Trong tôi, Quảng Nam là...

KWON HYUN WOO 07/05/2022 09:46

(VHQN) - Đối với tôi - một người đến từ Hàn Quốc, Quảng Nam là cánh cửa để bước vào trái tim Việt Nam.

Đoàn tình nguyện viên Hàn Quốc viếng thăm bia tưởng niệm ở làng Phong Nhất, Phong Nhị, phường Điện An, Điện Bàn. Ảnh: Quỹ Hòa bình Hàn - Việt
Đoàn tình nguyện viên Hàn Quốc viếng thăm bia tưởng niệm ở làng Phong Nhất, Phong Nhị, phường Điện An, Điện Bàn. Ảnh: Quỹ Hòa bình Hàn - Việt

Từ năm 2010 đến nay, tôi sống và làm việc ở TP.Hồ Chí Minh. Trong 12 năm qua, tôi đã được đi đến nhiều địa điểm du lịch và nổi tiếng của Việt Nam.

Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Việt Nam là vào mùa hè năm 2008, năm tôi 25 tuổi. Lúc đó, nơi tôi muốn đến nhất không phải là những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Sa Pa, vịnh Hạ Long hay Cố đô Huế, mà là những ngôi nhà bình thường của người dân Việt Nam. Không phải là những khu đô thị sầm uất, tôi ước muốn một lần được ghé thăm những ngôi làng ở nông thôn Việt Nam.

Và may mắn thực sự đến với tôi. Tôi đã có thể biến điều ước đó của bản thân thành hiện thực vào các năm 2008, 2009 và 2010. Tôi có một trải nghiệm vô cùng đặc biệt ở chương trình giao lưu hòa bình mà tôi không bao giờ quên.

Thời điểm năm 2008 cũng là lúc tôi bắt đầu thấy tò mò, muốn tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam. Và thế là tôi đăng ký tham gia Hội trại thanh niên vì hòa bình Hàn - Việt được tổ chức tại Quảng Nam trong 3 năm 2008 - 2010. Những người tham gia hội trại được sắp xếp lưu trú tại các homestay trong một ngôi làng ở nông thôn Quảng Nam.

Trong dịp một đoàn Hàn Quốc đến thăm Quảng Nam, tác giả thông dịch cho bà Nguyễn Thị Thanh (bên phải) - nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát ở Phong Nhất và Phong Nhị, phường Điện An, Điện Bàn (ảnh nhỏ).Ảnh: Nhiếp ảnh gia Woohae Cho
Trong dịp một đoàn Hàn Quốc đến thăm Quảng Nam, tác giả thông dịch cho bà Nguyễn Thị Thanh (bên phải) - nạn nhân sống sót trong vụ thảm sát ở Phong Nhất và Phong Nhị, phường Điện An, Điện Bàn .Ảnh: Nhiếp ảnh gia Woohae Cho

Hình thức du lịch homestay nay đã được nhiều người biết đến ở Việt Nam, nhưng vào thời điểm năm 2008 homestay dường như vẫn là một khái niệm khá mới mẻ. Chương trình của chúng tôi diễn ra trong một tuần, ở đó các bạn trẻ của Hàn Quốc và Việt Nam cùng nhau tham gia các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người dân địa phương và được sắp xếp chỗ ăn ở ngay tại nhà của họ.

Và rồi điều bất ngờ đến từ đây. Những ngôi làng nơi tôi và các bạn trẻ Hàn Quốc khác được sắp xếp lưu trú là nơi từng có nạn nhân vụ thảm sát thường dân của quân đội Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam.

Đó là làng Sơn Viên (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên), các làng Phong Nhất và Phong Nhị (Điện An, Điện Bàn), Bình Dương (Thăng Bình). Thậm chí, có những ngôi nhà nơi chúng tôi được ở lại là của chính gia đình nạn nhân thảm sát năm xưa.

Lúc đó, các bạn trẻ Hàn Quốc và Việt Nam đã cùng nhau hăng say tham gia cải tạo đường dẫn đến bia tưởng niệm nạn nhân thảm sát và xây dựng thư viện cho trường tiểu học.

Chúng tôi trải qua một tuần vô cùng ý nghĩa. Có những giọt nước mắt đã rơi xuống khi chúng tôi được nghe kể về những câu chuyện của các nạn nhân Việt Nam trong cuộc thảm sát của quân đội Hàn Quốc ngày đó.

Người dân Quảng Nam đối đãi rất tốt với chúng tôi. Họ nhiệt tình cung cấp chỗ ăn, ở cho chúng tôi những ngày tham gia chương trình. Ai cũng chào đón chúng tôi một cách nồng nhiệt và thậm chí, dường như họ đã xem chúng tôi như người thân trong gia đình.

Tôi vô cùng biết ơn và cảm động trước tình cảm nồng hậu đó, nhưng mặt khác, tôi cũng đã có chút phòng bị cho bản thân mình vì lo ngại có thể họ không muốn bày tỏ sự khó chịu với chúng tôi lúc đó.

Vào mùa hè năm 2010, khoảng 30 bạn trẻ từ Hàn Quốc và Việt Nam, trong đó có tôi, đã ở lại một tuần tại Bình Dương. Nhà dân nơi tôi được bố trí ở lại lúc đó là một ngôi nhà nhỏ có tầng lầu, nhìn ra sông Trường Giang. Chủ nhà là một ngư dân bận rộn nên chúng tôi hầu như không có thời gian để gặp gỡ, trò chuyện.

Vào đêm cuối cùng trước khi rời Bình Dương, chúng tôi may mắn được ngồi uống rượu và tâm sự với chú. Không biết lúc đó đã uống bao nhiêu, tôi đã nói lời cảm ơn với chú, và lấy hết dũng khí để nói lời xin lỗi thật cẩn thận khi thú nhận rằng người bác ruột của tôi ở Hàn Quốc chính là một trong những binh lính Đại Hàn tham chiến tại Phú Yên năm 1972. Chú chủ nhà cũng có người thân bị thảm sát năm 1969.

Nghe chuyện, chú đã nắm lấy tay tôi nói rằng: “Thực sự khi nhìn vào khuôn mặt của con, chú lại nhớ đến quân lính Đại Hàn”. Trong một khoảnh khắc nào đó, tôi đã không thể kìm được mà để nước mắt rơi. Đêm đó, chú và tôi cùng những người tham gia đã uống rượu và tâm sự cho đến tận khuya.

Hàng năm cứ vào tháng 4, tôi lại nghĩ về chiến tranh Việt Nam. Là cháu của một cựu chiến binh Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam và là người có quốc tịch Hàn Quốc, tôi không thể không nghĩ rằng việc tham chiến ở Việt Nam là lỗi lầm và cũng là một phần lịch sử đáng xấu hổ của chính phủ nước tôi thời kỳ đó.

Tháng Tư, những kỷ niệm về Quảng Nam ùa về trong tôi, tôi lại nghĩ về dòng sông Trường Giang và người chú mà tôi được gặp ở Bình Dương năm đó.

“Hãy khép lại quá khứ và hướng đến tương lai” - ngày nay, rất nhiều người Hàn Quốc biết đến câu nói này của người Việt Nam. Có nhiều người Hàn Quốc đã ngạc nhiên về Việt Nam, một quốc gia dù phải gánh chịu những đau thương và mất mát to lớn do chiến tranh để lại nhưng vẫn có một thái độ lịch sự như vậy. Tuy nhiên, cũng có ý kiến ​​cho rằng Chính phủ Hàn Quốc nên noi gương Việt Nam và hạn chế thảo luận, đề cập vấn đề lịch sử của mình với các nước khác.

Tôi muốn nói với họ rằng: Người Việt Nam luôn tâm niệm “Khép lại quá khứ, chứ không thể quên sự thật lịch sử!”. Câu nói “Hãy khép lại quá khứ và hướng đến tương lai” không bao giờ nên diễn giải một cách đơn giản như thế.

Trong hơn 6 năm qua, tôi - một nhà hoạt động của Quỹ Hòa bình Hàn - Việt của Hàn Quốc, đã đến Quảng Nam hàng chục lần để tham gia tổ chức các dự án hỗ trợ trường học, địa phương, trao học bổng và tham gia các buổi lễ tưởng niệm,… ở các địa phương nơi có gia đình nạn nhân thảm sát thường dân của quân đội Hàn Quốc, và chưa một lần nào tôi cảm thấy chán.

Hai từ “Quảng Nam” luôn ở đó trong tôi thật trìu mến, nhưng cũng thật đau thương và tràn đầy nỗi nhớ nhung. “Quảng Nam” sẽ luôn là ngọn hải đăng chiếu sáng vùng biển của cuộc đời tôi, là cánh cửa mở ra thế giới hòa bình làm nên từ lịch sử chiến tranh và thảm sát.

(Phạm Thị Khánh Ly biên dịch từ tiếng Hàn)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trong tôi, Quảng Nam là...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO