Tọa đàm “Truyện Kiều và đại thi hào Nguyễn Du trong văn hóa Việt” diễn ra tại TP.Hội An vào giữa tuần qua nhân Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ (21/2) tiếp tục làm rõ hơn về tầm vóc của kiệt tác này trong dòng chảy văn học và đời sống.
Đưa văn học Việt Nam lên “đường ray” văn học thế giới
Truyện Kiều là một tác phẩm chữ Nôm, gồm 3.254 câu thơ theo thể lục bát. Truyện Kiều của Nguyễn Du đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế. Đại thi hào Nguyễn Du cũng đã được công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới.
Đến nay, Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới, trong đó tiếng Pháp có hơn 10 bản dịch, tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc hơn 10 bản, tiếng Nhật có 5 bản… Theo GS. Đào Duy Anh, với Truyện Kiều, “Nguyễn Du là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại của nước ta”.
Lâu nay nhiều người yêu Truyện Kiều ngỡ như đã thuộc lòng rồi nhưng thực ra vẫn còn nhiều cái mới, càng khám phá càng hấp dẫn, thú vị. Theo ông Phạm Xuân Nguyên - nhà nghiên cứu văn học, trong 10 thế kỷ văn học viết (từ thế kỷ 10 - 19), thì trong thế kỷ 18 là thế kỷ văn học có sự bật khởi.
Ở thế kỷ này, văn học cổ điển Việt Nam bắt đầu có ý thức về cá nhân, có yếu tố chủ nghĩa hiện thực với nhiều tác phẩm như: Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Truyện Kiều, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Bà Huyện Thanh Quan…
Không phải ngẫu nhiên mà họ bắt đầu ý thức về thân phận con người và người phụ nữ là nơi tập trung đầy đủ nhất của thân phận con người. Đến Truyện Kiều có thể cảm nhận được đỉnh cao của việc lột tả thân phận người phụ nữ thời điểm đó.
“Truyện Kiều đã đưa tiếng Việt lên trình độ cao mới. Truyện Kiều của Nguyễn Du như tổng hợp đầy đủ nhất đời sống của thế kỷ 18, đồng thời đặt văn học Việt Nam lên đường ray của văn học thế giới.
Câu nói “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn” của Phạm Quỳnh từ hơn 100 năm trước là sự đúc kết vừa nói lên giá trị của Truyện Kiều, đồng thời phản ánh vị trí của Truyện Kiều trong nền văn hóa Việt Nam” - ông Phạm Xuân Nguyên nói.
Đi vào đời sống mọi tầng lớp
Theo đánh giá chung của các chuyên gia, Nguyễn Du và Truyện Kiều là hiện tượng văn hóa độc đáo, với giá trị vượt khỏi mọi giới hạn thời gian và không gian.
Tác phẩm này đã sống trong đời sống tinh thần người Việt. Điều này được thể hiện qua nhiều hình thức dân gian như bói Kiều, lẩy Kiều, vịnh Kiều. Truyện Kiều cũng trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận cho nhiều loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa, điện ảnh…
Ông Phạm Xuân Nguyên nhận định: “Một giá trị lớn giúp Truyện Kiều trở thành kiệt tác bởi đã bao trùm được lên nhiều tầng lớp, lấy được cảm xúc và nhận được sự đánh giá cao của cả những người bình dân lẫn trí thức”.
Điều này phản ánh qua việc nhiều người dân Việt Nam đều nằm lòng một số câu thơ Kiều như: “Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không”, “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh, khéo là ghét nhau”…
Ngay cả Tổng thống Mỹ trong các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Việt Nam cũng đã đưa thơ Kiều vào bài phát biểu. Năm 1996, cựu Tổng thống Bill Clinton từng nói: “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”.
Còn năm 2023, cựu Tổng thống Joe Biden đã “lẩy Kiều”: “Vinh hoa bõ lúc phong trần/Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày”. Những câu thơ Kiều được đưa vào bài phát biểu đều ngụ ý tinh tế quan hệ hai nước Việt - Mỹ trong thời điểm cụ thể.
TS. Nguyên An - Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam cho rằng, nếu chúng ta chỉ dựa vào thành tựu khoa học của cuộc cách mạng công nghệ hiện nay để hòa nhập thế giới là chưa đủ, cần có cả vốn văn hóa bản địa để kể cho nhân loại, trong đó Truyện Kiều là một điển hình.
Tinh thần của Truyện Kiều như tiếng nói của hàng triệu người, cho thấy một dân tộc đau thương trong chiến tranh, đói nghèo nhưng vẫn giữ được tình thương của con người và khát vọng hướng đến cuộc sống tươi đẹp.
Bảo tàng CSO (CSO Gallery) - nơi tổ chức tọa đàm tọa lạc tại số 229 đường Cửa Đại, TP.Hội An thời gian qua gây chú ý với công chúng khi trưng bày bộ sưu tập Truyện Kiều “độc nhất vô nhị”. CSO Gallery hiện trưng bày hơn 10 bộ sưu tập với 1.630 ấn phẩm và hơn 600 ấn phẩm được đăng tải trên báo chí, tạp chí, tranh ảnh…
Nổi bật là ấn bản Truyện Kiều được viết bằng chữ Nôm và bản thảo; ấn bản Truyện Kiều cuối thế kỷ 19 và 20; ấn bản Truyện Kiều ngoại văn xuất bản tại 16 quốc gia (Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nga, Ý, Thụy Điển, Hy Lạp, Ba Lan, Hungary, Hàn Quốc, Nhật Bản, Syria…); ấn bản bộ sưu tập Truyện Kiều của thiền sư Thích Nhất Hạnh; tranh Kiều; hiện vật Truyện Kiều (đá nghệ thuật, bình sứ, đĩa CD…), lịch Truyện Kiều…