Cuối tháng 1, TP.Tam Kỳ khai trương Trung tâm Hành chính công thành phố (tại số 159, Trưng Nữ Vương). Đây là trung tâm hành chính công cấp huyện thứ 3 của tỉnh (sau TP.Hội An và thị xã Điện Bàn), hướng đến mục tiêu chuyển từ “nền hành chính quản lý” sang “nền hành chính phục vụ” người dân.
Người dân giao dịch tại Trung tâm Hành chính công TP.Tam Kỳ. Ảnh: X.P |
Từ “tổ một cửa”
Thực hiện chủ trương cải cách hành chính (CCHC), từ năm 2001, TP.Tam Kỳ thành lập tổ một cửa để thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của các tổ chức, cá nhân. Đến năm 2009, công tác CCHC của thành phố được nâng tầm với việc thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Bộ phận này do một Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND thành phố phụ trách cùng 7 công chức, viên chức, người lao động làm việc, trực tiếp tiếp nhận và trả kết quả 90 TTHC trên 7 lĩnh vực thuộc 6 cơ quan, đơn vị. Theo đánh giá, công tác cải cách TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố được ghi nhận là khá tốt, đáp ứng một phần nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Xác định cải cách TTHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá trong chương trình, kế hoạch CCHC của địa phương, ông Lê Tấn Vĩnh - Trưởng phòng Nội vụ TP.Tam Kỳ cho biết, nhiều năm qua, các TTHC liên quan đến công dân, tổ chức được cải cách theo hướng đơn giản, dễ thực hiện. Cụ thể như việc rút ngắn thời gian giải quyết một số TTHC, từ 25 ngày giảm xuống còn 5 ngày đối với thủ tục đăng ký khai sinh - cấp bảo hiểm xã hội - hộ khẩu thường trú cho trẻ dưới 6 tuổi, từ 5 ngày giảm xuống còn 1 ngày với đăng ký kinh doanh, giảm 2 - 4 ngày đối với cấp phép xây dựng hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục chuyển trường và tiếp nhận học sinh từ 3 ngày giảm xuống còn 1 ngày… Cơ chế một cửa, một cửa liên thông và một cửa điện tử trên các lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh… cũng được triển khai thực hiện khá tốt trong thời gian qua. Đặc biệt, trong các giao dịch hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố, qua triển khai thực hiện một cửa điện tử đã tạo điều kiện cho công dân, tổ chức tiếp cận thông tin, truy cập, tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ hoặc qua tin nhắn SMS, thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở một số lĩnh vực.
Với những kết quả đó, không ngạc nhiên khi TP.Tam Kỳ được UBND tỉnh vinh danh ở vị thứ nhất khối UBND các huyện, thị xã, thành phố toàn tỉnh về chỉ số CCHC trong 2 năm liền 2016 - 2017. Đây là bảng xếp hạng được thực hiện dựa trên cơ sở đánh giá, xếp loại chặt chẽ, khoa học của các ngành chức năng và số điểm điều tra xã hội học về mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với địa phương.
Đến “trung tâm hành chính công”
Theo ông Văn Anh Tuấn, để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai hoạt động trung tâm hành chính công, UBND tỉnh và ngành chức năng sớm có hướng dẫn về mô hình, quy chế tổ chức hoạt động, cần xác định đây là đơn vị sự nghiệp hay cơ quan chuyên môn, sử dụng biên chế viên chức và biên chế công chức? Cạnh đó, hướng dẫn vị trí chức danh của giám đốc, phó giám đốc trung tâm hành chính công cấp huyện và tương đương với chức danh quản lý nào với cơ quan cấp huyện, mức phụ cấp chức vụ để thực hiện đảm bảo theo quy định. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho trung tâm hành chính công. |
Bên cạnh đó, TP.Tam Kỳ thừa nhận việc giải quyết TTHC vẫn còn một số hạn chế như bộ TTHC giải quyết còn ít; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cơ chế một cửa điện tử chưa đáp ứng… Do đó, song hành với việc đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông từ thành phố đến cấp xã, phường, thực hiện rà soát, đơn giản hóa, giảm thời gian giải quyết TTHC, thành phố còn thành lập và tập trung đầu tư xây dựng Trung tâm Hành chính công. Cuối tháng 1 vừa qua, Trung tâm Hành chính công TP.Tam Kỳ, trên cơ sở nâng cấp bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố, chính thức khai trương và đi vào hoạt động. Đây có thể coi là bước đột phá trong cải cách TTHC nói riêng, CCHC nói chung của thành phố, thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 05 của Thành ủy Tam Kỳ về đẩy mạnh CCHC giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.
Tổ chức bộ máy Trung tâm Hành chính công TP.Tam Kỳ được bố trí 20 cán bộ làm việc, bao gồm 6 chuyên trách và 14 cán bộ, viên chức của các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND thành phố, công an, chi cục thuế, văn phòng đăng ký đất đai. Trung tâm có 18 quầy tiếp nhận, thẩm định và trả kết quả trên các lĩnh vực công an, thuế, tư pháp, quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường, tài chính và kế hoạch, LĐ-TB&XH, nội vụ, y tế, GD-ĐT, văn hóa và thông tin, bảo hiểm xã hội, bưu chính viễn thông, ngân hàng. UBND thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt danh mục TTHC thực hiện tại trung tâm với 196 thủ tục trên 25 lĩnh vực thuộc 14 cơ quan, đơn vị; trong đó 10 cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố thực hiện 148/256 thủ tục (tỷ lệ 56%), 4 cơ quan ngành dọc thực hiện 48/200 thủ tục (24%). Số thủ tục thực hiện trong ngày là 23 trên 3 lĩnh vực, thực hiện liên thông là 49 thủ tục trên 6 lĩnh vực. Thời gian giải quyết TTHC cắt giảm so với quy định của Trung ương và của tỉnh đạt tỷ lệ 25%. Để phục vụ hoạt động hiệu quả, trung tâm được trang bị đầy đủ các trang thiết bị như máy lấy số tự động, máy tra cứu thông tin, tra cứu kết quả, máy khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng, hệ thống camera giám sát, bảng điện tử để niêm yết công khai TTHC…
Ông Văn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho rằng, việc thành lập Trung tâm Hành chính công thành phố sẽ góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, làm tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Trong thời gian đến mục tiêu của thành phố là nâng tỷ lệ số lượng TTHC của các cơ quan, đơn vị thực hiện tại trung tâm lên 70% cuối năm 2018 và đến năm 2019 đạt 100%; cắt giảm thời gian giải quyết TTHC so với quy định của Trung ương, tỉnh đạt tỷ lệ 30%. Đồng thời tăng số lượng TTHC thực hiện quy trình 4 bước, gồm tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả ngay tại trung tâm, đạt tỷ lệ 50% số thủ tục thực hiện. Ngoài ra, phấn đấu 50% thủ tục hành chính thực hiện tại trung tâm cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, trong đó 20% mức độ 4. Theo ông Tuấn, lấy sự hài lòng của tổ chức, công dân làm thước đo thành công của CCHC, một trong những vấn đề quan trọng nhất là tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm việc tại trung tâm, tăng cường giáo dục đạo đức công vụ trong thực thi nhiệm vụ. Yêu cầu cán bộ trung tâm là những người phải có đủ năng lực, trình độ, kỹ năng làm việc cũng như tinh thần và ý thức, trách nhiệm phục vụ người dân.
XUÂN PHÚ