Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, trách nhiệm vẫn treo lơ lửng?

NGUYÊN ĐOAN - PHAN VINH 08/12/2023 09:50

(QNO) - Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường - chủ tọa điều hành phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa X vào chiều 7/12 cho rằng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư giảm dần trong 3 năm gần đây, UBND tỉnh cần chỉ đạo áp dụng những biện pháp mạnh để khắc phục nguyên nhân được chỉ ra; tăng cường giải pháp giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.

Đại biểu Phan Thanh Thiên chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN
Đại biểu Phan Thanh Thiên chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

Theo đại biểu HĐND tỉnh, cần kiên quyết xử lý đối với các doanh nghiệp trúng thầu, thi công dang dở thì “bỏ của chạy lấy người”. Những doanh nghiệp làm ăn kiểu này cần nêu tên, đưa vào diện theo dõi, giám sát, vì hệ lụy gây ra khiến cho nhiều công trình dang dở, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh.

Báo cáo của Sở KH-ĐT tại phiên chất vấn, theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến hết ngày 30/11/2023, vốn đầu công năm 2023 (không bao gồm các dự án do trung ương quản lý) giải ngân hơn 5.476,4 tỷ đồng, đạt 54,6% so tổng vốn đầu tư công năm 2023 sau điều chỉnh, thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước (59,5%). Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 giải ngân hơn 4.582,4 tỷ  đồng, đạt 53,6%; kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài giải ngân gần 894 tỷ đồng, đạt 60,6%.

Ông Nguyễn Quang Thử trả lời chất vấn. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN
Ông Nguyễn Quang Thử trả lời chất vấn. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

Còn kết quả giải ngân năm 2023 so với cả nước như thế nào? Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT cho hay, theo văn bản mới nhất của Bộ KH-ĐT ban hành 1/12/2023, hiện giải ngân bình quân của cả nước 65,1%. Trong đó, 39 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân dưới mức 65,1%; Quảng Nam xếp vị trí thứ hai sau Ninh Bình nằm trong nhóm 7 tỉnh thành có tỷ lệ giải ngân dưới 65,1%. Theo so sánh, Quảng Nam đứng thứ 38/63 tỉnh thành về tỷ lệ giải ngân năm 2023. 

Tiến độ giải ngân kế hoạch vốn chậm, theo ông Nguyễn Quang Thử, có nguyên nhân chủ yếu như: công tác tổ chức thực hiện ở các chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể. Vai trò người đứng đầu chưa được phát huy, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, công tác chuẩn bị thủ tục dự án có chậm. 

[VIDEO] - Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT trả lời chất vấn:

VIDEO: PHAN VINH

Cùng với đó, chất lượng hồ sơ chưa tốt nên gặp vướng mắc khi triển khai, phải đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn. Công tác thẩm định, tư vấn còn chậm, thủ đầu tư, quyết toán chủ đầu tư còn bất cập, bị trả đi trả về hồ sơ nhiều lần… Rồi tình trạng khan hiếm nguồn nguyên vật liệu đất đắp, cát xây dựng và biến động đơn giá xăng, sắt, thép đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT thừa nhận, các dự án vốn ODA giải nhân chậm hầu hết đều vướng mặt bằng. Dự án đã có cam kết với đối tác nhưng không giải phóng được bằng thì “chịu chết”. Trách nhiệm cuối cùng thuộc về địa phương và các ban quản lý dự án, do không giải phóng mặt bằng. Trong năm đến, để giải ngân ODA tốt cần tập trung giải phóng mặt bằng. Cả hệ thống chính trị phải cuộc vào cuộc trong công tác này.  

Theo ông Thử, bây giờ cán bộ chuyên môn, ngành chuyên môn đều “sợ” nói đến trách nhiệm trong việc thẩm định hồ sơ dự án. Có nảy sinh tâm lý trong anh em là giải quyết chậm hồ sơ cũng được, thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn đứng trước hội đồng xét xử.

Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Quang Thử cũng thừa nhận có tình trạng tổ chức đấu thầu chưa đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, mất nhiều thời gian để giải quyết; có trường hợp bỏ thầu thấp để trúng thầu, sau đó, doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người” vì thấy việc thi công không hiệu quả cũng đã làm ảnh hưởng đến công tác giải ngân. 

Nêu ra các biện pháp xử lý đối với tình trạng giải ngân chậm, ông Thử nói, căn cứ Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 27/8/2021 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 1118/KH-UBND ngày 3/3/2023 của UBND tỉnh, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan, nhất là người đứng đầu trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ, không thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, không hoàn ứng, thanh quyết toán dự án đúng thời gian quy định. 

Đại biểu Nguyễn Đức chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN
Đại biểu Nguyễn Đức chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về lập, thẩm định hồ sơ mời thầu không đảm bảo tuân thủ đúng quy định, không đảm bảo cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu dẫn đến việc kiến nghị kéo dài làm ảnh hưởng đến công tác giải ngân…

Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cho rằng, số liệu năm 2021 tỉnh giải ngân đạt được 86,9%; 2022 tỷ lệ giải ngân đạt 79,7% và năm 2023 dự kiến đạt 71,2%. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ngày càng giảm quá thấp. UBND tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt, áp dụng mạnh các biện pháp, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung củng cố bộ máy và năng lực cán bộ của ban quản lý dự án ở các địa phương,

“UBND tỉnh rút kinh nghiệm, quyết liệt, kịp thời đề xuất, điều chuyển vốn theo thẩm quyền của các dự án chậm giải ngân, không có khối lượng cho các dự án khác có nhu cầu, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn. Công tác điều chuyển vốn phải đảm bảo hoàn thành trước ngày 15/11, đảm bảo theo đúng quy định pháp luật” - Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường nhấn mạnh. 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, trách nhiệm vẫn treo lơ lửng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO