(Xuân Ất Tỵ) - Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam là đơn vị dịch vụ sự nghiệp công, trực thuộc Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam. Với chức năng nhiệm vụ được phân công, trung tâm đã góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đảm bảo chức năng, nhiệm vụ
Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam được phân công thực hiện các nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động (LĐ); tổ chức hoạt động sàn giao dịch việc làm; liên kết tạo nguồn đưa LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ; thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện dự báo thông tin thị trường LĐ theo quy định của pháp luật và các nhiệm vụ do Nhà nước giao. Các nhiệm vụ trên không ngoài mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo ông Võ Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam, năm 2024, trung tâm đã phối hợp với các địa phương tổ chức 66 phiên giao dịch việc làm cố định và lưu động, chuyên đề, tư vấn trực tuyến, có 365 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng LĐ. Qua đó đã giới thiệu việc làm, tư vấn, giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 LĐ trong toàn tỉnh.
Các phiên giao dịch việc làm được đưa về tận cấp xã, cấp huyện để người LĐ được tiếp cận với chính sách hỗ trợ, tiếp cận với doanh nghiệp và việc làm. Sự gặp gỡ trực tiếp giữa người tuyển dụng và LĐ đã giúp cho LĐ tìm hiểu cặn kẽ được thông tin việc làm, nhu cầu tuyển dụng, qua đó có sự lựa chọn việc làm phù hợp với trình độ, khả năng của bản thân.
Đặc biệt, những phiên giao dịch việc làm lưu động được tổ chức ở các xã khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, huyện nghèo của tỉnh tạo điều kiện tối đa cho LĐ khu vực này. Thông tin tư vấn việc làm trong và ngoài nước được niêm yết tại các điểm, cơ sở của trung tâm và đăng tải công khai trên website: vieclamquangnam.gov.vn, Smart Quang Nam, Zalo official account,…
Đối với chính sách bảo hiểm thất nghiệp, từ đầu năm đến ngày 30/11/2024, trung tâm đã tiếp nhận 13.238 hồ sơ đề nghị hưởng chính sách của người LĐ, trong đó có 12.798 hồ sơ đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã giúp hỗ trợ một phần kinh phí do người LĐ mất việc làm, không có nguồn thu nhập. Qua đó, góp phần ổn định đời sống cho LĐ thất nghiệp, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp.
Liên kết tạo nguồn LĐ làm việc ở nước ngoài
Ông Võ Văn Dũng thông tin: Năm 2024, qua kênh của trung tâm, đã có 135 LĐ được tư vấn, liên kết, đào tạo và xuất cảnh sang làm việc ở nước ngoài. Các thị trường Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam liên kết với doanh nghiệp có chức năng đưa LĐ sang làm việc có Nhật Bản (chương trình IM Japan), Hàn Quốc (chương trình EPS), Lào.
Qua theo dõi của trung tâm, số LĐ đi làm việc ở nước ngoài qua các chương trình này đều ổn định. Chính quyền địa phương và gia đình phối hợp động viên LĐ yên tâm làm việc, khi kết thúc hợp đồng trở về nước, tránh được tình trạng người LĐ bỏ trốn bất hợp pháp dẫn tới thất nghiệp nơi xứ người.
Theo ông Dũng, trong quá trình tư vấn cho người LĐ trên địa bàn tỉnh, trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp có chức năng được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép.
Trong điều kiện của trung tâm sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp để họ tham gia tư vấn, tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ phần thủ tục đưa người LĐ đi làm việc tại ngoài, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn LĐ. Trung tâm thường xuyên phối hợp theo dõi, quản lý người LĐ, nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật khi đi làm việc ở nước ngoài.
Định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm, cùng với doanh nghiệp đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài, trung tâm cập nhật thông tin số lượng LĐ sau khi kết thúc hợp đồng về nước hoặc ở lại làm việc bất hợp pháp hoặc bỏ trốn.
Qua đó, trung tâm cũng kịp thời gửi thông tin đến các ngành, địa phương theo dõi quản lý LĐ; động viên người LĐ thực hiện đúng pháp luật và nghĩa vụ của người LĐ Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm, tôn trọng pháp luật của công dân Việt Nam tại nước sở tại.
Trung tâm đã kiến nghị các địa phương cần coi trọng công tác đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài, xem đây là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, thiết thực, tạo động lực góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.
Đây là chủ trương đúng đắn, mang lại thu nhập cao, ổn định, gia đình có mức sống tốt, góp phần trong công cuộc xây dựng nông thôn mới rất hiệu quả.
Các địa phương cần chủ động kết nối với trung tâm trong việc tư vấn, tuyên truyền, nhằm giúp người LĐ lựa chọn thị trường phù hợp với từng địa phương. Hướng dẫn, tư vấn LĐ tìm đến địa chỉ có uy tín, có chất lượng, lựa chọn doanh nghiệp có trách nhiệm để đảm bảo cho người LĐ yên tâm khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.