Trung thu xóm nhỏ

TRƯƠNG NGUYÊN NGÃ 30/09/2023 08:34

Đối với đám trẻ con xóm Phi Anh xưa (chung quanh rạp Phi Anh, đường Phan Châu Trinh, phường Minh An, Hội An), Tết Trung thu vẫn là dịp được chúng mong ngóng nhất trong năm vì được vui chơi thoải mái nhất mà không bị người lớn la rầy, thậm chí còn chung tay hỗ trợ cho sắp nhỏ được vui. 

Vui Tết Trung thu. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Vui Tết Trung thu. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Không đợi đến ngày trung thu, trước đó cả tháng lũ trẻ trong xóm bắt đầu rộn ràng chuẩn bị vật liệu để làm lồng đèn. Nhiều đứa gia đình có điều kiện, có thể mua những chiếc lồng đèn làm bằng nan tre dán giấy kiến bóng lộn, bày bán ở các hiệu buôn trên đường Lê Lợi, nhưng vẫn muốn tự làm một chiếc lồng đèn riêng cho mình. 

Đám trẻ trong xóm thường tụ thành những nhóm nhỏ đi tìm nan tre về làm khung lồng đèn, rồi mua giấy bóng kiếng đủ màu trang trí bắt mắt. Có nhóm khác, chủ yếu là mấy đứa con gia đình nghèo thì chạy quanh mấy tiệm cà phê Chanh, cà phê Dung trong xóm xin lon sữa bò. Đứa khác đi xin mấy đoạn dây thép về làm lồng đèn lon.

Cái thời khó khăn, đèn cầy cũng không dễ mà có được. Mỗi khi ở nhà cúng rằm hoặc cúng đầu tháng, những mẩu đèn cầy cháy dở còn sót lại được tụi nhỏ lượm lặt, tích cóp dành đến Tết Trung thu để thắp đèn. Thế nhưng những thiếu thốn ấy không làm vơi đi niềm vui trung thu của trẻ con trong xóm nhỏ.

Trung thu không có múa lân - thiên cẩu cũng kể như không. Chừng đầu tháng 8 âm lịch, mấy đứa con trai trong xóm tụ lại góp công, góp tiền sửa lại chiếc đầu lân, đầu ông địa cũ kỹ. Chúng phân công đứa thì đi xin giấy vỏ bao xi măng, giấy báo.

Đứa khác chạy qua xưởng dệt mùng xin bột sắn khuấy hồ để dán vào mấy chỗ hư hại. Mấy đứa khéo tay thì dùng bột vôi tô lại màu cho giống như cũ, nhóm khác thì lo làm trống. Thật ra cái trống ngày đó chỉ là chiếc thùng tôn đựng nước được bọc căng mặt bằng ba bốn lớp áo mưa cũ rách, níu vào tang thùng bằng dây ruột xe cột hàng.

Xập xõa thì dùng nắp xoong nhôm lén lấy từ trong bếp của mẹ. Khó tìm nhất là cái đuôi lân, thời nghèo khó làm gì có tiền mua vải làm đuôi. Có đứa chạy về năn nỉ ba mẹ cho mượn cái mền vải, cột vào đầu lân, phía đuôi cột thêm nhánh lá cây, vậy là ổn.

Chuẩn bị xong mọi thứ, mỗi tối đám trẻ trong xóm tụ ở đầu hẻm tập mấy kiểu múa lân. Chúng đi coi người lớn diễn tập, học lóm rồi về múa lại. Được cái có mấy đứa học trong lò võ ông đội Chưởng lại sáng dạ nên cóp nhặt cũng được vài phần.

Mấy đêm trung thu trời thường hay mưa, nhưng mưa gió đâu dễ cản được cái tính ham vui của bọn nhỏ. Được dẫn đầu bởi đám cầm đuốc dầu lửa soi đường, đoàn lân đội mưa kéo nhau đi quanh xóm, múa hết nhà này sang nhà khác.

Đi hai bên là cả đám con nít trong xóm một tay cầm lồng đèn, tay kia cầm hai cây tre dài để giữ chỗ trống cho lân múa. Chúng vừa đi vừa hát vang tạo nên cảnh tượng ồn ào, vui nhộn như ngày tết. Ừ thì đúng, trung thu là ngày tết của thiếu nhi mà.

Vậy đó, cái Tết Trung thu cứ luôn theo đám trẻ trong xóm nghèo Phi Anh suốt cả thời thơ ấu đầy những hình ảnh lồng đèn, đầu lân và cả những khóc cười, để rồi trở thành ký ức đẹp trong chúng mãi đến lúc về già.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trung thu xóm nhỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO