(VHQN) - Tôi vẫn thường mơ đến một ngày nào đó đất nước mình sẽ có mạng lưới cao tốc phủ kín Bắc - Trung - Nam, xe máy không còn, xe buýt nhiều hơn, và tàu cao tốc cả trên cao và ngầm dưới đất. Sáng cà phê Hà Nội trưa ăn cơm Đà Nẵng, và chiều ngồi lai rai với bạn đâu đó ở Sài Gòn. Rồi ngày ấy sẽ đến, tôi tin như thế! Sài Gòn sẽ nhanh hơn nữa và nhiều con tàu hiện đại vun vút trong lòng đất như Tokyo, Seoul...
Nhưng ngặt nỗi, tôi vẫn mơ hoài giấc mơ người dân ta ra đường tham gia giao thông trật tự và chỉn chu như người dân nước bạn Lào.
So sánh thì khập khiễng nhưng mơ thì có thể, mơ được chậm như dừng lại trong từng bước đi của người Lào trong giao thông không dễ, bởi theo tôi ít nhiều nó xuất phát từ văn hóa. Văn hóa giao thông, cái câu mà ở ta, ra đường là gặp trên biển báo, mở báo đài là nghe thấy, nhưng rồi tại sao chân ai cũng phải chen vội, nhích lên và nhanh hơn nếu có thể.
Có người bảo kết cấu của xã hội ta nó thế, bạn phải tự đưa đón con đến trường đúng giờ, không có xe buýt riêng, xe trường riêng cho chúng. Bạn phải đến cơ quan đúng hẹn; giao hàng đúng lịch; phải tự làm mọi thứ mà có vẻ như nó không được phân chia một cách hợp lý... Đại loại các lý do là thế để lý giải sự nôn nóng trong mỗi cá nhân.
Người Lào thì sao? Tại sao bước chân họ chậm lại, khoan thai, chắc chắn. Họ phải dòm tới ngó lui ở ngã ba đường, rất cẩn thận khi nhập làn tham gia giao thông, không bấm còi inh ỏi. Không chen lên gần đèn đỏ, họ xếp hàng dài nối đuôi nhau một cách rất trật tự. Có người bạn Lào trêu tôi, ở Viêng Chăn, khi dừng đèn đỏ, một chiếc xe máy lạng lách, đánh võng để được chen gần vạch xuất phát, nhất quyết không xếp hàng: Đó là người Việt của bạn! Tôi đơ người như phút tự thú.
Quay lại chuyện chậm rãi của người Lào, đầu tiên phải nói rằng đất rộng người thưa chẳng việc gì phải vội, dân số nước Lào hơn 7 triệu người, diện tích bằng 2/3 nước ta. Nhưng nếu có dịp bạn đi từ bắc đến nam Lào, mỗi buổi sáng sớm bạn sẽ thấy sự chậm rãi đó, sự chắc chắn đó là một trong những đặc trưng đáng yêu nhất của Lào.
Một thứ triết lý đậm chất tu hành và rất riêng biệt. Những người đàn bà tóc bới cao, ăn mặc gọn gàng quỳ gối bên lề đường, những người đàn ông xếp bằng tôn kính dâng những khay xôi cho các nhà sư khất thực. Những nhà sư bàn chân sải bước chậm, đón nhận bằng cả sự thiện lành.
Đó là công việc đầu ngày của nhiều gia đình, suốt đời, và trải dài đất nước Triệu Voi. Bắt đầu một ngày mới bằng sự đẹp đẽ và tinh tươm, đón bình minh bằng sự tử tế, lương thiện và tôn kính, chậm rãi và chờ đợi, chắc hẳn quãng thời gian còn lại trong ngày không gì phải vội.
Ở Lào, thường thì trai tráng trước khi đi lấy vợ đa số phải vào chùa tu ít nhất 3 tháng. Nếp sống chậm ở Lào là hòa quyện của chùa, sư, sự thuần khiết của tu hành, nếp nhà và cây cỏ. Nhiều năm ở Lào, tôi chưa gặp hoặc chưa có cơ hội bắt gặp đôi vợ chồng nào cãi nhau, ở đó chỉ thấy vợ chở chồng ra chợ mỗi sáng, chồng rót đầy ly bia cho vợ mỗi chiều bên nhau.
Cách đây gần một năm, người Lào chính thức khánh thành đường sắt cao tốc Côn Minh - Viêng Chăn, dài 1.035km, tốc độ 160km/h. Tuyến đường rút ngắn thời gian đi từ thủ đô Viêng Chăn đến Trung Quốc chỉ còn 3 giờ. Sự nhanh chóng trong cái chậm rãi được thúc đẩy bằng công nghệ.
Tôi nghĩ rằng, dù con tàu có thể nhanh hơn gấp nhiều lần tốc độ hiện tại, thì đặc trưng sự khoan thai, chắc chắn, trầm tĩnh của người dân Lào vẫn vậy. Họ bước đi ôn tồn, thanh thoát ngay trên bước đường đời và công cuộc mưu sinh. Chuyện giao thông nhanh vội chẳng làm gì? Và nếu thêm một lần xuất ngoại mưu sinh, tôi vẫn chọn nước Lào để bước.