Đời sống

Tựa vào nhau, bắc những nhịp cầu...

MỸ LINH - MINH KHÔI - PHAN HOÀNG - THIỆN TÙNG - VĂN QUỐC20/10/2024 08:13

Cuộc đời đặt để cho họ những thách thức. Chậm rãi, chắc chắn, những người phụ nữ yếu thế, khó khăn từng bước một đi qua rào cản. Họ tựa vào nhau, bắc nên những nhịp cầu vui cùng đời sống...

niem vui
Một khoảnh khắc hạnh phúc trong chương trình trình diễn thời trang của người khuyết tật với trang phục từ vải tái chế tại Hội An. Ảnh: XUÂN HÀ

Mở cơ hội từ chính sách

Tăng cường cơ hội tiếp cận và thụ hưởng các chính sách cho phụ nữ yếu thế là những điều Quảng Nam đã và đang làm. Từ miền núi đến những khu vực khó khăn, từ người phụ nữ không lành lặn đến những người gặp hoàn cảnh trớ trêu, khoảng cách dần được kéo xích lại.

dscf8261.jpg
Dự án 8 với nhiều hoạt động truyền thông, tập huấn, nâng cao năng lực cho phụ nữ. Ảnh: M.L

Thời gian qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình nâng cao năng lực cho phụ nữ, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ yếu thế, giúp họ tiếp cận cơ chế, chính sách và mở ra cơ hội cải thiện đời sống, phát huy vai trò, vị thế trong xã hội.

Nâng cao năng lực cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Hàng loạt chương trình, hoạt động nâng cao năng lực cho phụ nữ địa phương, nhất là chị em đồng bào dân tộc thiểu số được các huyện miền núi tổ chức. Mới đây, hội thi tìm hiểu kiến thức Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) và Thủ lĩnh tài năng do Hội LHPN huyện Đông Giang triển khai, tạo sân chơi bổ ích cho hội viên phụ nữ và trẻ em gái tại địa phương.

Bà Đinh Thị Thết - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Giang cho biết, hiệu quả từ các cuộc thi đã vượt ra ngoài phạm vi hội trường, lan tỏa đến từng thôn bản. Nhờ sự tham gia tích cực của tổ truyền thông cộng đồng, những chính sách, pháp luật về phòng chống BLGĐ đến gần hơn với người dân.

Tại Quảng Nam, Dự án 8 về Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em được triển khai tại 7 huyện gồm Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nam Trà My, Bắc Trà My. Mục tiêu của Dự án 8 nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại vùng đặc biệt khó khăn.

Đây là lần đầu tiên, trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi có riêng dự án thành phần về thúc đẩy bình đẳng giới. Dự án này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em, thực hiện hiệu quả mục tiêu bình đẳng giới.

dong giang
Hội thi tìm hiểu kiến thức Luật phòng chống bạo lực gia đình tại Đông Giang. Ảnh: M.L

Các hoạt động truyền thông được triển khai đa dạng, từ tọa đàm về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng chống BLGĐ, truyền thông cộng đồng về xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 30 tổ truyền thông cộng đồng/30 thôn/202 người tham gia, 25 câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi với 427 trẻ em gái là người dân tộc thiểu số tham gia vận hành, 14 địa chỉ tin cậy hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ là nạn nhân của BLGĐ, 39 mô hình “Chi hội phụ nữ không có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”; truyền thông qua mạng xã hội, tờ rơi, sân khấu hóa... đến tận các chợ phiên, thôn bản.

Bà Lê Thị Ánh Nguyệt - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, Dự án 8 được các cấp hội phụ nữ phối hợp triển khai hiệu quả tại địa phương vùng dự án, bước đầu tạo sự thay đổi trong nhận thức của cán bộ, người dân về bình đẳng giới.

Sự nhận thức đầy đủ từ cán bộ hội phụ nữ trở thành cầu nối lan tỏa kiến thức, nhận thức về bình đẳng giới, nhận diện được các tập tục lạc hậu, từ đó tuyên truyền, lan tỏa trong cộng đồng. Qua đó, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới, trao cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái được khẳng định vai trò trong gia đình và tham gia phát triển cộng đồng.

Đồng hành phụ nữ yếu thế

Chị Nguyễn Thị Đẹp (trú phường An Phú, TP.Tam Kỳ) có hoàn cảnh rất khó khăn khi chồng đau ốm, mình chị nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn học. Đầu năm nay, Hội LHPN thành phố Tam Kỳ trao tặng 50 cây bưởi da xanh để chị có thêm sinh kế thoát nghèo. Chị Đẹp mừng vì nhận được sự quan tâm, động viên thường xuyên từ Hội phụ nữ phường và thành phố, giúp chị có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.

Hội LHPN phường An Phú thường xuyên thăm hỏi, động viên hội viên khó khăn. Ảnh: M.L

Bà Lê Thị Ánh Nguyệt cho biết, tính đến nay, các cấp hội đã đăng ký giúp 3.804 hộ phụ nữ nghèo, trong đó có 3.568 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên địa bàn tỉnh. Hội LHPN các cấp đã kết nối, tư vấn, hỗ trợ phụ nữ yếu thế, trẻ em gái tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội. Hiện đã có 1.330 tổ vay vốn, dư nợ đạt hơn 3.181 tỷ đồng, dư nợ hộ nghèo trên 222 tỷ đồng. Hằng năm, Hội kết nối các tổ chức, cá nhân vận động nguồn lực hỗ trợ cho khoảng 30 - 50 hội viên phụ nữ khó khăn, khuyết tật vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Đại diện Hội LHPN tỉnh nhìn nhận, phụ nữ yếu thế tại Quảng Nam đã có những bước tiếp cận đáng kể đến các chính sách an sinh xã hội như việc làm, học nghề, đào tạo, tập huấn, vay vốn… Nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo nghề, các chính sách như miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh, các khoản vay ưu đãi đã tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ và trẻ em gái.

Tại Quảng Nam, rất nhiều chương trình, đề án được phát động và triển khai như: Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, các đề án của Thủ tướng Chính phủ: Đề án “Tuyên truyền, vận động hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” giai đoạn 2017-2027; Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2025.

Tuy nhiên, việc tiếp cận của phụ nữ yếu thế cũng gặp không ít khó khăn. “Từ việc thiếu thông tin, như nhiều phụ nữ và trẻ em gái vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin về các chính sách, quyền lợi mà họ được hưởng. Thứ 2 là rào cản văn hóa. Một số khu vực miền núi của tỉnh còn tồn tại những định kiến văn hóa và xã hội, khiến họ khó tiếp cận dịch vụ, ví dụ như sự phân biệt giới tính trong giáo dục và việc làm. Thứ 3 là khó khăn về tài chính. Nhiều gia đình còn gặp khó khăn trong việc trang trải chi phí cho giáo dục và y tế, khiến phụ nữ và trẻ em gái không thể tận dụng các chính sách hỗ trợ” - đại diện Hội LHPN tỉnh chia sẻ.

Mạng lưới hỗ trợ và kết nối các nguồn lực nhằm nâng cao khả năng tiếp cận cho phụ nữ và trẻ em gái tiếp tục đặt ra, để nối dài cơ hội cho những người phụ nữ đặc biệt...

Hành trình trao hy vọng

Như đóa xương rồng vẫn miệt mài nở hoa trên đất đá khô cằn, những người phụ nữ không may mắn đã gượng dậy, tự tin khẳng định mình...

images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2023-3-26-140355-_dsc_3574.jpg
Tỏa sáng những vầng trăng khuyết. Ảnh: M.Q

Vầng trăng khuyết tỏa sáng

Chị Đinh Thị Mai - chủ nhân “Cửa tiệm hạnh phúc”, đôi mắt lấp lánh vui khi những sản phẩm túi xách, ví cầm tay được may từ vải vụn ngày càng nhiều đơn đặt hàng. Đã có những “thanh âm hạnh phúc”, bắt đầu từ tiếng máy may, tiếng cười rộn cả gian nhà vùng ngoại ô di sản, tiếng đóng gói hàng để gởi cho khách.

Con số túi xách, khẩu trang và những vật phẩm lưu niệm bán ra từ năm 2022 đến nay đã lên tới ba con số. Nhưng niềm hạnh phúc, niềm vui có lẽ nhân lên hàng ngàn lần. Điều quý giá nhất, họ đã tìm thấy mình sau những tháng ngày dài tự ti vì khiếm khuyết.

Đinh Thị Mai là người phụ nữ đặc biệt và quen tên với cư dân phố cổ. Đôi chân không may teo lại ngay từ nhỏ, những di chuyển cũng trở nên khó nhọc, nhưng ý chí thì càng dày dặn thêm qua thời gian. Những công việc phụ giúp không tên ở Hội An đã mở cơ hội để Mai dễ dàng hơn trong việc học ngoại ngữ. Theo bước đi thời gian, những giao tiếp ngày càng cởi mở hơn, để Đinh Thị Mai bắt đầu câu chuyện khởi nghiệp của mình. Hơn 10 chị em khuyết tật ở Cẩm Nam gặp nhau trong gian nhà của Mai, để làm nên “cửa tiệm hạnh phúc”.

dscf8835-1-.jpg
Chị Nguyễn Thị Bé (bên phải) hướng dẫn kỹ thuật làm hoa cho phụ nữ khuyết tật tại Duy Xuyên. Ảnh: M.L

Bắt đầu bằng thấu cảm, những chậu hoa giấy khéo léo được lựa chọn nhiều hơn cho các dịp đặc biệt. Chủ nhân của nó - những phụ nữ khuyết tật huyện Duy Xuyên, đã lan tỏa sắc màu của hạnh phúc đến với nhiều người. Khởi đầu câu chuyện của những chậu hoa đủ sắc màu này là chị Nguyễn Thị Bé - một người phụ nữ chưa bao giờ thiếu nụ cười.

Từ vài chị em, CLB khuyết tật huyện Duy Xuyên do chị Bé làm chủ nhiệm, đã thu hút đến 45 người cùng tham gia. Họ tất bật ngày đêm cho những sản phẩm thân thiện với môi trường. Chị Nguyễn Thị Bé nói, làm một điều gì đó với người khuyết tật chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng khi họ đặt tất cả ý chí vào đó, thì những điều khó trở thành điều bình thường.

Và Quảng Nam có đến hàng trăm người phụ nữ như chị Bé, chị Mai. Họ đang từng ngày tỏa sáng theo cách của mình - như những vầng trăng khuyết vẫn rạng rỡ trên bầu trời. Họ đã chọn cách “chữa lành” không chỉ cho bản thân...

Không giới hạn, không khoảng cách

Quảng Nam hiện có hơn 60.700 người khuyết tật, trong đó có khoảng 30.200 phụ nữ khuyết tật, chiếm 45,2%. Khơi dậy sự tự tin ở những người phụ nữ khuyết tật, tăng tính chủ động của họ thông qua việc kết nối giữa các CLB và các dự án là điều Quảng Nam đang thực hiện. Đó cũng là mục tiêu của dự án Hòa nhập 1 - “Hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam/đioxin” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ tại Quảng Nam.

images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2023-9-30-148768-_tnb-60684-07.jpg
Những nụ cười hạnh phúc trong giải chạy “Không giới hạn. Không khoảng cách”. Ảnh: L.T.K

Dự án được thực hiện tại ba tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Tại Quảng Nam, dự án đã hỗ trợ cho sự ra đời của nhiều CLB phụ nữ khuyết tật ở các địa phương cũng như tổ chức nhiều hoạt động dành cho người khuyết tật toàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC), cho biết, mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ xóa bỏ rào cản đối với phụ nữ khuyết tật, khuyến khích họ vươn lên sống bình đẳng, độc lập, hòa nhập cộng đồng, cũng như phát triển các tổ chức của người khuyết tật.

“Không giới hạn. Không khoảng cách” là tên một giải chạy dành cho người khuyết tật đã từng tổ chức tại Quảng Nam bởi ACDC. May mắn cho tác giả bài viết này khi được chứng kiến những nụ cười tràn đầy hạnh phúc, rạng rỡ của những người phụ nữ đặc biệt. Họ động viên nhau trên đường chạy. Họ dìu nhau qua những khúc quanh của đoạn đường.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh nói, những bước chạy của giải tạo nên một nhận thức khác về cộng đồng người khuyết tật và vấn đề khuyết tật. Nó khiến người ta cảm nhận được khả năng vô hạn của mỗi người, dù thiên tạo sắp đặt mỗi phận người mỗi khác. Người ta nghĩ nhiều về ý chí, lòng dũng cảm và lòng tin, hơn là những thương hại bởi sự khiếm khuyết.

Khi cuộc đời càng thử thách, những nhiệt thành sống càng mạnh mẽ. Với riêng giới nữ, càng chông gai, họ lại càng vươn về phía nắng, như xương rồng...

Những cựa quậy mơ hồ

Hạnh phúc của đàn bà là được làm mẹ. Nhưng ở nhiều phụ nữ, đôi khi hạnh phúc đó nằm ngoài tầm với…

em be
Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock

Chị N.T.A (32 tuổi, ở Đại Lộc) nói, nếu cộng dồn quãng đường từ Tam Kỳ đi Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn mà cô phải chạy tới chạy lui trong 2 năm để điều trị vô sinh, có lẽ dài bằng một vòng trái đất. N.T.A nhớ lại những lần ngồi ở phòng chờ, vô thuốc, chuyển phôi.

Cô kể rằng, những ngày sau chuyển phôi là khoảng thời gian đằng đẳng như hàng thế kỷ. Sau khi làm thụ tinh ống nghiệm, chỉ cần chút thay đổi nhỏ xuất hiện trong cơ thể cũng làm cô hồi hộp liệu có phải là dấu hiệu phôi đã làm tổ thành công? Những cơn căng tức ở vùng ngực, bụng khiến cô tưởng tượng đến những cựa quậy mơ hồ của mầm sống.

Sau hai lần chuyển phôi thất bại, cô tưởng đã tuyệt vọng. Ở lần thứ ba, vũ trụ dường như nghe được lời cầu nguyện hằng đêm và số phận đã mỉm cười với cô. “Bây giờ thằng bé hơn 1 tuổi, khỏe mạnh và lanh lẹ. Tôi chưa nghĩ tới sẽ thực hiện lại quy trình điều trị. Nó quá sức gian truân” – N.T.A nói.

Cũng như N.T.A, chị P.T.C (46 tuổi, ở Tam Kỳ) trải qua quá trình điều trị hơn 3 năm mới thành công. Chồng chị hay đùa “thằng bé tỷ đồng”. Khi con được 5 tuổi, sau nhiều cân nhắc và quyết tâm, P.T.C ra Huế với hy vọng sinh được thêm đứa nữa cho con có anh có em. Lần này, nhiều kinh nghiệm hơn nhưng sức khỏe và sức chịu đựng đã không còn tốt như trước. Dù chuyển phôi thành công nhưng mầm sống đã không đến thế giới này cùng cô.

mh.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock

Trong nhóm kín của những phụ nữ cùng cảnh ngộ, P.T.C nói, nhiều người đằng đẵng cả chục năm trời vẫn không có thành tựu. Có người không đủ tiền nên dừng lại ở vài năm đầu. Có người chấp nhận số phận, đầu hàng, có người tiếp tục hành trình tìm kiếm. Với người bình thường, chuyện sinh con đơn giản và tự nhiên như hoa cỏ đến kỳ khai nhụy đơm bông; nhưng với phụ nữ hiếm muộn, chỉ một nhịp đập của tim thai qua ống nghe của bác sĩ, là gian nan vạn dặm.

Theo thống kê của Bộ Y tế, ước tính mỗi năm có hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, tỷ lệ khoảng 7,7%. Trong số này, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.
Nước ta chưa có chính sách bảo hiểm y tế chi trả cho điều trị vô sinh, hiếm muộn. Đối với nhiều gia đình, 80 - 100 triệu đồng để làm thụ tinh ống nghiệm là số tiền vô cùng lớn. Tất nhiên, tỷ lệ thành công ở lần đầu tiên rất thấp.

Thời gian càng dài thì chi phí điều trị vô sinh, hiếm muộn càng trở thành gánh nặng, nhất là những gia đình khó khăn. Chị N.T.M.P (41 tuổi, ở Tam Kỳ) cho biết, sau đợt điều trị vô sinh, vừa buồn vì thất bại vừa lo cày cuốc để trả khoản nợ mượn. “Tiền mượn từ anh chị trong gia đình nên cũng đỡ lo khoản lãi. Lần thứ tư rồi nên chồng mình nói thôi chấp nhận hẩm hiu” – chị M.P chia sẻ.

Những đứa trẻ đến thế giới này với chúng ta, là nhân duyên. Chỉ là chúng ta chưa có duyên thôi. Họ đã an ủi nhau như thế!

Bóng người già

Những người già đi qua mưa gió, đi qua cực nhọc cuộc sống đầy khốn khó ở vùng cao. Họ vẫn đang gồng mình mỗi ngày giữa bộn bề lo toan. Dường như, trong rãnh nếp nhăn trên gương mặt, mưa mù phủ lấy...

Bà Hồ Thị Ton (làng Tăk Chay) luyến tiếc ngôi nhà gắn bó suốt mấy mươi năm. Ảnh: THIỆN TÙNG

Người cao tuổi ở vùng cao Nam Trà My, thích nói ngôn ngữ của dân tộc mình. Với tộc người khác, họ giao tiếp nhiều bằng mắt. Những ánh mắt sắc lẹm, đôi lúc thoáng trầm ngâm, khiến cho ai tiếp xúc lần đầu, cũng phải bối rối. Tuổi thơ, họ đối mặt với hùm beo. Thiếu thời thì lăn trong mưa bom, bão đạn. Đến bây giờ, họ trầm mình trong sương gió và những cuộc di dân.

Hòa vào cuộc di dân

Trong mưa, vài vết nứt len lỏi qua các nền nhà, người làng Tăk Chay (thôn 5, Trà Cang) gọi nhau đi lánh nạn. Nạn chưa thấy, nhờ bà con biết đề phòng trước. Nhưng lánh ở đâu, để nạn không tới, thì không ai hay. Họ dạt vào những điểm trường học, và nhà người quen làng bên, đợi mưa dứt. Lầm lũi trong đêm, những người già chỉ biết chạy theo tiếng bước chân con cháu, bởi mấy mươi năm ở làng, chưa bao giờ họ thấy núi lở.

Mưa tạnh, người dân Tăk Chay kéo nhau về lại làng, tháo dỡ nhà cửa đi nơi khác. Thanh niên tháo kèo, gỡ ván, đàn ông vác cột, phụ nữ lo mùng, màn, chăn, gối, người già và trẻ con thì vác những thứ nhỏ nhẹ hơn. Việc hệ trọng của làng, nên chẳng ai than vãn, phần vì trong quá khứ, họ đã từng đôi lần di dân. Chỉ là không vội vã, bần thần như lần này.

chay1.jpg
Bà Hồ Thị Bia hòa vào cuộc di dân của làng Tăk Chay. Ảnh: THIỆN TÙNG

Đã gần 60 tuổi, đôi chân bà Hồ Thị Bia (làng Tăk Chay) vẫn thoăn thoắt. Buổi sáng đầu tiên dời làng, không đếm xuể số bước chân của người phụ nữ Xơ Đăng này. Bà hết buộc nứa thành bó, vác tới nơi tập kết, lại quay về làng. Lục trong những đống đồ cũ, xem thứ gì dùng được, bà nhét vội vào chiếc bao tời, rồi vác đi, bỏ lại sau lưng những chất chồng chăn chiếu ướt sũng, ngập trong bùn lầy.
Từ xa, tôi đã thấy bà Bia nhăn nhó, nhưng khi vừa giáp mặt, bà mở miệng cười đáp lại những ánh mắt thán phục, chân vẫn bước về phía trước. Người Xơ Đăng lạc quan đến vậy? Không. Chỉ là họ đang cố nén nỗi lo âu và giấu đi mệt nhọc sau nụ cười làm quà cho khách. Chứ có năm nào, núi ép họ tới bước đường này đâu!

Lớn tuổi hơn bà Bia, bà Hồ Thị Ton (sinh năm 1959) chỉ đủ sức cõng cháu và ôm theo con gà. Ngập ngừng trên nền làng cũ, bà đi một lượt qua các nền nhà thân thuộc, rồi vòng lại, ngó nghiêng. Vẻ luyến tiếc hiện rõ trên nét mặt. Tuổi cao, con khờ, việc dời nhà trông cậy cả vào làng, và chính quyền hỗ trợ. Bà Ton chỉ lặng nhìn các anh dân quân xã tất bật ra vào, mang đi những tấc tôn, xà gỗ cũ, rồi lủi thủi theo sau họ, rời làng.

Điểm tựa tuổi xế chiều

Ở vùng cao, cư dân sống tựa vào núi, khó khăn thì tựa vào nhau. Những phận già như cánh chim lẻ bầy, bay mãi trong cơn bão lòng của chính họ, chưa biết bao giờ mới dứt. Điểm tựa của họ, giờ là hai người con gái, và bờ vai già của nhau.

Bà Bia, bạc đầu vẫn còn nuôi ba đứa con ăn học, vất vả, nhưng bà lấy đó làm điểm tựa tinh thần. Cơn bão đi qua, vì các con, bà còn sức để vực mình đứng dậy. Nên cuộc dời làng lần này, bà xốc xáo không kém ai. Ít ra, cuộc chạm trán với đợt bão bùng này, mới chỉ là khởi điểm của buổi hoàng hôn.

dsc03202.jpg
Người dân vùng cao giúp nhau di dời nhà cửa. Ảnh: THIỆN TÙNG

Sau bốn năm, Bằng La (Trà Leng) ngày càng khang trang, ngoài 36 căn nhà cho dân tái định cư, còn có trường học, nhà cộng đồng, những con đường thẳng tắp. Bìa làng bên bờ sông Leng, được kè chắn cẩn thận, trên có công viên thoáng mát. Những người già còn lại của làng cũ, cũng đang an cư.

Ở Tăk Chay (Trà Cang), ông Nguyễn Đỗ Trí - Phó Chủ tịch UBND xã cũng cho biết, sau hai tuần nỗ lực, chính quyền đã hoàn thành di dời và bố trí chỗ ở tạm cho người dân. Bên cạnh đó, xã cũng hỗ trợ gạo, tiền mặt để người dân ổn định sinh hoạt trong quá trình sắp xếp khu dân cư mới. Riêng hộ bà Ton, chính quyền giúp “trọn”.
Chiều tà, làng Tăk Chay đã vắng hẳn bóng người, những căn nhà tạm cuối cùng hoàn thành, ở vạt đồi đối diện. Ở đó, có người con trai mắc bệnh tâm thần ôm lấy mẹ. Bà Ton quờ quạng, dắt theo con leo lên con dốc, về phía căn nhà của mình. Gió núi vẫn thổi những làn hơi lạnh, len vào khóm quế, bóng người đàn bà già khuất dần sau rặng lồ ô.

Những cơn bão hung bạo đến nhường nào, rồi cũng sẽ tan. Nhưng với bão hoàng hôn, sợ khi bão tàn, cũng là lúc hoàng hôn vừa tắt...

Chuyện của cô giáo Hiền

Dẫu nhiều khốn khó, cô giáo Nguyễn Thị Hiền vẫn vượt lên nghịch cảnh và bền bỉ với sự nghiệp gieo chữ ở vùng cao.

co-hien.jpg
Vượt qua khó khăn, cô vẫn tận tâm với nghề gieo chữ ở vùng cao.

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền (33 tuổi, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú và tiểu học Vừ A Dính, xã Trà Don, huyện Nam Trà My) có nhiều gắn bó với vùng quê xứ Quảng.

Quê ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa nhưng từ năm 2012, ngay sau tốt nghiệp sư phạm, cô được nhận về Nam Trà My công tác. Những buổi đầu ở vùng đất mới, khác biệt trong đời sống, văn hóa và cả ngôn ngữ khiến cô cảm thấy vô cùng lạ lẫm. Nhưng rồi quen dần theo thời gian, gắn bó và yêu quê hương thứ hai này, cũng như yêu lũ trẻ vùng cao lem luốc, bám trường bám lớp ê a con chữ.

Rồi duyên số đưa Hiền gặp được tri kỷ của mình là thầy giáo Nguyễn Hữu Đồng, cũng là đồng hương đang dạy học cấp 2 ở đây. Cả hai kết hôn và cùng nhau xây dựng mái ấm nhỏ. Hai đứa con kháu khỉnh ra đời và ngôi nhà nhỏ vui rộn tiếng cười sau một ngày vất vả.

“Với thầy, cô giáo vùng cao, nụ cười vô tư, trong sáng của học trò chính là niềm động viên mỗi ngày. Vào những ngày lễ, món quà các em dành tặng thầy cô có khi đơn giản chỉ là những bó hoa rừng do các em tự tay hái, có khi là túi sắn, rau rừng trồng ở nơi bản làng các em sinh sống. Đó là niềm vui và cũng là động lực để cô mạnh mẽ, nỗ lực mỗi ngày” - cô Hiền chia sẻ.

Năm 2020, hai vợ chồng tích cóp, vay mượn thêm mua được mảnh đất xây nhà tại làng Tắk Pỏ (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) cách điểm trường cô Hiền dạy gần 10 cây số.

Bi kịch ập xuống khi người chồng đột ngột mất sau cơn đột quỵ, lúc ấy cậu con trai chỉ mới tròn 2 tuổi. Cô Hiền một nách 2 con thơ, vừa xoay xở cuộc sống và dè sẻn hết mức vì còn trả số nợ từ tiền vay nợ xây nhà.

Cô Hiền dặn mình phải mạnh mẽ vì các con. Nhà xa trường hơn 10 cây số đường núi, mỗi ngày, cô đều dậy thật sớm để sửa soạn, đưa các con tới lớp rồi chạy xe đến điểm trường. Nhìn vóc người nhỏ thó ngược xuôi lo toan khiến đồng nghiệp vừa thương, vừa phục.

Ngày nắng thì dễ, nhưng mùa mưa bão, vượt quãng đường xa tới nhà không hề dễ dàng. Đường đi lầy lội, trơn trượt, chuyện ngã xe, “vồ ếch” xảy ra như cơm bữa. Sợ hơn hết là sạt lở. Những mảng đồi sau khi “no” nước có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào luôn là ám ảnh của vùng cao vào mùa mưa.

co-hien1.jpg
Cô Hiền và khoảnh khắc vui vẻ học trò vùng cao.

Cô Hiền nhớ lại, có lần xong buổi dạy thì gặp mưa lớn. Nước lũ tràn các nẻo, cầu bắc qua suối cũng bị ngập nước không thể chạy qua. Bình thường, những khi mưa lớn thì các thầy cô thường hẹn đi theo đoàn để hỗ trợ lẫn nhau, nhưng hôm đó cô Hiền ra trễ, trời sập tối nên mọi người tự tìm cách để về.

“Sốt ruột vì hai đứa con ở nhà chưa có ai đón nên em bèn men theo đường rừng về nhà. Đi giữa đường thì mắc kẹt vì sạt lở, em cùng với mấy người dân đội mưa dọn đất, đá để đi qua. Nghĩ đến vẫn còn sợ” - cô Hiền nhớ lại.

Vất vả là thế, nhưng vì tình yêu nghề, yêu học trò nên cô Hiền vẫn không quản nắng mưa, vượt núi băng đèo để mang con chữ đến cho học trò.

Và chính nụ cười giòn tan, trong veo của hai thiên thần cùng lũ trò nhỏ vùng cao, đã giữ lấy tình yêu của cô giáo trẻ ở lại với Quảng Nam.

Nội dung: MỸ LINH - MINH KHÔI - PHAN HOÀNG - THIỆN TÙNG - VĂN QUỐC

Trình bày: MINH TẠO

Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tựa vào nhau, bắc những nhịp cầu...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO