Thực hiện đột phá về khoa học - công nghệ, nhiều đề tài đã được triển khai nghiên cứu tại huyện Đông Giang. Tuy nhiên, việc ứng dụng kết quả vào thực tế chưa thật sự mang lại hiệu quả như mong muốn.
Ứng dụng nhiều đề tài
Tại xã Tư, nhiều hộ dân đã không còn trồng cây keo mà chuyển sang trồng chè dây Ra zéh. Loại sản vật có thể chữa các bệnh liên quan tới dạ dày, đường ruột, mất ngủ này sinh trưởng tốt, mỗi héc ta có thể cho thu nhập 600 triệu đồng/năm.
Nhưng để có được thành quả trên, một đề tài cấp tỉnh với tên gọi “Nghiên cứu, phát triển và chế biến sản phẩm cây chè dây (Ra zéh) trên địa bàn xã Tư, huyện Đông Giang” đã được UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện từ tháng 9/2017 - 8/2020 với tổng kinh phí 1,138 tỷ đồng. Đơn vị chủ trì thực hiện là Trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế; đại diện cơ quan quản lý là Sở KH-CN.
Đến nay, các bên đã tiến hành nghiệm thu đề tài và bước đầu đánh giá yêu cầu về khí hậu và đất đai, thổ nhưỡng; các chỉ tiêu về hóa sinh cơ bản nhằm góp phần nâng cao giá trị của cây chè dây.
Thông qua đề tài, quy trình kỹ thuật về nhân giống bằng hạt, cành, nuôi cấy invitro, quy trình kỹ thuật huấn luyện cây con từ nuôi cấy mô ra vườn ươm, kỹ thuật trồng và chăm sóc, kỹ thuật thu hoạch và sơ chế chè dây cũng hoàn thiện. Áp dụng vào thực tế, đề tài đã góp phần phát triển nguồn nguyên liệu, đảm bảo cho chế biến và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trên thị trường, giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang - ông Nguyễn Đức Huy cho biết, một đề tài cấp tỉnh khác về “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển ớt A riêu phục vụ sản xuất hàng hóa tại huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam” được giao cho đơn vị chủ trì, tổng kinh phí hơn 1,655 tỷ đồng đã hoàn tất thủ tục thanh quyết toán, UBND tỉnh công nhận kết quả. UBND huyện chỉ đạo xã Mà Cooih, các ngành nhân rộng đề tài này.
Ngoài ra, Đông Giang còn phê duyệt, triển khai nghiên cứu, ứng dụng 7 đề tài cấp huyện. Đáng chú ý, đề tài về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất giống, trồng và chế biến sản phẩm rượu Tà Vạc đã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, khoanh nuôi gần 1,5ha; trồng mới 1ha.
Cùng với đó, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật gieo ươm, trồng chăm sóc, thu hoạch, sơ chế chưng cất, bảo quản rượu Tà Vạc cho 30 thành viên tham dự, góp phần tăng khả năng lưu trữ và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Phó Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang - ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, nhờ ứng dụng đề tài kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản cây nghệ đen tại xã Sông Kôn, 6ha đã được trồng, bước đầu còn bảo tồn nguồn gốc giống nghệ địa phương, tạo nguồn nguyên liệu ổn định để chế biến, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hiệu quả chưa cao
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, nhiều đề tài áp dụng vào thực tế đã mang lại hiệu quả nhất định, bảo tồn được nguồn giống, giải quyết cây con trồng nhân rộng, tạo ra sản phẩm hàng hóa nhằm nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.
Mặt khác, một số đề tài còn góp phần ổn định sản xuất và tiêu thụ, tạo ra các sản phẩm OCOP, trong đó chè dây Ra zéh được công nhận 4 sao. Tuy nhiên, các sản phẩm OCOP này lại chưa đảm bảo số lượng đủ lớn để cung cấp thường xuyên ra thị trường, chẳng hạn như ớt A riêu. Nguồn lực để mở rộng ứng dụng đề tài khá hạn chế, nhất là cấp xã. Cơ chế về tài chính nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân chưa rõ ràng.
Việc kiểm tra, đôn đốc, theo dõi các tổ chức, cá nhân hưởng thụ tiếp tục ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu hoặc hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai tại các cơ quan, ban, ngành chưa được quan tâm đúng mức.
Việc xác định nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ hằng năm chủ yếu từ đề xuất của các cơ quan chuyên môn và cơ quan tham mưu UBND huyện; nên tác động đến phát triển kinh tế - xã hội chưa nhiều.
Cán bộ chuyên môn còn mỏng, năng lực, trình độ phần nào đó chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển KH-CN. Ở địa phương, nhận thức của người dân hạn chế, nên chủ yếu “cầm tay chỉ việc”.
Trước thực tế nêu trên, ông Nguyễn Tấn Tuân kiến nghị các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh có cơ chế rõ ràng trong hỗ trợ ứng dụng, phát triển đề tài KH-CN trên địa bàn tỉnh nói chung. Hỗ trợ địa phương về máy móc, thiết bị có liên quan để người dân thực hiện. Ưu tiên chuyển đổi đất rừng sản xuất sang ứng dụng đề tài KH-CN đối với cây trồng.
Về phía Đông Giang, huyện đã chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ nhân rộng đề tài có hiệu quả, sản phẩm ứng dụng tốt. Trong quy hoạch chung xây dựng xã, huyện ưu tiên bố trí đất đai cho sản xuất; nên hiện đã thực hiện hoàn thành ở 2 xã Jơ Ngây, Mà Cooi và đang tiếp tục tiến hành tại 4 xã Tư, Sông Kôn, Tà Lu, Kà Dăng.
Cùng với đó, địa phương sử dụng nguồn vốn khuyến công để hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất. Bố trí nguồn lực để các cơ sở tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm. Đặc biệt, Huyện ủy sẽ ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 36 ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.