Ứng dụng chữ ký số: Mới mẻ, hời hợt

QUẾ CHÂU 21/07/2016 17:05

(QNO) - Sử dụng chữ ký số thay thế thói quen dùng văn bản có con dấu và chữ ký thông thường là xu hướng tất yếu nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại. Tuy nhiên để triển khai ứng dụng hiệu quả mô hình khá mới mẻ này, ngoài nhận thức đầy đủ thì cần có sự vào cuộc quyết tâm.

hội thảo triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước của tỉnh
Hội thảo triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước của tỉnh vào ngày 20.7 vừa qua. Ảnh: VĂN HÀO

Xu hướng tất yếu

Sở Thông tin - truyền thông, Sở Giao thông - vận tải và Văn phòng UBND tỉnh là những đơn vị đầu tiên của tỉnh triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng để ký trong văn bản, tài liệu điện tử. Qua đó nhằm đảm bảo tính pháp lý, xác thực và toàn vẹn cho tài liệu điện tử trao đổi giữa các sở, đơn vị và các cơ quan nhà nước, tổ chức công dân; thúc đẩy việc trao đổi, sử dụng văn bản trên mạng máy tính đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của các cơ quan nhà nước.

Tại Sở Thông tin - truyền thông, các văn bản điện tử của sở khi trao đổi ra bên ngoài thông qua hộp thư điện tử, tải lên website của sở,... phải được ký số để đảm bảo xác thực và pháp lý của văn bản do sở phát hành. Các văn bản điện tử được lưu trữ và luân chuyển trong nội bộ cơ quan thông qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành (Egov hoặc Q-Office) không cần phải ký số.

Văn phòng Sở Thông tin - truyền thông được lãnh đạo sở giao quản lý và sử dụng chữ ký số (gồm đĩa phần mềm và USB chữ ký số). Chữ ký số thể hiện con dấu của cơ quan và được chứng thực bởi tổ chức cung cấp dịch vụ và chỉ được sử dụng để thực hiện các giao dịch theo đúng quy định về quản lý và sử dụng con dấu.

Các văn bản giấy sau khi đã được ký đóng dấu phát hành được scan sang định dạng Portable Document (.pdf). Cán bộ quản lý chữ ký số thực hiện ký số trên văn bản điện tử (dạng .pdf), ngày ký số trên văn bản điện tử, đúng theo ngày ban hành văn bản. Văn bản điện tử sau khi ký số sẽ được gửi đến nơi nhận qua mạng internet: phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử thuộc hệ thống chính trị và được công bố trên các mục văn bản website của sở.

Ông Trương Thái Sơn - Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở Thông tin - truyền thông) cho biết, chứng thư số (một dạng chứng thư điện tử do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp) gồm 2 loại: chứng thư số công cộng, phục vụ doanh nghiệp (do Bộ Thông tin - truyền thông quản lý) và chứng thư số chuyên dùng, phục vụ trong cơ quan nhà nước (do Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý). “Đẩy mạnh ứng dụng chứng thực điện tử và chữ ký số chuyên dùng trong các giao dịch điện tử nhằm từng bước thay thế các giao dịch truyền thống là xu hướng tất yếu. Qua đó góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ cải cách hành chính, hướng tới việc xây dựng chính quyền điện tử” - ông Sơn nói.

Nhận thức chưa đúng

Ngày 20.7, Sở Thông tin - truyền thông phối hợp với Cục Cơ yếu đảng - chính quyền (Ban Cơ yếu Chính phủ) tổ chức hội thảo triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước của tỉnh. Tham dự hội thảo có khoảng 200 đại biểu đại diện các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Những lúng túng, nhận thức chưa đầy đủ về chữ ký số được thể hiện rõ trong từng câu hỏi của các đại biểu tham gia hội thảo.

Ông Vũ Ngọc Thiềm - Cục trưởng Cục Cơ yếu đảng - chính quyền (Ban Cơ yếu Chính phủ) cho biết, việc ứng dụng chữ ký số mang lại những hiệu quả, tiện ích rõ rệt. Cụ thể như giảm chi phí (giấy mực, gửi văn bản qua đường bưu điện); giảm công sức lao động (đưa công văn, scan văn bản giấy,…); rút ngắn thời gian, phục vụ công việc kịp thời, nâng cao năng suất lao động; thuận lợi vận hành phần mềm quản lý hồ sơ công việc, quản lý văn bản điện tử; hướng đến xây dựng chính quyền điện tử.

“Mặc dù chữ ký số đã được thừa nhận dưới góc độ pháp lý bằng luật nhưng việc thừa nhận chữ ký số trên thực tế còn gặp khó khăn vì thói quen truyền thống. Vấn đề quan trọng là chúng ta cần có nhận thức chung dẫn đến yêu cầu bắt buộc phải sử dụng chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số để đảm bảo hiệu quả nhiệm vụ từng đơn vị” - ông Thiềm nói.

Tháng 6.2015, UBND tỉnh cũng có quyết định ban hành đề án triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước tỉnh và giao Sở Thông tin - truyền thông chủ trì tổ chức triển khai, hướng dẫn các đơn vị thực hiện. Theo đề án, mục tiêu đến năm 2020, 100% sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn ứng dụng chữ ký số và thư điện tử; 50% văn bản hành chính được luân chuyển giữa các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã dưới dạng văn bản điện tử có ứng dụng chữ ký số; 80% sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố ứng dụng chữ ký số vào các phần mềm như quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp, cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến.

Thực tế hiện nay, do nhu cầu xác thực điện tử chưa cao vì áp dụng chủ yếu ở các văn bản thông thường, giao dịch hành chính nên các đơn vị còn hời hợt với chữ ký số.

Ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông nói: “Mặc dù đã có cơ sở pháp lý rõ ràng nhưng chữ ký số vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ nên việc ứng dụng gặp nhiều khó khăn. Các cơ quan nhà nước và cá nhân có nhu cầu vẫn chưa hiểu đúng về chữ ký số. Để triển khai rộng rãi chữ ký số trong thời gian tới, đề nghị các cơ quan, đơn vị cần có sự vào cuộc và phối hợp chẽ với Sở Thông tin - truyền thông”.

QUẾ CHÂU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứng dụng chữ ký số: Mới mẻ, hời hợt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO