Làm sao để “hái ra tiền” bền vững từ di sản luôn là câu chuyện đau đáu theo thời gian, nhất là với vùng đất giàu có về di sản như Quảng Nam...
Bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa (Văn phòng UNESCO tại Hà Nội) đã dành cho Quảng Nam cuối tuần những chia sẻ từ tổng thể cho đến chi tiết với mong muốn di sản bản địa đã, đang và sẽ tiếp tục quá trình tuần hoàn làm trù phú cho đất và người xứ Quảng.
Ấn tượng du lịch di sản
* Một chút đánh giá của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội về du lịch di sản ở Quảng Nam thời gian qua, thưa bà?
- Bà Phạm Thị Thanh Hường: Tôi nghĩ thành tựu nổi bật nhất của du lịch Quảng Nam là tạo được thương hiệu du lịch di sản. Ở Việt Nam có đến 8 khu di sản thế giới, nhưng nhắc đến du lịch di sản thì phần lớn khách quốc tế lẫn nội địa nghĩ ngay trước đến Quảng Nam.
Bước đầu Quảng Nam đã thành công trong quan điểm về phát triển khi lấy di sản vừa là nguồn lực vừa là động lực, mục tiêu cho việc bảo tồn nhờ nguồn lực chính di sản tạo ra từ du lịch. Nếu so sánh với các địa phương lân cận, tôi tán thành quan điểm phát triển gắn di sản với cộng đồng của Quảng Nam.
Trong mô hình Quảng Nam hợp tác cùng UNESCO hoặc các đối tác khác thì luôn đề cao quan điểm đem lại lợi ích cộng đồng địa phương. Điều này thể hiện qua rất nhiều thành tựu, cân bằng giữa hợp tác công tư với các đối tác lớn, cân bằng trong quy hoạch phát triển du lịch khi thu hút nhà đầu tư lớn song song với việc khuyến khích các mô hình du lịch vừa và nhỏ…
Thực ra trước đây khách nội địa chưa hào hứng lắm với du lịch Hội An. Người ta bị thu hút nhiều hơn bởi các resort lớn, các khu giải trí lớn. Thế nhưng hiện tại, cộng đồng khách nội địa đang dần có xu thế yêu thích Quảng Nam hơn bởi sự hấp dẫn của các mô hình du lịch vừa và nhỏ gắn kết câu chuyện di sản với bền vững ở Quảng Nam, nhất là ngoại ô Hội An.
Xin nhắc thêm, bền vững không chỉ ở câu chuyện xanh về môi trường, mà nằm ở việc định hình lối sống xanh, phát triển xanh gắn với tiến trình phát triển du lịch.
* Vậy dư địa nào cho du lịch di sản phát triển ở Quảng Nam?
- Bà Phạm Thị Thanh Hường: Về phía UNESCO, tất nhiên chúng tôi luôn khuyến khích xu hướng bảo tồn. Để tránh đi vào lối mòn trong xu hướng xây dựng sản phẩm du lịch xanh gắn với di sản thì cần tạo ra sự tương tác nhiều hơn, khuyến khích kết nối nguồn lực di sản lâu đời với nguồn lực sáng tạo văn hóa.
Nói một cách dễ hình dung là chúng ta phải nghĩ nhiều về quá khứ. Đã đến lúc chúng ta không nên quên sự tiếp biến về văn hóa và giá trị của sự sáng tạo, tạo ra nhiều vỉa tầng văn hóa mới, bồi đắp làm giàu thêm cộng đồng di sản.
Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự sáng tạo của người trẻ, họ có thể lồng ghép truyền tải cảm hứng giá trị di sản vào tác phẩm mới ở các lĩnh vực hội họa, kiến trúc, nhiếp ảnh, nghệ thuật trình diễn… Điều cần lưu ý là không thể nào tách rời câu chuyện văn hóa thời đại và những sản phẩm, dịch vụ văn hóa có sức hút với các bạn trẻ.
Lấy ví dụ với điểm nhấn Hội An, từ nguồn lực di sản của mình, thành phố cần tiếp tục khuyến khích phát huy cộng đồng sáng tạo. Đơn cử như tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO chẳng hạn, từ đó giao lưu chia sẻ kinh nghiệm với các thành phố khác ở góc độ chính sách như thế nào, chương trình hỗ trợ cho văn hóa sáng tạo ra sao. Vai trò cơ quan quản lý nhà nước là tạo ra động lực, chính sách thu hút cộng đồng sáng tạo.
Chưa khai thác hết tiềm năng
* Theo bà, Hội An đã đủ điều kiện gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO chưa?
- Bà Phạm Thị Thanh Hường: Ở đây cần làm rõ một chút về câu chuyện này. Hội An thực tế chưa nằm trong mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu. Thời gian qua, UNESCO đã làm việc với Bộ VH-TT&DL, đề nghị lấy kinh nghiệm UNESCO đã hỗ trợ cho TP.Hà Nội tham gia và trở thành thủ đô sáng tạo về thiết kế để hỗ trợ các đô thị có tiềm năng khác. Chúng tôi khuyến khích nên tạo ra mạng lưới thành phố sáng tạo ở Việt Nam.
Đề án đang có là của Bộ VH-TT&DL xây dựng, ở đó chọn lọc các ứng cử viên tiềm năng có thể gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu. Hội An đang ở giai đoạn ứng cử viên, thực ra Hội An có rất nhiều tiềm năng bởi đô thị di sản này không bắt đầu từ số 0 mà vốn đã tích lũy rất nhiều nguyên liệu tiềm tàng cho sự sáng tạo văn hóa.
Cái này cần một lộ trình, đề án sẽ đánh giá tiềm năng của các thành phố, sự sẵn sàng và cam kết của các đô thị về hỗ trợ sáng tạo văn hóa. Đề án vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Về tính cạnh tranh để được gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu thì theo quy định, cứ mỗi 2 năm mạng lưới này sẽ gọi nộp đơn một lần và 1 quốc gia thành viên được nộp tối đa 4 hồ sơ.
UNESCO không xét hồ sơ mà chính các thành phố nằm trong mạng lưới mới có quyền xem xét thành phố này có thực sự là thành phố sáng tạo không. Ví dụ, họ sẽ xem xét Hội An đóng góp vào mạng lưới như thế nào, cơ hội, giá trị nào để giao lưu chia sẻ khi kết nạp.
Về nhóm các thành phố sáng tạo dựa trên nghệ thuật thủ công dân gian thì Hội An có rất nhiều sáng kiến, lợi thế để có thể gia nhập mạng lưới. Xin được thông tin thêm, hiện mới chỉ có Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia mạng lưới vào năm 2019.
Quy hoạch là yếu tố then chốt
* Nhưng vẫn có nhiều di sản ở Quảng Nam nằm ngoài tầm với của tiến trình phát triển du lịch?
- Bà Phạm Thị Thanh Hường: Tôi không thể trả lời tổng thể về giải pháp cho câu chuyện này được. Theo góc nhìn của tôi, việc phát triển du lịch cần tôn trọng nguyên tắc lan tỏa, rất khó để thị trường biết và chấp nhận một điểm đến hoàn toàn mới và không gắn với điểm đến thương hiệu đã lan tỏa. Quảng Nam hiện có Hội An là một điểm đến “đinh”, cái chúng ta thiếu ở đây là sự liên kết.
Về mặt nhà nước phải có chương trình, biện pháp hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp, câu lạc bộ doanh nghiệp… theo chủ đề. Bản thân các doanh nghiệp rất cần điều này bởi tính cạnh tranh trong du lịch rất cao.
Vai trò chủ chốt thực hiện nằm ở cộng đồng doanh nghiệp nhưng vai trò của nhà nước cũng quan trọng không kém là điều phối, tạo ra sự kết nối chặt chẽ. Trong giai đoạn đầu, không thể nào tách rời điểm đến đã có thương hiệu quốc tế mà cạnh tranh được. Cần phải gắn kết tuyến điểm theo vệ tinh và phát triển vùng.
* Vậy nhà nước có cần thêm các chính sách nào để thúc đẩy du lịch, cụ thể hơn là du lịch di sản, thưa bà?
- Bà Phạm Thị Thanh Hường: Ngoài hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp, bàn từ góc độ vĩ mô thì điều then chốt nhất trước khi bàn đến giải pháp kỹ thuật hỗ trợ cho doanh nghiệp, tôi cho rằng vẫn là câu chuyện quy hoạch về vĩ mô. Trong quy hoạch phát triển du lịch không thể mâu thuẫn với các quy hoạch cho ngành nghề khác.
Ví dụ ở một điểm đến nào đó có tiềm năng lớn thúc đẩy du lịch nhưng quy hoạch lại ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị, phát triển công nghiệp nặng… thì sẽ khó lòng tương thích với việc kỳ vọng phát triển du lịch. Hoặc quy hoạch sử dụng đất ở một khu vực nào đó không phù hợp với việc phát triển du lịch sẽ rất khó để điều chỉnh, xoay chuyển phục vụ du lịch.
Chúng ta cần xác định rõ ràng những khu vực trọng tâm nào sở hữu các điểm đến vệ tinh có thể kết nối với “hạt nhân” Hội An hay Mỹ Sơn thì phải tôn trọng quy hoạch, tính toán điều chỉnh quy hoạch hài hòa cho việc phát triển các ngành kinh tế. Vai trò của UBND tỉnh phải điều tiết vấn đề này.
* Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!