(QNO) - Trước thềm hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 29 (COP-29, diễn ra vào tháng 11 tới), nhóm các nhà khoa học toàn cầu cảnh báo việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch gia tăng đang đẩy thế giới bên bờ vực của thảm họa khí hậu không thể đảo ngược.
Báo cáo "Tình hình khí hậu năm 2024: Thời kỳ nguy hiểm trên hành tinh" vừa được công bố trên tạp chí Bioscience, cảnh báo các chính sách hiện tại khiến toàn cầu sẽ chứng kiến mức nóng lên đỉnh điểm 2,7 độ C vào năm 2100, xóa bỏ mục tiêu quốc tế đưa ra tại Thỏa thuận Paris: hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Theo báo cáo, nhiệt độ bề mặt trung bình của trái đất đang ở mức cao nhất mọi thời đại, với tháng 7/2024 chứng kiến 3 ngày nóng nhất từng ghi nhận.
Trong khi đó, thống kê của Liên hiệp quốc, trong 75 năm kể từ thập niên 1950, dân số thế giới tăng gấp ba lên 8,2 tỷ người và dự kiến tăng hơn 2 tỷ người trong thập kỷ tới, đạt mức đỉnh điểm 10,3 tỷ người.
Phó Giáo sư Thomas Newsome tại Đại học Sydney (Australia) - một trong các tác giả của báo cáo trên nói: "Đây là một năm nữa nhiệt độ tăng cao kỷ lục và thời tiết khắc nghiệt gây ảnh hưởng nặng nền đến các cộng đồng nghèo hơn dù là những người đóng góp ít khí thải nhất vào biến đổi khí hậu (BĐKH). Hội nghị Liên hiệp quốc về BĐKH sắp diễn ra, điều quan trọng là các chính phủ phải thực hiện thay đổi thực sự để giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu".
Khí thải CO2 do con người gây ra và các khí nhà kính khác từ lâu được xác định là nguyên nhân chính gây BĐKH, nhưng mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch hằng năm trên thế giới vẫn tăng, như tăng 1,5% vào năm 2023.
Dù có một số điểm tích cực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo - tổng mức tiêu thụ năng lượng mặt trời và gió tăng 15% vào năm 2023 so với năm trước đó, năng lượng tái tạo chỉ chiếm 1/14 so với sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Sự gia tăng gần đây trong việc sử dụng năng lượng tái tạo cũng phần lớn là do nhu cầu điện năng tăng lên nói chung chứ không phải vì các nguồn năng lượng này đang thay thế nhiên liệu hóa thạch.
Cạnh đó, diện tích cây xanh bị mất hằng năm trên toàn cầu tăng từ 22,8 triệu héc ta vào năm 2022 lên 28,3 triệu héc ta vào năm 2023, cũng là thời điểm nồng độ CO2 và mê tan trong khí quyển đạt mức cao nhất đến thời điểm đó.
Đồng tác giả chính của báo cáo, Giáo sư William Ripple đến từ Đại học bang Oregon (Mỹ) nhận định, một phần lớn cấu trúc sự sống trên hành tinh đang bị đe dọa. Chúng ta đang ở giữa sự biến động khí hậu đột ngột, gây nguy hiểm cho sự sống trên trái đất theo cách mà con người chưa từng thấy. Sự vượt quá sinh thái, lấy đi nhiều hơn những gì trái đất có thể cung cấp một cách an toàn đang đẩy hành tinh vào các điều kiện khí hậu không thể đoán định.
Trước thềm COP-29 diễn ra tại Uzbekistan, các tác giả của báo cáo kêu gọi các chính phủ đẩy mạnh hành động để hạn chế mức độ thiệt hại do BĐKH gây ra gồm chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, khôi phục sinh thái, đa dạng sinh học, thúc đẩy kinh tế sinh thái bền vững và giảm chất thải...