân tích đánh giá thận trọng về tác động của môi trường, địch hại, sự tăng trưởng, chất lượng, hàm lượng dược liệu quý ở củ, thân và lá. Tín hiệu quả quan bước đầu đang tạo động lực để đơn vị quyết tâm thực hiện mô hình trong thời gian tới” - ông Ninh nói.