Nhà xuất bản Đà Nẵng vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Thành Điện Hải, dày gần 350 trang với nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu và nhiều hình ảnh, tư liệu quý lần đầu được công bố. GS-TS. Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia là chủ biên cuốn sách về Di tích quốc gia hạng đặc biệt này.
Cùng với phần mở đầu về những giá trị đặc biệt của di tích thành Điện Hải do người chủ biên chấp bút, người đọc sẽ tiếp cận một cách có hệ thống với 5 chương sách lần lượt là: Hệ thống phòng thủ của nhà Nguyễn nửa đầu thế kỷ 19 (TS. Lê Tiến Công), Hệ thống phòng thủ ven vịnh Đà Nẵng 1858 - 1860 (ThS. Võ Nguyên Phong), Thành Điện Hải, quá khứ và hiện tại (ThS. Võ Nguyên Phong); Thành Điện Hải trong cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha của nhân dân Đà Nẵng (ThS. Lưu Anh Rô); Bộ sưu tập súng thần công khai quật tại thành Điện Hải (Huỳnh Đình Quốc Thiện); Thành Điện Hải, Di tích quốc gia đặc biệt (Huỳnh Đình Quốc Thiện). Sách còn có nhiều phụ lục về các văn bia Nghĩa trủng Phước Ninh, Nghĩa trủng Đại Phước (Hội An), Châu bản triều Nguyễn về bảo vệ vùng biển miền Trung, các ấn triện thủy quân triều Nguyễn cùng các tư liệu khác từ di sản Hán Nôm Quảng Nam, các tờ sắc thủy quân đời Tự Đức do hai nhà nghiên cứu Hán Nôm uy tín là Ngô Đức Chí và Tống Quốc Hưng dịch thuật. Các hồ sơ mô tả cấu trúc xây dựng thành Điện Hải theo mô hình Vauban của Trung tâm Lưu trữ quốc gia Pháp lần đầu được công bố cũng gây được sự chú ý của người đọc…
Ta biết rằng thành Điện Hải được xây dựng từ thời Gia Long và sau đó được kiên cố hóa từ thời Minh Mạng theo mô hình Vauban của Pháp ở tả ngạn sông Hàn trên một vị trí đất cao nhìn ra cửa Hàn, đối diện với thành An Hải ở hữu ngạn, được trang bị 30 khẩu thần công, có kho lương, kho đạn và các cơ sở hạ tầng khác của quân đội. Chiến trận năm Mậu Ngọ (từ 1858 đến 1860) được coi là trận mở màn của thời kỳ cận hiện đại trong lịch sử chiến tranh chống xâm lược của nước ta. Di tích thành Điện Hải với nhiều hiện vật gốc quý hiếm và là chứng nhân lịch sử quan trọng của thời kỳ này.
Cùng với thành Điện Hải là một hệ thống phòng thủ kéo dài từ cửa biển đến các địa danh Nại Hiên, Hải Châu, Cẩm Lệ, Liên Trì nổi tiếng, gắn liền với các danh tướng Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương. Cả di tích Đồi Hài Cốt dưới chân núi Sơn Trà, nơi yên nghỉ của hàng ngàn lính Pháp, Tây Ban Nha tử trận thời đó đang được giữ lại như một bằng chứng của tình cảm “nghĩa tử nghĩa tận” của người Việt. Với các ý nghĩa đó, thành Điện Hải lần lượt được Chính phủ xếp hạng là Di tích cấp quốc gia (1988) và Di tích quốc gia đặc biệt vào cuối năm 2017 vừa qua. Các nhà nghiên cứu đặt thành Điện Hải trong bối cảnh phòng thủ của nhà Nguyễn nói chung và trong mối liên quan của hệ thống phòng thủ vịnh Đà Nẵng, gồm cả Trấn Hải (Thuận An, Huế), Hải Vân, Mỏ Diều, Câu Đê, Chân Sảng, Cẩm Lệ, Hóa Khuê, La Qua, Cẩm Sa… cho thấy một hệ thống phòng thủ dày đặc, thể hiện quyết tâm chống xâm lăng của nhà Nguyễn.
Qua thời gian, thành Điện Hải đã bị xâm hại vì nhiều lý do. Sau khi được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đến nay, nhiều hội thảo khoa học đã được tổ chức không chỉ liên quan đến di tích mà còn nhấn mạnh đến các khía cạnh lịch sử trước và sau khi Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp vào năm 1888. Đến nay, ngoài 2 tòa nhà cao tầng là Trung tâm Phần mềm và Trung tâm Hành chính Đà Nẵng, chính quyền Đà Nẵng đã xác lập việc phục dựng, giải tỏa các lấn chiếm và chuyển công trình Bảo tàng Đà Nẵng đi nơi khác, sớm hình thành một công viên lịch sử - văn hóa chung quanh di tích quan trọng này của thành phố.
Đà Nẵng là một thành phố trẻ, nếu tính từ trận chiến 1858 - 1860 đến nay thì chỉ mới hơn một thế kỷ rưỡi, nhưng là cửa ngõ, là mặt tiền của một Quảng Nam rộng lớn và nhiều di tích lịch sử - văn hóa kéo dài từ các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa đến Đại Việt. Trong lịch sử ấy là các va đập nhiều khi đã phải trả bằng máu xương của nhân dân cả nước với các nền văn minh Tây phương, Đông Á, Trung Hoa và Nam Đảo. Mà Điện Hải là một bằng chứng. Di tích ấy không chỉ là là những trận chiến, lòng yêu nước của các binh lính và tài thao lược của những danh tướng, nó còn ẩn chứa nhiều giá trị khác về các nỗ lực xác lập, bảo vệ chủ quyền biển đảo suốt 150 năm lịch sử của nhà Nguyễn và cả 9 triều chúa Nguyễn Đàng Trong trước đó (thông qua các tư liệu liên quan). Cuốn sách đã đề cập đến nhiều khía cạnh về khoa học trùng tu di tích, về hướng phát triển khai thác di tích trong tương lai.
Chỉ một điều đáng tiếc, đọc xong cuốn sách, tôi thấy các tác giả chỉ nhấn mạnh đến các triển vọng khai thác du lịch, mà dường như bỏ quên yếu tố giáo dục! Không thấy có đề nghị nào về việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa và đưa lịch sử của cuộc chiến này vào chương trình dạy sử cho học sinh.