(VHQN) - Trong quá trình hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An, thương nhân Nhật Bản đã đến buôn bán, làm ăn, cư trú nơi này và có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển rực rỡ của thương cảng Hội An trong thế kỷ 16 - 17.
Từ giấy thông hành trên biển
Cuối thế kỷ 16, các chúa Nguyễn đã thiết lập quyền lực chính trị của mình ở Đàng Trong. Nhằm tạo tiềm lực lớn về chính trị, kinh tế và quân sự để đối đầu với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, các chúa Nguyễn đã tích cực thực thi chính sách ngoại giao cởi mở, khôn khéo và mềm dẻo.
Năm 1591, thông qua bức thư gửi cho Tướng quân Toyotomi Hideyoshi, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã chính thức xác lập mối quan hệ giao thương Việt - Nhật.
Kể từ sau năm 1592, sau khi thống nhất Nhật Bản, Tướng quân Tokugawa Ieyasu thi hành nhiều chính sách nhằm chấn chỉnh nền ngoại thương Nhật Bản. Ông ban hành chế độ Shuinsen (Châu Ấn thuyền) - “Thuyền mang giấy phép có đóng dấu đỏ”.
Theo đó, chính quyền Mạc phủ Tokugawa cấp phát Goshuinjo (Ngự chu ấn trạng) - loại giấy phép thông hành được đóng dấu đỏ, cho phép thương thuyền Nhật Bản đi giao thương, buôn bán với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam lúc bấy giờ.
Về số lượng Châu Ấn thuyền, từ năm 1604 đến 1635 chính quyền Mạc phủ Tokugawa đã cấp 355 châu ấn trạng cho các thương thuyền Nhật Bản đi ra nước ngoài, trong số 280 thuyền đến Đông Nam Á này có 85 thuyền đến Đàng Trong của Đại Việt. Cụ thể: An Nam (14 thuyền), Thuận Hóa (1 thuyền), Cochinchina (70 thuyền) (Theo Li Tana, “Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17-18”).
Minh chứng cho hoạt động của Châu Ấn thuyền ở Hội An, Bảo tàng Hội An đang trưng bày mô hình Châu Ấn thuyền tại Phòng Lịch sử - văn hóa. Mô hình Châu Ấn thuyền được ông Nakamura Houdou - Tỉnh trưởng tỉnh Nagasaki trao tặng cho TP.Hội An. Đây là phiên bản từ Châu Ấn thuyền - loại thuyền buôn được chính quyền Nhật Bản cho phép thương nhân Nhật giao thương buôn bán với bên ngoài, trong đó có Việt Nam.
Mô tả về Châu Ấn thuyền, trong bài viết “Người Nhật ở Hội An thế kỷ 17 - 18” tác giả Võ Văn Hoàng cho biết: “…Trên cơ sở học tập kỹ thuật đóng tàu của phương Tây, Nhật Bản có thể tự đóng những loại tàu có trọng tải tới 300 - 400 tấn, thậm chí có chiếc lên đến 600 tấn để hoạt động trên những vùng biển xa. Do vậy, thuyền Châu Ấn có thể chở từ 4.000 - 5.000kg tơ sống cùng với nhiều loại hàng hóa khác”.
Lên bờ và để lại dấu ấn đặc biệt
Theo GS. Kikuchi Seiichi trong bài viết “Người Nhật ở Hội An thời các chúa Nguyễn”, các Châu Ấn thuyền lợi dụng gió mùa, rời Nhật từ mùa thu đến mùa đông, mùa xuân đến mùa hè năm sau trở lại Nhật Bản. Vì vậy, thuyền viên của các Châu Ấn thuyền sinh sống ở Hội An ít nhất là nửa năm. Tài liệu ghi chép lại có 110 thuyền viên trên con thuyền đi về miền Trung Việt Nam năm 1608. Có 300 thuyền viên trên con thuyền đi Hội An năm 1623. Có 150 thuyền viên trên Châu Ấn thuyền đi Hội An năm 1633.
Còn nghiên cứu của TS.Noriko (Nhật Bản) cho biết: “Từ Nhật Bản, thương nhân trên các Châu Ấn thuyền dựa theo gió mùa để vượt biển xuống giao thương với khu vực phía Nam, trong đó có cả Đàng Ngoài và Đàng Trong của nước Việt.
Họ căng buồm vào khoảng tháng 11 âm lịch để gió mùa đông bắc thổi xuống phía Nam. Họ ở lại các thương cảng như Hội An, Phố Hiến, Thanh Hà, Hưng Nguyên... khoảng sáu tháng để mua bán và giong buồm về nước khi cơn gió mùa đông nam đầu hè thổi ngược lên.
Việc mua bán nhiều khi không đúng như kế hoạch nên nhiều thương nhân đã ở lại (hoặc cử người đại diện) để tìm nguồn hàng cho chuyến thuyền sau... Ngoài binh khí như các loại kiếm đao được rèn rất tốt ở Nhật, chủ nhân Châu Ấn thuyền còn mang theo lưu huỳnh, sơn, kim loại... là những thứ mà các triều đình nước Việt lúc này luôn khao khát sử dụng cho các cuộc nội chiến triền miên giữa hai nhà Trịnh - Nguyễn.
Sau khi xuống hàng, họ tìm mua kỳ nam, trầm hương, gỗ quý, tơ lụa, đồ gốm sứ, ngà voi, sừng tê giác, nhựa thông, da trâu, gân hươu... là những sản vật vốn dồi dào ở nước Việt vào thời điểm ấy”.
Trong cuốn “Xứ Đàng Trong năm 1621”, Giáo sĩ Cristophoro Borri viết: Chúa (Nguyễn Phúc Nguyên) không đóng cửa trước một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc…”. Vì vậy, sự có mặt của người Nhật ở Hội An, đặc biệt với việc định cư lập phố buôn bán trong thời đại Châu Ấn thuyền đã thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế ở Hội An - Đàng Trong.
Chính sách ngoại giao cởi mở
Sự phát triển của thương cảng Hội An nhờ chính sách ngoại giao khôn khéo, cởi mở với các nước của các chúa Nguyễn, từ chúa Nguyễn Hoàng cho đến các chúa kế tục.
Trong “Trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phúc Kỳ với bức quốc thư ban quốc tính cho Hào thương Araki Sotaro”, tác giả Võ Vinh Quang có nêu: Vào năm 1619, một người cháu gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên được gả cho thương nhân Nhật Bản là Araki Sotaro.
Người con gái được gả cho Hào thương Araki Sotaro xứ Nagasaki chính là con gái của Trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phúc Kỳ và được Nguyễn Phúc Kỳ ban cho Araki quốc tính là Nguyễn Thái Lương.
Còn theo nhận xét của Li Tana, chính các quan hệ có tính cách cá nhân này đã hướng tàu bè của Nhật tới Đàng Trong. Trong số 86 Châu Ấn thuyền được phái đến An Nam và Đàng Trong từ 1604 đến 1635, có đến 17 chiếc do Araki và Hunnamoto dẫn đầu.
Từ những năm 1633 - 1635, chính quyền Nhật Bản bắt đầu hạn chế và cấm xuất dương của các thuyền buôn ra nước ngoài, trong đó có Châu Ấn thuyền. Đến năm 1635, đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ Châu Ấn (1592 - 1635), dẫn đến người Nhật đánh mất vai trò giao thương buôn bán ở Hội An, Đàng Trong, và nhường lại vai trò này cho người Hoa ở Hội An.
Tuy quan hệ giao thương giữa Nhật - Việt ở Hội An diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng sự có mặt người Nhật đã đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giao thương buôn bán ở Hội An, tạo điều kiện để đô thị Hội An phát triển hưng thịnh.