(Đặc san 21/6) - TS. Lê Thị Mai là nhà nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử xứ Quảng, tập trung vào tư liệu, địa danh và làng xã xưa, đặc biệt là làng xã ven sông. Theo chị, “làng xã ven sông chính là linh hồn của đất Quảng, từng tạo nên một xứ sở phồn thịnh”.
Chính làng xã ven sông sản sinh một “tâm thế mở”
• Chị lấy tên hiệu Hy Giang - một địa danh xưa; có vẻ nói lên nhiều điều?
- TS. Lê Thị Mai: Tôi lấy biệt hiệu Hy Giang từ thời học đại học ở khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Lúc làm đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên về “Chợ ven sông ở vùng đất Duy Xuyên xưa”, tôi biết được tên gọi Hy Giang là tên cổ của huyện Duy Xuyên (được chúa Nguyễn đổi, đến nay đã có hơn 400 năm lịch sử). Tôi đã chọn biệt hiệu Hy Giang vì điều đó và giải thích Hy Giang nghĩa là “dòng sông hy vọng”…
Rồi phải mất nhiều năm sau, khi biết được mặt chữ Hán của hai chữ Hy Giang trong sách cổ, tôi mới biết rằng Hy Giang không thể giải thích là “dòng sông hy vọng”.
Và tôi nhận được bài học là “không phải địa danh nào cũng có thể giải nghĩa được, càng không được giải nghĩa địa danh theo lối chiết tự một cách cảm tính”.
Vì thích cái gì cổ xưa, thích ngồi nghe người già kể chuyện từ nhỏ, lại chọn theo học chuyên ngành lịch sử, rồi ra trường, dạy về mảng cổ sử nên tâm tình “hoài cổ” ngấm vào người tôi lúc nào không hay và đưa tôi đến với đam mê tìm hiểu về cổ sử, văn hóa, địa danh, làng xã… theo lối tự nhiên nhất.
Giờ đọc sách sử, đi điền dã, tìm hiểu rồi ngồi viết nghiên cứu… đã là một phần đời sống của tôi, như là hơi thở và cũng là phương cách để tôi trưởng thành.
TS. Lê Thị Mai (SN 1984), biệt hiệu Hy Giang, quê ở Bàu Ấu sau đổi là Phương Trì, nay là thôn Thuận Trì, xã Duy Hải (Duy Xuyên), công tác tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Công trình đã xuất bản: “Đất Quảng trong lịch sử: Tư liệu và Nghiên cứu” (in lần đầu năm 2022, in lại năm 2024), NXB Đà Nẵng.
• Được biết chị vừa có chuyến điền dã làng Lang Châu - một làng cổ rộng lớn ven sông Thu. Chị có thể cho biết hệ thống làng dọc sông cái Thu Bồn có những điểm nào đặc biệt?
- TS. Lê Thị Mai: Làng xã của người Việt nằm dọc hạ lưu sông Thu Bồn thuộc loại hình “làng ven sông”. Tôi thấy làng ven sông Thu Bồn có một số đặc trưng. Quá trình lập làng diễn ra sớm hơn, dày hơn, trù mật hơn so với những làng xã ở khu vực địa hình khác.
Cùng trên đôi bờ sông, nhưng khu vực cửa sông ven biển người ta định cư sớm hơn, càng về phía tây thì làng của người Việt càng ra đời muộn hơn.
Làng xã ven sông có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nông - tang làm chủ đạo (trồng lúa, dâu tằm, bắp, mía, rau đậu…, chăn thả bò, trâu), bên cạnh các nghề thủ công, đánh bắt thủy sản - vừa là sinh kế, vừa tạo nguồn thổ sản là các mặt hàng trao đổi thiết yếu trong giao thương.
Hoạt động buôn bán của làng ven sông cũng phát triển mạnh: cảnh “trên bến dưới thuyền” nhộn nhịp ở các bến sông, cảnh ghe thuyền xuôi ngược “lên nguồn xuống biển”, góp phần vào sự thịnh đạt của thương cảng Hội An.
Chính các làng xã ven sông (trước biển) đã sản sinh một “tâm thế mở”, thúc đẩy giao lưu kinh tế, giao lưu văn hóa với bên ngoài mạnh mẽ ở đất Quảng trong lịch sử.
Sông Thu Bồn là dòng sông mẹ của xứ sở. Làng xã ven sông nằm trong không gian văn hóa Thu Bồn mang đậm dấu ấn về sự cộng cư đa dạng (Chăm - Việt - Hoa…) cùng đời sống văn hóa tinh thần phong phú… Dòng sông như mạch sống hiền hòa, nuôi dưỡng những giá trị nhân văn lắng đọng ở đôi bờ. Và làng ven sông chính là linh hồn của đất Quảng, từng tạo nên một xứ sở phồn thịnh.
Sự hình thành và phát triển ý thức cộng đồng
• Chị nghiên cứu nhiều ngôi làng cổ xứ Quảng hình thành trong quá trình mở cõi. Vậy chị có thể nhận xét vai trò của làng trong sự hình thành đặc trưng đất Quảng?
- TS. Lê Thị Mai: Nếu nói đến vai trò của làng trong khoảng mấy thế kỷ gần đây đối với sự hình thành vùng đất Quảng thì có một số điểm đáng chú ý.
Tên đất tên làng là hồn cốt của vùng đất. Thời gian đầu, các bậc tiền nhân từ đất Bắc thường “gánh tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân”. Người ly hương đến vùng đất mới thì lấy tên quê cũ mà đặt, đó thể hiện niềm hoài nhớ cố hương da diết của họ, nhưng cũng là sợi dây gắn kết thiêng liêng, nhắc nhớ về mạch nguồn quê cha đất tổ.
Nhiều làng mới ở xứ Quảng không đặt tên theo lối tên làng mang theo thì thường theo hướng: Ban đầu các bậc tiền nhân - tôi muốn nói đến vai trò của các tộc họ đến sớm có công với làng, thường gọi khoảnh đất họ khai phá được hay nơi họ định cư, gắn bó là các “xứ đất”. Từ các xứ đất ban đầu, các bậc tiền nhân đứng ra trưng đất, lập bạ và nộp thuế.
Theo đó, một hoặc nhiều xứ đất tạo thành một làng. Nhiều làng tạo thành một cộng đồng lớn hơn. Từ ý thức cộng đồng làng sẽ hình thành ý thức cộng đồng của vùng đất, của xứ sở. Cũng vì vậy, trong ý thức cộng đồng làng đó có ý thức tôn kính các bậc tiền nhân, hình thành tín ngưỡng thờ cúng các bậc “tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai canh”...
Các bậc tiền nhân di cư từ đất Bắc xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau trong xã hội và đến đất Quảng trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Có những lớp đến đất Quảng rồi đi tiếp về phía Nam, có những lớp ở lại lâu dài. Vùng đất mới này với đa số bậc tiền nhân di dân từ phía Bắc lúc đó không hẳn là “miền đất hứa”, mà: “Đến đây sông nước lạ lùng/ Nghe con chim cũng sợ, con cá vùng cũng kinh!”.
Họ đã vượt qua những nỗi sợ đó, thường men theo đường sông, cửa biển để khai thác đất đai, khẩn hoang lập làng và định cư. Lớp đi sau đến muộn thì phải đi xa hơn về phía tây, đi sâu về phía trung du, miệt rừng núi…
Trong quá trình đó, các bậc tiền nhân hẳn đã cộng cư êm thấm với những cư dân bản địa ở lại (người Chăm, các dân tộc miền Thượng…), cố kết với nhau, để hình thành cộng đồng cư dân với đời sống văn hóa vật chất và tinh thần đa dạng, hỗn dung. Điều đó thể hiện qua các lễ cầu an/kỳ yên, lễ cúng tá thổ, tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na…
• Chị có thể cho biết, đâu là yếu tố khiến làng ở vùng Quảng Nam khác biệt với cố hương những bậc tiền hiền?
- TS. Lê Thị Mai: Các đợt di dân, các làn sóng di dân từ đất Bắc diễn ra rất nhiều lần, vào các giai đoạn lịch sử khác nhau. Và sau tất cả, dường như càng đi vào phía Nam, dấu ấn của các làng xã Việt truyền thống xứ Bắc càng nhạt dần, hay nói cách khác là rơi rụng dần, lỏng lẻo hơn khi so sánh với phía Bắc.
Ví dụ hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình là biểu trưng của làng xã phía Bắc cũng được mang vào đất Quảng nhưng đã có ít nhiều khác biệt… Có lẽ có nhiều yếu tố tạo nên sự khác biệt đó, nhưng theo tôi là đặc điểm điều kiện tự nhiên của vùng đất mới và đặc điểm/truyền thống lịch sử - văn hóa của chủ nhân vùng đất thời kỳ trước đó mà người Việt gặp ở nơi đây.
Có nhà nghiên cứu cho rằng sự thịnh đạt của đất Quảng thời chúa Nguyễn xuất phát từ mô hình định hướng kinh tế pha tạp của các chúa Nguyễn giữa “những di dân định cư nông nghiệp trồng lúa từ phía Bắc đến - những người mở cõi” (định hướng kinh tế Bắc - Nam của Đại Việt) với “hoạt động buôn bán miền ngược - miền xuôi và ngoại thương” (định hướng kinh tế Đông - Tây của Champa).
Sự gặp gỡ/kết hợp hay đúng hơn là sự kế thừa truyền thống thương nghiệp, mạnh về hàng hải, tư duy hướng biển của người Chăm trong quá khứ của các bậc tiền nhân từ đất Bắc, cộng hưởng với các yếu tố của thời đại đã tạo nên sức bật cho vùng đất này, cũng là một yếu tố quan trọng tạo nên một sự khác biệt với cố hương của các bậc tiền nhân chăng?…