Hương xưa lúa gạo

NGUYỄN ĐIỆN NAM 03/09/2022 09:35

(VHQN) - Muốn tìm giá trị bản địa thì cần trở về nguồn cội, nơi mà hạt lúa gạo ủ ấp cả hồn cốt xứ sở qua bao đời người...

Ngày mùa ở Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Ngày mùa ở Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Nhà khảo cổ học người Nhật - Otabê Tadio, trong cuốn sách viết về “con đường lúa gạo”, đã phác thảo hai ngả đường làm nên chiếc nôi thuần dưỡng cây lúa thời tiền sử. Một đường, với cây lúa canh hạt tròn lớn đi dọc hệ Mê Kông, trong đó có nhánh sông Hồng vào Việt Nam. Một đường từ Assam (Đông Ấn) với cây lúa tiên hạt dài đi qua các ngả Óc Eo, hải cảng Phù Nam, Ăng Co, Miến Điện…

GS.Phạm Đức Dương cho rằng, “con đường lúa gạo” đi vòng, và không chỉ có một chiều từ Vân Nam, hay vùng sông Trường Giang và Ấn Độ truyền sang mà có thể có chiều ngược lại - với sự truyền bá văn hóa, văn minh lúa nước sau khi đã thuần dưỡng thành công ở châu thổ sông Hồng và Cửu Long, Mê Kông.

Vậy, có thể nói Đông Dương, trong đó có Việt Nam, là một trong những chiếc nôi của lúa gạo. Lúa tiên vào Đông Dương sau nhưng lại phát triển mạnh, dần lấn át cây lúa canh, trong đó có cây lúa nếp mà người Lào cũng như người Việt đã quen. Tìm lại hương xưa hạt gạo cũng là tìm về giá trị văn hóa bản địa đã hình thành hàng nghìn năm.

Phục tráng gạo quê

Xưa, nhiều người nhớ những giống lúa như ba trăng, lúa nhe, lúa trì hiện diện trên đất Quảng... Có câu ca còn khắc ghi ký ức:

Cá rô, chim mía, lúa trì
Ai về Điện Thọ thì đi không đành.

Vùng Điện Tiến, Điện Thọ của thị xã Điện Bàn giờ khó còn giống lúa trì xưa ấy, nhưng hạt “Gạo quê Phong Thử” dẻo thơm thì đang dựng thương hiệu cho vùng đất này với gạo sạch, gạo hữu cơ.

Rồi đến gạo lúa rẫy, nào ở Tây Giang, Đông Giang, Hiệp Đức, Trà My. “Cô gái Bh’nong” chỉ mới ra đời mấy năm ở vùng Hiệp Đức nhưng đã làm ra hàng chục loại sản phẩm kết hợp gạo lứt lúa rẫy với nhiều nguyên liệu khác. Trà My thì phát triển cả nghìn hec ta lúa rẫy, làm ra sản phẩm hàng hóa, trong đó có rượu lúa rẫy Thái Hòa (thu mua khoảng 500 tấn lúa mỗi năm).

Có loại giống lúa đen (sau được đặt tên là Ô Mễ Cốc) được phát hiện vào năm 2007 từ trên vùng núi cao của đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu huyện Tây Giang. Hạt giống lúa mọc hoang, cả thân cây và hạt gạo bên trong vỏ trấu đều có màu đen nên đồng bào quen gọi là lúa đen.

Sau đó, giống đã được một nhóm nông dân tại xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, di thực và trồng thành công trên ruộng lúa nước. Năm 2019, lúa đen được QTOrganic đưa về canh tác theo hướng hữu cơ trên một số cánh đồng ở Quảng Trị.

Hạt lúa là nói chung, trong đó còn có nhiều loại gạo nếp (như nếp bầu, nếp hương ở đồng bằng và nếp rẫy miền núi) cũng đã được giữ gìn, phục tráng, tạo nên các loại đặc sản. Vào vùng Núi Thành hay lên núi cao cũng có thể tìm thấy các loại nếp ấy thơm quyện mùi xôi trong những ngày hội lễ.

Hòa với tự nhiên

Có lẽ không phải đợi đến khi ông Fukuoka, tác giả người Nhật xuất bản cuốn “Cuộc cách mạng một-cọng-rơm” thì ta mới biết cách làm nông hòa làm một với tự nhiên. Kiểu canh tác lúa rẫy của đồng bào vùng cao Quảng Nam đã có từ xưa, với phương thức “chọc tỉa” hạt giống vào nương rẫy nằm bao bọc bởi rừng, không phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, diệt cỏ, không diệt côn trùng.

Nhưng Fukuoka đã tạo ra cuộc cách mạng thực sự khi nâng tầm cho phương pháp canh tác thuận tự nhiên, có dấu vết truyền thống xưa cũ thành một khoa học sản xuất nông nghiệp. Ở đó, “Làm nông tự nhiên thì thật êm ái và dễ dàng, và nó cho thấy một sự quay đầu về với cội nguồn…” (Hãy nhìn hạt lúa này).

Đáng mừng là nhiều vùng đất của Việt Nam, trong đó có Quảng Nam, đã tiếp cận phương pháp ấy. Mô hình Rơm Vàng Farm được tạo dựng tại xã Điện Thọ, Điện Bàn là bước đi đáng khích lệ cho hướng tạo kiểu vườn rừng được bảo bọc trong sinh thái tự nhiên.

Ở một phía khác, việc phục tráng các loại giống bản địa ở một số địa phương của Quảng Nam cũng áp dụng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sạch, an toàn.

Những tín hiệu ấy cho thấy đâu đó “sự quay đầu về cội nguồn” khá thú vị!

Mà cũng đúng thôi con người càng tách biệt bản thân khỏi tự nhiên chừng nào thì họ càng quay cuồng xa khỏi cái tâm điểm kia chừng ấy. Cho nên một tác động hướng tâm tự nó nảy nòi và niềm khát khao quay trở về với tự nhiên nổi lên.

Và việc trồng lúa sinh thái không chỉ mang lại lợi ích thực tế cho cây lúa và nông dân mà còn dựng lại khung cảnh nên thơ, lãng mạn vốn có của làng quê. Ở đó, “mục đích tối thượng của việc làm nông không phải là trồng cây, mà là sự tu dưỡng và hoàn thiện con người” như Fukuoka đã viết.

Hương đất dâng trời

Hương xưa lúa gạo lại đượm hương đất trời trong các sản vật dâng hiến cho đời. Người Việt có cả một nền ẩm thực thấm đẫm văn hóa, văn minh lúa nước.

Với Quảng Nam thì sao? Thì mỳ Quảng đấy, bao chứa tinh túy của hạt gạo, hồn hậu, chân chất của lòng người, dân chủ hòa quyện đủ kiểu nấu nhưn… Người Quảng có thể ăn mỳ bất kỳ dịp nào, nhưng đám giỗ phải có tô mỳ dâng cúng tổ tiên. Bên cạnh đó, tục cúng xôi nếp cùng các loại bánh từ lúa gạo vào những kỳ lễ tế là vọng bái, tri ân tiền nhân, tổ tiên đã khai cơ, lập làng,… vẫn duy trì.

Đồng bào ở một số vùng núi cũng ăn cơm nếp như người Lào (ăn xôi, thổi khèn, ở nhà sàn). Và, đặc biệt món cơm lam của người miền núi Quảng Nam trong các lễ hội đã gợi lên hương vị khó tả. Đồng bào miền núi còn thích ăn cơm nếp bởi đó là thứ ăn ít, no lâu, dẻo nên dễ gói mang đi núi, lên rẫy…

Trên đất Quảng Nam đã hình thành nhiều cánh đồng làm lúa giống hàng hóa. Nhưng trở lại câu chuyện giá trị bản địa là gợi ý từ việc phục tráng giống lúa xưa. 

Hương xưa lúa gạo còn vương đâu đây trong khói tỏa lam chiều!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hương xưa lúa gạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO