Xã hội

Ứng phó mưa bão

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC - PHƯƠNG GIANG - HỒ QUÂN22/09/2024 08:08

Quảng Nam đã bước vào những ngày mưa trắng trời. Hậu quả của cơn bão số 3 quét qua các tỉnh miền Bắc lần nữa đặt ra yêu cầu tuyệt đối không chủ quan trước tình hình mưa bão. Chủ động thích ứng, tăng khả năng chống chịu và đảm bảo an toàn trước thiên tai là điều cấp thiết.

z5846262750871_31e801867655ef2b15464729c792fdc1.jpg

Chủ động từ các “phòng tuyến”

Gấp rút đẩy nhanh tiến độ công trình phục vụ công tác phòng chống thiên tai. Các kịch bản, giải pháp ứng phó một cách chi tiết được triển khai với mục tiêu tiên quyết: đảm bảo an toàn cho người và giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tài sản.

Được dự báo sẽ đón một mùa mưa bão khốc liệt hơn cả về cường độ lẫn tính chất phức tạp, Quảng Nam đang gấp rút tổ chức các hoạt động phòng ngừa, nâng cao năng lực cộng đồng, góp phần giảm thiểu rủi ro trước thiên tai.

Công tác phòng chống thiên tai đòi hỏi sự chủ động trong “4 tại chỗ” của từng địa phương. TRONG ẢNH: Sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng tại Phước Sơn mùa mưa bão 2020. Ảnh: T.C

Gia cố công trình

Trước mùa mưa, là liên tục các chuyến kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với các công trình phục vụ phòng chống thiên tai.

Cuối tháng 8 vừa qua, Tổ công tác số 1 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng dẫn đầu đã kiểm tra công trình dự án sửa chữa, nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa. Tiếp đó, đầu tháng 9, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ và chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ.

Cùng với dự án Cảng cá Tam Quang, kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại và dự án khắc phục sạt lở khẩn cấp sạt lở bờ sông Thu Bồn khu vực xã Duy Thu và xã Duy Tân (huyện Duy Xuyên) được xem là động thái quan trọng để gia cố thêm “phòng tuyến” phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão năm 2024.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều lần kiểm tra, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ khu neo đậu cảng cá An Hòa. Ảnh: T.C

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, dự án kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại về đích trước mùa mưa bão là tin tốt cho Hội An, trong bối cảnh xói lở vẫn thường trực đe dọa bờ biển Cửa Đại. Bằng việc xây dựng hệ thống đê ngầm giảm sóng và giữ chân bãi nhân tạo song song, cách bờ 250m - 300m có chiều dài khoảng 550m, đồng thời san lấp tạo bãi, kết hợp nạo vét luồng tận dụng nguồn cát san lấp tạo bãi với tổng mức đầu tư lên đến 210 tỷ đồng, dự án được kỳ vọng sẽ đáp ứng mục tiêu phòng chống xói lở bờ biển, tái tạo bãi biển.

Bên cạnh đó, từng bước hoàn thiện hệ thống công trình phòng, chống sạt lở bờ biển Cửa Đại, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra, tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

“Trải qua 3 mùa mưa của các năm 2021, 2022, 2023, việc thi công kè chống xói lở cho thấy hiệu quả bước đầu, thềm cát qua các năm này vẫn giữ được hơn 50% lượng cát bơm bù hàng năm. Chúng tôi tin tưởng dọc tuyến này sẽ ổn, nhưng phải trải qua hai, ba mùa mưa mà trước mắt là mùa mưa bão năm 2024 này để thực chứng. Tiến độ triển khai của dự án này rất tốt”, ông Hùng chia sẻ.

Bờ biển Cửa Đại đang được kỳ vọng sẽ được bảo vệ với dự án kè chống xói lở dọc tuyến này. Ảnh: T.C

Tại xã Duy Tân, Duy Thu (Duy Xuyên), dự án khắc phục sạt lở khẩn cấp sạt lở bờ sông Thu Bồn với tổng mức đầu tư khoảng 65 tỷ đồng. Công trình này hiện đã thi công hơn 50% khối lượng hợp đồng và dự kiến sẽ thi công hoàn thành trong năm 2024. Dự án này sẽ đầu tư xây dựng tuyến kè thuộc địa phận xã Duy Thu và xã Duy Tân với tổng chiều dài khoảng 4km bao gồm 24 mỏ hàn. Đơn vị thi công được chỉ đạo có những giải pháp phù hợp để đảm bảo tiến độ thi công, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.

Nhận thức đúng để hành động đúng

Giữa tháng 8 vừa qua, cuộc diễn tập Phòng thủ dân sự huyện Đại Lộc năm 2024 được tổ chức. Quy mô huy động lực lượng, phương tiện khá lớn: tổng quân số tham gia 540 người, sử dụng 12 xe ô tô các loại; đào đắp hơn 10 nghìn mét khối đất đá. Cuộc diễn tập được đánh giá hoàn thành tốt (đạt 8,3 điểm), với nhiều ưu điểm đáng chú ý. Quá trình tổ chức diễn tập thực hiện đúng phương châm “thiết thực, hiệu quả, an toàn” và chấp hành nghiêm an ninh, an toàn tuyệt đối.

Đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục chỉ đạo bổ sung, hoàn chỉnh các phương án, kế hoạch, củng cố, tăng cường các tiềm lực và nâng cao khả năng tổ chức chỉ huy, hiệp đồng, trình độ xử trí các tình huống trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của các địa phương trong tình hình mới, phù hợp các quy định hiện nay.

Diễn tập phòng thủ dân sự huyện Đại Lộc năm 2024. Ảnh: T.A

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho rằng, lịch sử qua các năm Giáp Thìn đều xảy ra thiên tai bão lũ khắc nghiệt, gây ra nhiều thiệt hại và thực tiễn đã xảy ra ở các tỉnh phía Bắc. Nhận thức được điều này, UBND tỉnh đã và đang phát huy trách nhiệm rất cao trong chỉ đạo ứng phó thiên tai năm 2024.

“UBND tỉnh đang chỉ đạo rà soát các kế hoạch đã xây dựng thực hiện các năm trước để bổ sung sửa đổi các tình tiết mới, phù hợp theo dự báo, với phương châm thực hiện mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Công tác chỉ đạo năm nay sẽ sát người sát việc và phải cực kỳ cụ thể mới ứng phó có hiệu quả các tình huống xảy ra” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nói.

Phương châm “4 tại chỗ” một lần nữa được khẳng định là yếu tố quyết định, mấu chốt của công tác phòng chống thiên tai từ tỉnh đến cơ sở. Theo ông Lê Văn Dũng, “4 tại chỗ” của mỗi địa phương phải thật sự mạnh, rõ việc, rõ người, rõ địa chỉ. Rút kinh nghiệm, nơi nào làm không tốt 4 tại chỗ, sẽ thiệt hại rất nặng nếu thiên tai xảy ra, khắc phục cũng sẽ lâu dài hơn, gây khó khăn cho tái thiết.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng dẫn đầu tổ công tác của tỉnh kiểm tra thực địa tại dự án sửa chữa, nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá An Hòa. Ảnh: T.CÔNG

“Qua các đợt kiểm tra trong thực tiễn về 4 tại chỗ lẫn công tác chỉ đạo điều hành, tôi nhận thấy một số nơi làm chưa tốt. Để chấn chỉnh, sắp đến đây UBND tỉnh sẽ tổ chức một hội nghị với thành phần tham dự rộng hơn, từ tỉnh đến xã để tập trung chỉ đạo toàn diện cho cả hệ thống chính trị, mà trước hết là tăng cường nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương về công tác phòng chống thiên tai. Phải nhận thức đúng để có hành động đúng” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng chia sẻ thêm.

LaNina bắt đầu từ tháng 9

Ông Trương Tuyến - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam cho hay, theo các Trung tâm dự báo khí hậu, tháng 9-11/2024 sẽ chuyển sang trạng thái LaNina với xác suất 70 - 80%. Cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt đông trên Biển Đông, đề phòng có 1 đến 3 cơn xoáy thuận nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương Quảng Nam tập trung từ tháng 10 đến tháng 11.


Mưa lớn dự báo bắt đầu từ giữa tháng 9 và kết thúc khoảng giữa tháng 12, có từ 6 - 8 đợt mưa lớn diện rộng, tập trung vào tháng 10 đến giữa tháng 12. Từ tháng 10 - 12/2024, mực nước trên các sông trên địa bàn tình có khả năng xuất hiện 3 - 5 đợt lũ, lũ chủ yếu tập trung vào tháng 10 và 11/2024. Đỉnh lũ lớn nhất năm trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa ở mức xấp xỉ báo động III đến trên báo động III; trên sông Thu Bồn ở mức trên báo động II đến trên báo động III; trên sông Tam Kỳ ở mức xấp xỉ báo động II đến báo động III. Thời gian xuất hiện lũ lớn nhất từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11 /2024.

Miền núi đối diện nỗi lo cũ

Ám ảnh sạt lở vẫn thường trực ở miền núi, nhất là trong điều kiện mưa bão được dự báo sẽ khắc nghiệt hơn trong những tháng cuối năm 2024.

Chủ động di dời

Vùng sạt lở Trà Leng (Nam Trà My), nơi từng chứng kiến thảm họa sạt lở đất kinh hoàng vào cuối năm 2020, nỗi lo ngại vẫn thường trực trong người dân địa phương. Mặc dù công tác ứng phó đã được chính quyền địa phương chủ động triển khai ngay từ đầu mùa mưa, nhưng thiên tai luôn không báo trước, ngay cả khi đang ở vùng an toàn nhất.

Miền núi lên phương án chủ động di dời nhà cửa, người dân khỏi vị trí có nguy cơ sạt lở đất. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ông Lê Đình Lực - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết, địa phương đã triển khai kế hoạch ứng phó trước mưa lũ. Địa phương huy động thành lập đội xung kích, sẵn sàng các phương án di dời, nhất là trong thời điểm mưa lũ, có nguy cơ sạt lở núi cao. Trước đó vào cuối tháng 8, chính quyền xã Trà Leng đã ban hành quyết định kiện toàn, củng cố Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

“Bên cạnh củng cố đội xung kích, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, chúng tôi phân công cán bộ đứng điểm tại các thôn, chủ động cùng người dân phòng chống thiên tai. Trong tình hình mưa lũ phức tạp, người dân ở các điểm có nguy cơ sạt lở cao sẽ được đội xung kích di dời, sơ tán đến những nơi an toàn như nhà văn hóa, trường học, các nhà dân kiên cố” - ông Lực cho biết thêm.

Nam Trà My lấy vụ sạt lở núi nghiêm trọng ở xã Trà Leng vào năm 2020 làm “bài học xương máu” trong công tác phòng chống thiên tai. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, ngay từ trước mùa mưa, công tác sơ tán người dân tại các khu dân cư có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét được quan tâm hàng đầu. Ngoài ra, chính quyền yêu cầu các địa phương bố trí lực lượng trực đảm bảo 24/24 giờ, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra...
Là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, ông Mẫn nói, ngay từ đầu năm, Nam Trà My đã chủ động sắp xếp dân cư gắn với công tác phòng chống thiên tai ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Câu chuyện ứng phó trước sạt lở cũng được chủ động lên phương án, kế hoạch cụ thể, đầy đủ.

“Chúng tôi lấy vụ sạt lở núi nghiêm trọng ở xã Trà Leng vào năm 2020 làm “bài học xương máu” trong công tác phòng chống thiên tai hằng năm” - ông Mẫn nói.

Phát huy vai trò cộng đồng

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - ông Mạc Như Phương cho rằng, ứng phó trước thiên tai luôn được địa phương đặt lên hàng đầu bằng rất nhiều phương án tại chỗ. Trong đó, phát huy vai trò của cộng đồng, nhất là công tác dự trữ lương thực, thực phẩm, đảm bảo an toàn trong suốt thời điểm mưa lũ.

Cộng đồng miền núi chủ động tham gia trong công tác phòng chống thiên tai. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Năm nay, ngoài thực hiện rà soát để có cơ sở xây dựng phương án phòng chống thiên tai theo từng cấp độ rủi ro, Tây Giang phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách các địa phương, đặc biệt đảm bảo giao thông và dự trữ lương thực thiết yếu. Nhờ vậy, đã kịp thời sơ tán khẩn cấp 1 hộ dân tại thôn Pứt (xã Ga Ry) do bị sạt lở đất đá uy hiếp.

“Hiện nay, người dân tại các xã vừa thu hoạch xong vụ lúa hè - thu nên việc đảm bảo lương thực không còn là vấn đề lo ngại. Các mặt hàng thiết yếu khác cũng đã được các tư thương, trường học dự trữ đảm bảo sử dụng trong vòng 30 ngày” - ông Phương thông tin.

Theo ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, với phương châm “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, thời gian qua, ngoài xây dựng phương án phòng chống thiên tai theo từng cấp độ rủi ro, Phước Sơn ban hành các kế hoạch sơ tán người dân, di dời nhà cửa tại khu vực nguy hiểm. Đồng thời thống kê phương tiện cứu hộ, nhân lực tại chỗ, lương thực dự trữ trong cộng đồng... đảm bảo triển khai công tác ứng phó một cách chủ động và hiệu quả nhất.

Tại các điểm có nguy cơ sạt lở, chính quyền các huyện miền núi bố trí phương tiện nhằm đảm bảo công tác khắc phục. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Địa phương này cũng huy động nguồn nhân lực, vật tư, phương tiện, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó với thiên tai, nhất là ở địa bàn thường xuyên bị cô lập, chia cắt cho lũ và sạt lở đất.

“Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đang trong quá trình hoàn thiện. Trong tình huống lũ, bão diễn ra với cường độ mạnh, một số vị trí trên các tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14E qua địa bàn thường xuyên bị sạt lở. Trước mùa mưa, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ, cơ quan chức năng của huyện phối hợp với địa phương rà soát, kiểm tra các công trình giao thông, công trình công cộng để kịp thời phát hiện các hư hỏng. Qua đó tiến hành các biện pháp sửa chữa, khắc phục, cắm biển báo và tổ chức chốt chặn tại các vị trí nguy hiểm” - ông Trung nói.

Đảm bảo an toàn hồ đập

Kiểm tra an toàn các hồ chứa được các địa phương và ngành chức năng triển khai, nhằm duy trì khả năng điều tiết, vận hành giảm lũ cho hạ du khi xảy ra mưa bão. Kinh nghiệm từ việc ứng phó qua nhiều mùa mưa bão đang được vận dụng để tối ưu hóa quy trình, giảm thiệt hại cho vùng hạ du.

Địa phương chủ động

Với 9 hồ chứa tại huyện Đại Lộc, UBND huyện giao cho các địa phương quản lý vận hành phục vụ nước tưới cho hơn 280ha đất sản xuất lúa. Ngoài 2 công trình hồ chứa lớn có dung tích toàn bộ từ 1 triệu đến 3 triệu mét khối gồm hồ Trà Cân (xã Đại Hiệp) và hồ Hố Chình (xã Đại Tân), 7 hồ chứa còn lại có chiều cao đập dưới 10m hoặc dung tích toàn bộ dưới 500 nghìn mét khối. Trong số này, hồ chứa Mười Tấn (xã Đại Nghĩa) đã xuống cấp, không còn khả năng tích nước.

88a76d4fa03e06605f2f.jpg
Các địa phương đã chủ động rà soát an toàn đập, hồ chứa trước mùa mưa lũ. Ảnh minh họa: Hồ chứa nước Hố Do ở Thăng Bình trước mùa mưa. Ảnh: T.C

Chủ động đảm bảo an toàn đập hồ chứa trong mùa mưa lũ, UBND huyện Đại Lộc đã chỉ đạo đơn vị quản lý hồ chứa và các địa phương chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra đối với công trình. Mỗi hồ chứa đều thành lập ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT& TKCN), đội xung kích từ 20 - 30 người, vật tư, vật liệu được chuẩn bị và tập kết sẵn trước mùa mưa lũ. Các thành viên được phân công nhiệm vụ cụ thể, thực hiện chế độ trực kiểm tra và chỉ đạo 24/24 giờ khi có bão lụt xảy ra.

Các xã có hồ chứa nước và các chủ đập được yêu cầu thường xuyên kiểm tra, đánh giá tổng thể thực trạng an toàn công trình thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn để đề xuất, báo cáo. Các chủ đập xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập tùy thuộc vào diễn biến tình hình của năm; thường xuyên kiểm tra thực địa, kiểm tra xử lý các điểm xung yếu trên thân đập, phát dọn để tăng khả năng thoát lũ sau tràn các hồ chứa.

Tại Duy Xuyên hiện có tổng cộng 5 hồ chứa, trong đó có 2 hồ chứa vừa và 3 hồ chứa nhỏ. Theo ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, năng lực của các đơn vị quản lý khai thác công trình được đánh giá đảm bảo. Đối với các công trình hồ chứa trên địa bàn huyện, trong thời gian qua đã được đầu tư, nâng cấp một cách cơ bản (Hồ Hóc Bầu, Hóc Kết và đập 3/2), thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện quản lý an toàn đập, hồ chứa nước hướng tới mục tiêu đảm bảo công trình vận hành an toàn, hiệu quả.

Hồ chứa thủy điện ở trạng thái bình thường

Cuối tháng 8 vừa qua, Công ty Thủy điện Sông Tranh, đơn vị được ủy quyền thực hiện trách nhiệm của chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 đã tổ chức tổng kiểm tra các hệ thống thiết bị, hạng mục công trình trước mùa mưa lũ năm 2024. Qua kết quả tổng kiểm tra, đơn vị này cho biết hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo điều kiện vận hành ổn định, an toàn. Công tác chuẩn bị về phòng chống thiên tai hoàn thành, sẵn sàng ứng phó các tình huống thiên tai trong mùa mưa lũ năm 2024.

Khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My). Ảnh: N.V

Ông Trần Nam Trung - Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh cho biết, bên cạnh kiểm tra, đánh giá kỹ hiện trạng công trình, thiết bị, đơn vị đã lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống theo dõi, giám sát vận hành hồ chứa với 11 camera giám sát, tín hiệu được truyền trực tiếp cho các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Hệ thống giám sát này được kết nối và truyền dữ liệu hình ảnh đến văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, công ty đã lắp đặt 6 trạm cảnh báo lũ từ xa để thông tin cảnh báo trực tiếp đến người dân khu vực hạ lưu khi vận hành điều tiết hồ chứa.

Ông Lê Vũ Thương, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, qua báo cáo của các chủ đập, các đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều ở trạng thái bình thường. Các thiết bị vận hành đập được kiểm tra, vận hành thử và vận hành bình thường trước mùa mưa bão năm 2024.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là một số quy định tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP không còn phù hợp với thực tế quản lý, vận hành các công trình đập, hồ chứa nước cần phải được điều chỉnh, bổ sung. Bản đồ ngập lụt vùng hạ du lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn của Bộ NN&PTNT chưa được chuyển giao và hướng dẫn cụ thể cho tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam hiện có 34 công trình thủy điện có trong quy hoạch đang vận hành phát điện với tổng công suất hơn 1.596MW, gồm 12 công trình thủy điện vừa và lớn, 22 công trình thủy điện nhỏ. Trong đó, số công trình có hồ chứa vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa gồm 17 công trình với 19 đập, hồ chứa. Về phân cấp đập, 2 đập, hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt là Sông Tranh 2 và Sông Bung 4.

Đối với những vướng mắc này, Sở Công Thương đã đề nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT xem xét sớm điều chỉnh, bổ sung vào Nghị định 114 phù hợp với thực tế quản lý, vận hành các công trình đập, hồ chứa nước. Đồng thời đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến để Bộ NN&PTNT sớm chính thức bàn giao, hướng dẫn bản đồ ngập lụt vùng hạ du lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn nhằm có cơ sở triển khai, hướng dẫn các chủ đập xây dựng phương án ứng phó tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa.

Các đơn vị chủ đập, các công trình thủy điện có nhiều hình thức xả tràn (tràn tự do, tràn xả sâu) được đề nghị phải thực hiện theo Quy trình 1865 tổ chức tính toán, xác định mực nước hồ khi tham gia vận hành giảm lũ cho hạ du để đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

Vùng Đông lo sớm trước mùa mưa

Vùng đông Quảng Nam là nơi bão đổ bộ và chịu thiệt hại đầu tiên. Chính quyền và người dân các địa phương này đã tính toán các phương án ứng phó nhằm giảm thiệt hại thấp nhất có thể.

Người dân bảo vệ tài sản

Ông Trần Minh Đức – hộ nuôi cá lồng bè ở phường An Sơn (TP.Tam Kỳ) cho biết: “Khi nghe chính quyền địa phương thông báo về tình hình mưa lũ, chúng tôi chủ động khai thác các lồng cá nuôi đủ ngày. Các lồng còn lại sẽ kéo vào khu vực gần bờ, hoặc sát bờ nếu có xả lũ để giảm thiệt hại” – ông Đức cho biết.

ngu-dan-2.jpg
Vùng Đông của tỉnh là nơi bão đổ bộ và chịu thiệt hại đầu tiên. Ảnh: H.Q

Đối với ngư dân, tàu thuyền, thúng chai là tài sản của gia đình. Do đó, tới mùa mưa bão, người dân luôn chủ động neo đậu chắc chắn. Ông Trần Công Thái – ở xã Tam Giang (Núi Thành), chủ tàu QNa 91207 cho biết, biển động do ảnh hưởng mưa bão nên ông đã không vươn khơi hơn 1 tháng nay. Dù đã tàu đã neo đậu cố định trong Cảng cá An Hòa (xã Tam Giang), song nghe dự báo có mưa bão, ông liên tục ra kiểm tra vị trí tàu neo đậu, dây neo; buộc chắc thúng chai, đóng chặt cửa các khoang.

“Chúng tôi luôn theo dõi mọi dự báo liên quan đến cấp độ, hướng đi của bão để chuẩn bị các phương án phòng tránh. Việc kiểm tra kỹ lưỡng tàu trước khi bão đổ bộ vào đất liền sẽ hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại do mưa bão gây ra, nhất là việc tuột neo, va đập mạnh hoặc trôi thúng chai, ngư cụ” – ông Thái cho biết.

Ông Nguyễn Văn Trang – thôn Hòa Hạ, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ chia sẻ: “Cứ nghe có bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến vùng biển Quảng Nam thì chúng tôi kéo thuyền, thúng chai lên sát bờ kè hoặc lên trên bờ kè biển xã Tam Thanh để đảm bảo an toàn. Rất nhiều năm, bão to, sóng lớn đã đánh trôi nhiều thuyền, thúng ra biển. Mua sắm để đánh bắt trở lại rất tốn kém. Do đó, chủ động bảo vệ tài sản là ưu tiên hàng đầu”.

Sẵn sàng các phương án

Ông Trương Thanh Khôi – Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết, từ tháng 8, địa phương đã ban hành phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, trong đó đưa ra dự báo, tình huống, mức độ thiên tai có thể xảy ra và đề ra phương án ứng phó, phân công nhiệm vụ từng cá nhân, đơn vị.

ngu-dan-4.jpg
Người dân nuôi cá lồng bè trên sông Tam Kỳ đã kéo bè lại sát bờ. Ảnh: H.Q

Xã Tam Thanh đã khảo sát dữ liệu dân cư liên quan người già yếu, neo đơn, phụ nữ mang thai, người khuyết tật, trẻ em; nắm số liệu tình hình sản xuất trên sông, biển; nhà ở không kiên cố, khu vực xung yếu.

Đồng thời kiểm tra, khảo sát các công trình có thể sơ tán người dân đến tránh trú đối với 3 cấp độ: bão cấp 11 trở xuống, bão cấp 11 – 12 và bão cấp 12 trở lên. Cung cấp đường dây nóng lãnh đạo xã để người dân kịp thời cập nhật, báo cáo thông tin liên quan mưa bão. UBND xã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thiết bị, vật tư, lương thực, nhu yếu phẩm và lực lượng dân quân, công an, tổ tự quản, thanh niên xung kích… với số lượng hơn 200 người để sẵn sàng cho phương án “bốn tại chỗ”. Trường hợp bão cấp 12 trở lên, sẽ di dời toàn bộ người dân Tam Thanh lên khu vực nội thị TP Tam Kỳ.

ngu-dan-5.jpg
Hàng chục tàu thuyền neo đậu tại Cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành). Ảnh: H.Q

Tại Núi Thành, ông Phạm Văn Châu – Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết, toàn xã có 40 tàu đánh bắt xa bờ và gần 600 phương tiện đánh bắt trên sông Trường Giang. Để hướng dẫn ngư dân bảo vệ tài sản, địa phương thông báo đến chủ các phương tiện đánh bắt xa bờ qua kênh zalo riêng về dự báo bão, áp thấp nhiệt đới. Trường hợp tàu chưa neo đậu an toàn thì hướng dẫn người dân đưa vào Cảng cá An Hòa, Doi ấp 10 hoặc thôn 4 Tam Hải để neo đậu, tránh trú.

Đối với tàu đang đánh bắt trên biển thì yêu cầu ngư dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn. Các phương tiện đánh bắt trên sông thì kêu gọi đưa lên bờ hoặc vào các khu rừng ngập mặn, che đậy, neo đậu an toàn để tránh bị sóng cuốn trôi.

“UBND xã đã khảo sát địa điểm các nhà văn hóa thôn, trường học, trạm y tế… để sẵn sàng đưa người dân vùng trũng thấp, nhà ở không kiên cố lên tránh trú trong trường hợp bão đổ bộ. Đồng thời chuẩn bị lương thực đảm bảo cho người dân sử dụng khi tránh trú từ 7-10 ngày” – ông Châu chia sẻ.

Thêm các dự án chống ngập đô thị

Để nâng cao năng lực chống ngập đô thị, TP.Tam Kỳ đề xuất danh mục các dự án với tỉnh, gồm: hồ điều tiết và kênh chỉnh dòng thoát nước phía tây nội thị; Cải thiện năng lực thoát lũ hồ Sông Đầm ra sông Trường Giang; nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước nội thị; kè và đường ven sông Tam Kỳ, với tổng kinh phí khoảng 1.817 tỷ đồng. Cạnh đó, thành phố đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục dự án Tuyến mương ngầm thoát nước dọc đường Trưng Nữ Vương từ nút giao đường Nguyễn Hoàng đến nút giao đường Bạch Đằng chảy ra sông Bàn Thạch với hơn 129,7 tỷ đồng, dự kiến khởi công từ tháng 11/2024 và hoàn thành vào 9/2025.

TP.Hội An cũng đã bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách để thực hiện việc nạo vét, khơi thông cống rãnh; duy tu, sửa chữa nâng cấp các hệ thống mương dọc bị hư hỏng; đầu tư mới các vị trí chưa có mương thoát nước để kết nối đồng bộ. Đồng thời cải tạo, nâng cấp lại hệ thống mương thoát nước đáp ứng được lưu lượng mưa cực đoan đối với các tuyến đường do tỉnh và trung ương quản lý đi qua địa phận Hội An.

Dù vậy, tốc độ đô thị tăng nhanh dẫn đến việc đầu tư xây dựng, khớp nối hạ tầng chưa đồng bộ; kinh phí đầu tư các dự án chống ngập khá lớn,… là rào cản mà Quảng Nam đang gặp phải. Do đó năm 2023, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm, hỗ trợ một số giải pháp tổng thể về giảm ngập bền vững cho các đô thị trên địa bàn tỉnh. Đồng thời hỗ trợ nguồn kinh phí sự nghiệp, môi trường… để Quảng Nam thực hiện các giải pháp công trình.

Nội dung: THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC - PHƯƠNG GIANG - HỒ QUÂN

Trình bày: MINH TẠO

Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ứng phó mưa bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO