(QNO) - Chiều nay 2.6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan nghe Sở GD-ĐT báo cáo các nội dung dự kiến sẽ trình kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.
Theo Sở GD-ĐT, mức thu học phí giáo dục phổ thông từ năm học 2022-2023 sẽ được thực hiện theo Nghị định 81 (27.8.2021) của Chính phủ. Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và điều kiện kinh tế của người dân, đề xuất giữ nguyên mức thu cũ.
Cụ thể, bậc học mầm non mức thu 105.000 đồng/tháng ở thành thị, 45.000 đồng ở nông thôn, 20.000 đồng ở miền núi; THCS tương ứng là 60.000 - 30.000 - 15.000; THPT 105.000 - 65.000 - 20.000).
Từ năm học 2023-2024 trở đi, mức thu học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5% mỗi năm.
Về chương trình sữa học đường đối với trẻ em mẫu giáo và tiểu học tại 6 huyện miền núi cao, đề nghị tiếp tục thực hiện sau khi Nghị quyết 15 (17.12.2019) hết hiệu lực. Đối tượng bên cạnh 6 huyện miền núi cao còn mở rộng thêm 3 xã của huyện Hiệp Đức; thời gian thụ hưởng từ 5.9.2022 đến 31.5.2026 (tương ứng 4 năm học) với kinh phí thực hiện gần 150 tỷ đồng.
Sau khi nghe ý kiến của các sở, ban, ngành tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng mức thu học phí năm học 2022-2023 phải thực hiện đúng quy định của Nghị định 81 theo mức thấp nhất.
Riêng học kỳ I năm học 2022-2023, do điều kiện khó khăn sau dịch bệnh Covid-19 nên vẫn thu theo mức thu trước đây, ngân sách tỉnh sẽ cấp bù phần chênh lệch học phí đối với các cơ sở trường học còn thiếu theo Nghị định 81.
Về đề án chương trình sữa học đường, ông Tân cơ bản thống nhất vì đây là chính sách nhân văn đối với trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tại các huyện miền núi cao và giao Sở GD-ĐT tiếp thu, hoàn chỉnh, sớm báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh.