(QNO) - Chính phủ các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đang tập trung vào các công nghệ mới trong phòng chống và giảm thiểu thảm họa thiên nhiên.
Báo cáo thảm họa châu Á - Thái Bình Dương 2019 của Hội đồng Kinh tế và xã hội châu Á thuộc Liên hiệp quốc (UNESCAP) cho biết, các cơn lốc xoáy, lũ lụt và hạn hán gần đây trong khu vực, cũng như các thảm họa do nhiệt độ toàn cầu tăng cao, đôi khi không theo mô hình trước đây khiến khó được dự báo hơn.
Tháng 10 vừa qua, Liên hiệp quốc nhấn mạnh châu Á được xem là nơi hứng chịu nhiều thiên tai nhất trong 20 năm qua, khiến 1,23 triệu người thiệt mạng, ảnh hưởng đến cuộc sống của 4,2 tỷ người và gây thiệt hại kinh tế 2.970 tỷ USD.
Tổng Thư ký UNESCAP - bà Armida Alisjahbana nói: “Các quốc gia không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững nếu người dân các quốc gia đó không được bảo vệ khỏi những thảm họa có nguy cơ làm đảo ngược các thành quả phát triển rất khó mới giành được”.
Bà Armida Alisjahbana cho biết thêm, báo cáo năm 2019 của UNESCAP cho thấy rằng nhiều thảm họa thiên tai có liên quan đến suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu.
Các công nghệ mới nổi, bao gồm cả dữ liệu lớn (big data) đang được sử dụng ngày càng nhiều để xác định các cộng đồng dễ bị tổn thương nhằm giúp các cơ quan chức năng lên phương án chuẩn bị và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp.
Big data nhìn chung liên quan đến các tập dữ liệu có khối lượng lớn và phức tạp đến mức các phần mềm xử lý dữ liệu truyền thống không có khả năng thu thập, quản lý và xử lý dữ liệu trong một khoảng thời gian hợp lý.
Công nghệ này có thể phân tích và lưu trữ hình ảnh thu thập được từ vệ tinh, video từ các bay không người lái, hệ thống phát hiện ánh sáng, bản ghi dữ liệu cuộc gọi, crowdsourcing (hình thức giao công việc đó cho một cộng đồng hoặc một nhóm người, thông qua một “lời kêu gọi” để tất cả có thể cùng đóng góp thực hiện công việc đó), phương tiện truyền thông xã hội. Chúng hiển thị các mẫu, xu hướng giúp lập bản đồ và xác định các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Phòng thí nghiệm Pulse (Pulse Lab) của Liên hiệp quốc ở Jakarta, Indonesia nghiên cứu và thử nghiệm các cách tiên tiến để khai thác dữ liệu lớn nhằm cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách, cơ quan chức năng thông tin chính xác hơn để có ứng phó hiệu quả.
Công cụ Haze Gazer của Pulse Lab được phát triển sau hậu quả của cuộc khủng hoảng khói mù do cháy rừng xảy ra ở Indonesia và các nước láng giềng vào năm 2015. Haze Gazer phân tích và hiển thị dưới dạng bảng điều khiển, cung cấp cho nhà chức trách thông tin bổ sung về những gì đã xảy ra trên mặt đất để sẵn sàng ứng phó. Chính phủ Indonesia hiện sử dụng công cụ này để giám sát các đám cháy.
Bà Tiziana Bonapace - Giám đốc bộ phận công nghệ thông tin và giảm thiểu rủi ro thiên tai của UNESCAP cho rằng, mặc dù các công nghệ góp phần giúp giảm thiểu tử vong do thiên tai nhưng vẫn cần đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa và nông thôn.
Một trong những vấn đề là công nghệ di động chưa được phổ biến rộng rãi và đặc biệt là khả năng truy cập internet băng thông rộng, chưa đến được các vùng nông thôn và dân cư thưa thớt.
Ông Michael Boyland - chuyên gia về biến đổi khí hậu, thảm họa và phát triển, cho biết một thách thức khác là cải thiện sự hợp tác và chia sẻ dữ liệu trong toàn khu vực để các quốc gia có thể chuẩn bị tốt hơn cho các trường hợp khẩn cấp.