Cam kết tuân thủ đúng pháp luật về trật tự an toàn giao thông đã ký kết, nhưng thực tế vẫn có nhiều trường hợp vi phạm, cần xử lý nghiêm để tăng tính răn đe, góp phần giảm nguy cơ mất an toàn giao thông.
Chú trọng ký cam kết
Vài năm trở lại đây, các cơ quan chức năng đã chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục về trật tự an toàn giao thông (ATGT) với mục đích giúp người dân nắm bắt rõ để không vi phạm quy định. Một phần việc không thể tách rời đó là yêu cầu đối tượng tham gia ký cam kết tuân thủ pháp luật có liên quan.
Không chỉ ở cấp tỉnh, lực lượng cảnh sát giao thông cấp huyện hàng năm đều tổ chức hội nghị tuyên truyền, đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa ký cam kết.
Các tổ chức chính trị - xã hội, trường học rất quan tâm phối hợp tổ chức hoạt động tuyên truyền ATGT cho đoàn viên, hội viên, phụ huynh và học sinh. Đặc biệt, từ tháng 9/2024, các đơn vị phối hợp triển khai đợt cao điểm bảo đảm trật tự ATGT trong lứa tuổi học sinh tại hầu khắp các địa phương.
Ngoài cảnh sát giao thông, công an cấp xã vào cuộc tuyên truyền về sự cần thiết phải tuân thủ ATGT, xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh các cấp. Kèm theo lời cảnh báo hoặc nhắn nhủ, cơ quan chức năng đề nghị nhà trường, phụ huynh và học sinh ký cam kết không vi phạm.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ vận tải và kinh doanh tổng hợp huyện Duy Xuyên - ông Nguyễn Ta chia sẻ, qua các lần ngành chức năng tổ chức hội nghị, ông nắm bắt được nhiều điểm mới của thông tư, nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ vừa ban hành.
Sau đó, người có trách nhiệm sẽ phổ biến đến các thành viên, xã viên đơn vị. Ký cam kết là việc không thể thiếu nhằm thể hiện sự quyết tâm của các đơn vị kinh doanh vận tải trong thực hiện trách nhiệm đối với Nhà nước, trước sự nghiêm minh của pháp luật.
Theo ông Trương Văn Sơn - Chánh Thanh tra Sở GTVT Quảng Nam, lực lượng thực thi công vụ mỗi lần đi thanh tra, kiểm tra trước hết đều ưu tiên giải thích, giải đáp cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức nắm rõ hơn quy định. Để về sau, trường hợp nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm minh. Hậu ký cam kết, nhiều đơn vị chấp hành khá tốt, nếu có bị xử phạt cũng nghiêm chỉnh chấp hành.
Hiệu quả chưa cao
Các cấp, ngành, đơn vị và địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền ATGT, đề nghị tổ chức, cá nhân liên quan ký cam kết. Nhưng trên thực tế, hiệu quả của việc thực thi đúng theo quy định lại chưa cao. Quan sát từ thực tế, nhiều phụ huynh chở con em đi học nhưng không đội mũ bảo hiểm cho con; giao xe máy cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi.
Trên các tuyến giao thông trọng điểm, xe chở nguyên vật liệu vượt quá kích thước thành, thùng xe ngang nhiên hoạt động. Tài xế chở cát ướt, nước chảy theo khe hở của thùng xe xuống đường gây ô nhiễm môi trường, làm gia tăng nguy cơ hư hỏng mặt đường. Ở bến đò ngang, người điều khiển phương tiện không yêu cầu hành khách mặc áo phao...
Có thể khẳng định, việc ký cam kết tuân thủ pháp luật về trật tự ATGT đã đánh động đến ý thức, hành động của người tham gia giao thông. Nhiều người thực hiện nghiêm chỉnh theo những gì bản thân, tổ chức, đơn vị đã cam kết.
Tuy nhiên, còn đó không ít trường hợp phớt lờ quy tắc an toàn. Nguyên nhân một phần do ý thức, cạnh đó là đơn vị có trách nhiệm thiếu quan tâm, thậm chí bỏ ngỏ việc giám sát, kiểm tra, xử lý hậu cam kết...
Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh - ông Phan Đức Tiễn cho biết, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng kiểm tra đối tượng ký cam kết.
Lực lượng chức năng đổi mới phương thức hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, trọng tâm là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; sử dụng triệt để các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, hệ thống camera giám sát để ghi hình, phát hiện và xử lý vi phạm.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn giao thông như: nồng độ cồn, ma túy, vượt tốc độ, đi sai làn đường, phần đường, chở hàng quá tải trọng, chở quá số người quy định, phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, không có giấy phép lái xe...