Tuyên truyền tham gia bảo hiểm xã hội ở miền núi: Mưa dầm thấm lâu

DIỄM LỆ 03/03/2022 04:39

Để người dân tham gia chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số là câu chuyện dài. Và công tác tuyên truyền không thể thực hiện ngày một ngày hai.

Để tuyên truyền cho người dân hiểu, chị Trương Thị Luôn (giữa) phải tuyên truyền bằng tiếng Xê Đăng và theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Ảnh: D.L
Để tuyên truyền cho người dân hiểu, chị Trương Thị Luôn (giữa) phải tuyên truyền bằng tiếng Xê Đăng và theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Ảnh: D.L

Tiết kiệm để đóng bảo hiểm

Chúng tôi có dịp đi cùng chị Trương Thị Luôn - đại lý thu bảo hiểm xã hội (BHXH) ghé thăm gia đình bà Hồ Thị Khuyến (thôn 1, xã Trà Cang, Nam Trà My). Chồng đi làm rẫy, bà Khuyến đi bứt đót vừa về tới nhà.

Hỏi về BHXH tự nguyện, bà Khuyến nói: “Mùa đót đem lại thu nhập cho bà con, có thêm tiền tiết kiệm để tham gia BHXH tự nguyện. Năm 2021 tôi đóng cả năm hơn 1,6 triệu đồng. Năm nay, tôi cũng đang tiết kiệm để đủ tiền đóng một lần cho cả năm chứ không đóng theo tháng, thuận tiện người đóng lẫn người thu.

Chồng tôi bảo, tham gia BHXH tự nguyện vì già rồi con cái không lo thì mình có lương hưu. Mỗi ngày để dành 10 nghìn đồng, thay vì uống rượu như trước thì tiết kiệm đóng bảo hiểm”.

Hay như lời ông Hồ Văn Lăng, cũng tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2021, trước đây ngày nào cũng uống rượu. Từ khi biết đến chính sách BHXH tự nguyện, ông bỏ rượu bia, vừa tốt cho sức khỏe lại vừa có lợi khi già yếu.

Ông Lăng kể: “Không phải tự dưng mà người dân ở làng ý thức được, mà nhờ có cô Luôn. Cô Luôn làm Bí thư Chi bộ thôn 1, rồi làm ở Hội Phụ nữ xã Trà Cang. Cô ấy vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, bỏ rượu để làm kinh tế, tiết kiệm để tham gia BHXH tự nguyện.

Như tôi tham gia thì một tháng đóng vào 198 nghìn đồng, ít hơn tiền uống rượu. Người dân trong làng thu nhập chủ yếu theo mùa vụ, đi làm thuê, nên bán buồng chuối, hái đót, bán măng, rau rừng, có tiền thì tiết kiệm để đóng BHXH hàng tháng”.

Chị Hồ Thị Khuyến tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hình thức đóng cả năm một lần.
Chị Hồ Thị Khuyến tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hình thức đóng cả năm một lần.

Đại lý thu tận tụy

Từ đầu năm 2021, khi làm ở Hội Phụ nữ xã Trà Cang, chị Luôn mới bắt đầu làm đại lý thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) của xã. Chỉ 1 năm vào cuộc tuyên truyền vận động để thay đổi nhận thức, chị Luôn đã vận động được 24 người dân tham gia chính sách BHXH tự nguyện; trong đó có 9 người tham gia đóng tiền 1 lần cho cả năm, 15 người tham gia hàng tháng.

Đặc biệt, như trường hợp chị Hồ Thị Vo hay Nguyễn Thị Hồng Thiết (cùng ở thôn 1, xã Trà Cang), dù đang lao động ở nước ngoài, nhưng vẫn gửi tiền để người nhà tham gia BHXH tự nguyện cho chính các chị theo hình thức đóng cả năm một lần. Người ở nhà cũng tiết kiệm để có thể được hưởng lương hưu dù không đi làm hưởng lương hàng tháng như người khác. Sự đổi thay trong nhận thức về một chính sách an sinh xã hội thiết thân đã làm nên sự thay đổi trong đời sống đồng bào vùng cao.

Chị Luôn tâm sự: “Với người đồng bào dân tộc thiểu số ở bản làng vùng cao, tuyên truyền nội dung gì cũng phải “mưa dầm thấm lâu”, nói một lần chưa hiểu thì phải nói, giải thích nhiều lần. Tôi nói với bà con bằng tiếng Xê Đăng để giải thích từng thắc mắc, từng chế độ chính sách, sự hỗ trợ của Nhà nước như thế nào.

Một buổi tuyên truyền tập trung, họ không hiểu thì mình tới nhà, giải thích cặn kẽ. Mà tâm lý bà con mình, có một vài người tham gia thì lại dễ vận động thuyết phục người khác hơn. Nên tôi cũng phải chọn người có thu nhập ổn định để tham gia không bị đứt đoạn, có hiểu biết hơn về chính sách để người khác hỏi còn trả lời được.

Chỉ cần nói thực, nói đúng, có sự so sánh được mất, so sánh số tiền họ tham gia tính theo ngày thì không bao nhiêu, nhưng về già thì hưởng lợi nhiều. Cứ vậy, người dân tin sẽ tham gia vào chính sách an sinh của Nhà nước”.

Nhờ tâm huyết và nỗ lực hết mình trong công tác tuyên truyền, chị Luôn đã nhận được sự tin tưởng của người dân khi danh sách người tham gia ngày một dài hơn.

“Nghĩ đến lúc người dân làng mình, người đồng bào vùng cao quê mình về già được nhận lương hưu, được bảo vệ sức khỏe là mừng rồi. Người dân được bảo vệ bằng chính sách an sinh của Nhà nước thì gánh nặng cho bản làng sẽ nhẹ đi. Mình làm gì cũng vì hướng đến cái kết quả sau cùng người dân được hưởng” - chị Luôn nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tuyên truyền tham gia bảo hiểm xã hội ở miền núi: Mưa dầm thấm lâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO