Câu chuyện sáp nhập các tỉnh thành đang trở thành đề tài nóng trên các mạng xã hội. Là một người hoạt động trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, tôi hy vọng những đề xuất dưới đây gợi mở thêm hướng đi có thể tham khảo.
Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế
Mục tiêu của việc sáp nhập các tỉnh thành là phát huy tối đa tiềm năng đất đai, các lợi thế ưu thế của các địa phương. Đồng thời giảm bớt, tinh gọn bộ máy hành chính cồng kềnh, để dành ngân sách cho đầu tư phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Tuy nhiên cách làm này cũng rất phức tạp, để lại nhiều hệ lụy không hề nhỏ.
Ví dụ khi gộp nhiều tỉnh lại thành một tỉnh tất dẫn đến phải thay đổi tên tỉnh, địa danh và như thế toàn bộ dữ liệu, hồ sơ về đất đai, nhân khẩu gắn với địa danh sẽ bị đảo lộn, việc làm lại hồ sơ địa chính, nhân khẩu... cho khớp với việc tách nhập là khối lượng công việc và chi phí khổng lồ, chưa kể đến mất mát về văn hóa, lịch sử, ký ức gắn với vùng miền sẽ khó có thể đong đếm...
Vì vậy tôi xin đề xuất một phương án vừa phát huy tối đa lợi thế tiềm năng của các vùng miền mà vẫn giữ được nguyên vẹn lịch sử, văn hóa truyền thống, tránh xáo trộn cuộc sống nhân dân và cả hệ thống quản lý sổ sách, giấy tờ địa chính, nhân khẩu...
Qua nhiều năm công tác trong ngành quy hoạch đô thị, tôi nhận thấy nhược điểm lớn nhất trong quản lý không gian kinh tế của quốc gia. Đó là mỗi tỉnh đều lập quy hoạch phát triển kinh tế và căn cứ quy hoạch đó HĐND giao nhiệm vụ cho chính quyền thực hiện kế hoạch trong nhiệm kỳ.
Quy hoạch tỉnh hầu như gói gọn trong không gian hành chính mỗi tỉnh mặc dù có nhắc đến mối quan hệ vùng, liên kết vùng nhưng cuối cùng tỉnh nào cũng cố đầu tư phát triển của tỉnh mình còn liên kết vùng thì vô cùng lỏng lẻo, kém hiệu quả.
Thời gian qua đã từng có các quy hoạch nhắm tới liên kết vùng như: Quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm miền Đông Nam Bộ, Quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Trung... Tuy nhiên hiệu quả các quy hoạch này rất thấp.
Ví dụ minh chứng cho nhận xét này là việc đầu tư sân bay bến cảng khu vực miền Trung. Chỉ trong khoảng cách hơn 200km từ Huế đến Quảng Ngãi đã có tới 3 sân bay quốc tế: Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai và 5 cảng biển: Chân Mây - Tiên Sa - Liên Chiểu - Kỳ Hà - Dung Quất. Tình trạng đầu tư trùng lắp này dẫn đến việc lãng phí nguồn lực, tài nguyên, ngân sách quốc gia; đồng thời tạo ra tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh không đáng có giữa các địa phương.
Khơi dậy yếu tố nội lực vùng
Nhiều năm qua, mỗi tỉnh mỗi bộ máy hành chính cực kỳ cồng kềnh, đơn cử ngoài ban quản lý dự án cấp tỉnh thì mỗi huyện mỗi ban quản lý dự án... Nếu nhìn kỹ có thể nhận ra không gian phát triển kinh tế không bó gọn trong không gian hành chính của mỗi tỉnh thành mà nó trùm lên một vùng rộng lớn hơn rất nhiều. Nhưng do cách gần như khiên cưỡng cố ép hoặc xé nhỏ không gian kinh tế vào không gian hành chính khiến nội lực vùng bị giảm thiểu thậm chí bị vô hiệu hóa hiệu quả.
Vì vậy theo tôi xin đề xuất: Tách quản lý hành chính ra khỏi không gian kinh tế, trả lại nguyên vẹn nội lực phát triển cho đúng không gian vùng của nó; cụ thể là thành lập đơn vị vùng. Một “Vùng” sẽ gồm các tỉnh liền kề, có đặc điểm tương đồng về địa hình địa vật, khí hậu và đặc biệt tương đồng về tiềm năng phát triển, có hệ thống giao thông thủy bộ thuận lợi...
Thành lập một ủy ban vùng (hoặc hội đồng vùng), chức năng tập trung vào quản lý không gian phát triển kinh tế, lập quy hoạch phát triển toàn vùng và lập các dự án phát triển và quản lý đầu tư toàn vùng. Các ủy ban vùng (hội đồng vùng) không tham gia quản lý hành chính của các tỉnh trong vùng.
Ủy ban vùng (hội đồng vùng) sẽ lập quy hoạch phát triển vùng một cách cân đối hài hòa: vùng công nghiệp, khu vực tập trung du lịch dịch vụ, trung tâm tài chính, hệ thống đô thị... Qua đó sẽ tránh được các phong trào nơi nơi lập sân bay, nơi nơi lập bến cảng, khu công nghiệp...
Nhân sự của ủy ban vùng là các chuyên gia giỏi về kinh tế, kế hoạch và quản lý dự án lấy từ các ban ngành sở ở lĩnh vực tương ứng.
Đối với các tỉnh trong mỗi vùng được xử lý theo nguyên tắc chung: UBND các tỉnh/thành không tham gia quản lý đầu tư phát triển mà tập trung quản lý hành chính, quản lý dân sinh, chính sách xã hội, bảo vệ bảo tồn văn hóa truyền thống, lịch sử... Nhân sự được tinh gọn phù hợp với các lĩnh vực tương ứng.
Với mô hình tôi đề xuất trên sẽ đạt cả hai mục tiêu: Phát huy tối đa nội lực vùng miền; bảo tồn nguyên vẹn địa danh, lịch sử. Bộ máy tinh gọn đúng theo tinh thần của Đảng và Nhà nước hướng tới. Bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống vùng miền của dân tộc Việt.