Quy hoạch - Đầu tư

Vận hội ở vùng đất tam quan?

THỤY BẤT NHI 07/04/2025 07:30

Sinh thời, nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương từng nhận xét, Điện Bàn là một địa chỉ đáng quan tâm của xứ Quảng, vì đó là vị trí “tam quan” giữ đất nhiều đời. Nhiều cứ liệu lịch sử cũng thể hiện Điện Bàn không chỉ là vùng đất nhỏ như hiện nay, mà giữ vị thế mở đất với lịch sử hành phương Nam hai triều Lê, Nguyễn.

4364f402-5dfa-4418-aaf2-f85ae649599b.jpg
Trước vận hội đổi mới của đất nước, vị thế Điện Bàn rất cần được đánh giá xem xét để tăng cường thu hút đầu tư và phát triển.

Trong bối cảnh chấn hưng đất nước hiện nay, sáp nhập hai tỉnh thành Quảng Nam - Đà Nẵng trở lại, phải chăng nên có cái nhìn chân xác hơn về địa danh này, định vị rõ một vận hội phát triển mới cho Điện Bàn?

Hội tụ lịch sử và văn hóa

Dấu ấn khai quốc hưng bang của những người đi trước luôn đòi hỏi các thế hệ đi sau phải nắm bắt, tìm hiểu. Theo những tra cứu, Điện Bàn đã là một vùng địa đầu đất nước dưới triều Lê, nơi thường xuyên đối kháng sức mạnh giữa Đại Việt với Chiêm Thành.

Các đời vua chúa luôn đặt dấu mốc địa giới ở nơi này, đầu thế kỷ 17 bản đồ vẫn ghi rõ huyện Điện Bàn là thuộc phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa. Năm 1604, Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng nâng Điện Bàn lên thành phủ và chuyển về thuộc dinh Quảng Nam, dinh trấn đóng tại Thanh Chiêm, mở ra một thời kỳ rực rỡ cho danh xưng Điện Bàn.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương đặt vấn đề, cứ liệu đo đạc cho thấy, Điện Bàn - Thanh Chiêm cách Hội An 15 km và cũng cách Đà Nẵng sau đó 15 km. Con số này thể hiện việc định vị Điện Bàn tạo thế tam quan ỷ giốc để giữ đất dài lâu, rằng phải chăng vì Điện Bàn có trước mà sau đó mới định hình nên Hội An - Đà Nẵng.

Thời nay, bởi những phát triển mạnh hơn của Hội An và Đà Nẵng, nhiều người quên vị thế đã từng có của Điện Bàn, nghĩ rằng vị trí này có được “nhờ” hai châu thành, trong khi lịch sử phát triển là ngược lại.

Trong quá trình thiết lập quản lý từ đất Quảng, các triều đại đã ấn định Điện Bàn là cứ điểm quân sự chính trị lớn phía bắc sông Thu Bồn; và với nhánh sông đào tạo thế trấn giữ, phát triển kinh tế ở khu vực này, Điện Bàn đã từng là nơi hội tụ nhiều nhân tài vật lực.

Mở ra vận hội kinh tế?

Điều đáng nói là trong bối cảnh hiện nay, Điện Bàn lại đang được đánh dấu là “cứ điểm đô thị bắc Quảng Nam”, cả về mặt quy hoạch hành chính lẫn tư duy đầu tư, làm ăn của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế.

b6244236-65d2-4963-871b-1cca6184d33c.jpg
Lịch sử và văn hóa tụ hội cho phép Điện Bàn hướng đến những tiêu chí phát triển đô thị chất lượng hơn và kết nối thành cụm đô thị cùng Đà Nẵng, Hội An.

Kiến trúc sư Trương Văn Quảng (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn) từng phân tích, với vị trí ở cửa ngõ phía bắc Quảng Nam, giao thoa với hai cụm đô thị Hội An, Đà Nẵng, lại sẵn được quy hoạch một hệ thống các khu công nghiệp tập trung, kết nối hệ thống làng nghề, điểm đến di sản văn hóa, Điện Bàn thực chất là một điểm đến đầy lợi thế chiến lược, có thể thu hút đầu tư công nghiệp, dịch vụ và du lịch mạnh mẽ.

Vị trí “tam quan” của khu vực này rất dễ tạo những tuyến đường thương mại quan trọng, xuyên suốt từ Đà Nẵng về phía nam, đấu nối với vùng phía tây Quảng Nam, lại là một hạt nhân của chuỗi cụm đô thị vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Đà Nẵng - Chân Mây - Hội An - Điện Nam Điện Ngọc).

Theo các chuyên gia tư vấn, nếu thực hiện sáp nhập Đà Nẵng lại với Quảng Nam, vị thế Điện Bàn càng đáng được quan tâm. Bởi, nơi này vừa có thể liên kết với Đà Nẵng, tận dụng những lợi thế đô thị lớn hình thành chuỗi đô thị hạt nhân về phía nam, thực chất thu hút đầu tư công nghiệp phụ trợ mạnh mẽ; vừa có thể liên kết với đô thị cổ Hội An, khai thác ưu thế di sản văn hóa tạo thế mạnh du lịch đặc trưng.

Điều này lý giải tại sao trong một thời gian rất ngắn, khi có những thông tin điều chỉnh quy hoạch hành chính, Điện Bàn mau chóng là điểm nóng thu hút giới đầu tư vào hạ tầng đô thị và bất động sản. Hàng loạt dự án đô thị mới, cụm dân cư, cụm công nghệ cao đang được hình thành, triển khai mạnh mẽ trên địa bàn là một minh chứng rất cụ thể.

Lật lại quy hoạch từng có của tỉnh Quảng Nam, Điện Bàn được xác định là điểm tăng trưởng đô thị công nghiệp và thương mại với 15/60 xã vùng đông Quảng Nam, có thể trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ ở bắc Quảng Nam. Sau khi sáp nhập, cùng Đà Nẵng, Hội An, Điện Bàn sẽ tạo một lõi đô thị mới, phát triển cả vùng đất rộng lớn, đối sánh tích cực với phía nam Quảng Nam là Tam Kỳ gộp với Núi Thành.

Đô thị Điện Bàn, như vậy sẽ càng thể hiện sức mạnh “tam quan” của mình, bắc có Đà Nẵng là tâm điểm thương mại, tài chính, dịch vụ, đông có Hội An là tâm điểm du lịch, văn hóa xã hội, tự thân lại là vùng đất công nghiệp phụ trợ, đô thị cảnh quan cho các sự kiện tổng hợp, hình thành các khu dân cư có chất lượng cao gắn với làng nghề truyền thống…

Cả một bức tranh phát triển sẽ mở ra từ Điện Bàn, là mạng lưới động lực phát triển của vùng Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An, gồm dải hạ tầng du lịch biển, hệ thống đô thị trung tâm gắn kết với các khu công nghiệp công nghệ cao.

Vị thế Điện Bàn trong lịch sử với một vùng đất trải về phía nam, và phải chăng đến nay, một lần nữa lại thấy vận hội mới cho mảnh đất này?

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vận hội ở vùng đất tam quan?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO