Văn hóa - Văn nghệ

Vang như Khánh ở xứ người

HỒ TRUNG TÚ 02/02/2024 17:52

Gần 20 năm nay Bùi Công Khánh (quê Hội An) hầu như năm nào cũng được nhận lời mời mang tác phẩm đi dự triển lãm hoặc trại sáng tác mỹ thuật (chủ yếu là các chủ đề về mỹ thuật đương đại) từ khắp nơi trên thế giới.

Tác phẩm “Lời cầu nguyện trong gió”.
Tác phẩm “Lời cầu nguyện trong gió”.

Bạn bè bảo anh tên Khánh nên tiếng ngân vang như khánh, dù nhỏ thôi nhưng cũng đủ cho thế giới biết về độ nhạy cảm nhận, tầm sâu tâm hồn của một họa sĩ Việt trước mọi vấn đề từ lịch sử, văn hóa cho đến những câu chuyện thời sự nóng hổi của từng vùng đất mà anh đến.

“Lời cầu nguyện trong gió”

Năm 2017, Viện Goethe ở Yangon, Myanmar (Miến Điện) tổ chức triển lãm “BUILDING HISTORIES” với giám tuyển là Iola Lenzi - nhà nghiên cứu, giám tuyển nghệ thuật Đông Nam Á. Triển lãm đã mời 9 nghệ sĩ đương đại từ 5 nước Đông Nam Á, trong đó có Bùi Công Khánh.

Lúc này đất nước Myanmar mới trải qua hơn nửa thế kỷ nội chiến, liên miên những cuộc nổi dậy, biểu tình, xung đội giữa các phe phái, giữa quân đội với các tầng lớp xã hội như học sinh, sinh viên và cả tầng lớp tăng lữ cũng không đứng ngoài... Bùi Công Khánh muốn thể hiện tất cả điều đó trong một tác phẩm. Nhưng làm sao?

Anh đi gần hết đất nước của những đền tháp này, có cái bằng gạch thô, có cái dát vàng sáng lấp lánh dưới nắng; anh đã nghe không biết bao nhiêu buổi cầu kinh vang ra từ những ngôi tháp đó. Và ý tưởng hình thành, anh sẽ “xây” một ngọn tháp bằng vải, cấu thành từ những “viên gạch” vải áo cà sa cũ của sư sãi cùng các “viên gạch” từ vải của áo lính.

Cả chục người thợ may làm trong gần một tháng thì “ngôi tháp” gạch bằng vải hình thành. Nửa thế kỷ của máu nước mắt người dân Miến Điện như hiện ra trước mắt người xem. Mỗi viên gạch như mỗi số phận đau thương của người dân đất nước Phật giáo nhưng lầm than vì những tham vọng của các thế lực chính trị giày xéo.

Khánh đặt tên tác phẩm là “Lời cầu nguyện trong gió”. Để cảm thụ đầy đủ tác phẩm này, khán giả có thể bước vào và nằm xuống bên trong ngôi tháp vải để nhìn ngắm hiệu ứng ánh sáng chiếu xuyên qua những ô vải được sắp xếp khéo léo gợi nghĩ lên rất nhiều điều.

Những mảnh đời, những số phận, những mơ ước và cả khổ đau, bất hạnh, chết chóc; những lời cầu nguyện, những than khóc, cầu xin với thần linh… như qua từng mụn vá mà hiện lên trong hiệu ứng ánh sáng vô cùng mạnh mẽ bủa vây người xem.

“Đếm đầu người”

“Tác phẩm này của Bùi Công Khánh đã khiến chúng tôi nổi gai ốc từng luồng khi chạm vào chúng” (một ý kiến ghi trong sổ cảm tưởng). “Head Count” - dịch sang nghĩa đen là “Đếm đầu người” được Bùi Công Khánh hoàn thành ở lò gốm Cảnh Đức Trấn để tham gia một trại sáng tác quốc tế ở đó.

Cái bàn tính là vật không xa lạ với người Trung Quốc, cũng như gốm sứ là những thứ thuộc tinh hoa văn hóa Trung Hoa. Bùi Công Khánh đã biến nó thành một tác phẩm không thể ấn tượng hơn.

Những viên bi bàn tính được Khánh “cho” mang hình đầu người bằng sứ rất trong, rất đẹp bỗng chợt khiến người ta sợ hãi khi chạm tay vào gảy thử phép tính nào đó. Mỗi tiếng va chạm như chực vỡ của sứ, như mỗi số phận con người vang lên rồi tan vào thinh không!

Ở những viên bi - đầu người vị trí của cột hàng vạn, hàng triệu khi dịch chuyển là người ta cũng biết hàng vạn, hàng triệu số phận con người ta đã bị gạt ra một bên của phép tính lời lãi, được thua của một ai đó.

Ngày xưa Tần Thủy Hoàng có dùng bàn tính này để tính bao nhiêu người cho đủ xây Vạn Lý Trường Thành? Tào Tháo có gảy các viên bi trên bàn tính để tính số quân đã mất sau trận Xích Bích?

Và những nhà buôn trong mỗi phép tính lời lỗ đã gảy lên biết bao số phận con người bỏ mạng nơi rừng thiêng, biển xa để tìm về trầm hương, sừng tê giác, hay đồi mồi, ngọc trai, san hô đỏ?

Những liên tưởng đó không cần gợi cũng sẽ hiện lên rất rõ với bất cứ ai chạm vào bàn tính này. Và cũng rõ ràng, nó khiến ta sẽ cảnh giác hơn với mọi điều ác, phi nhân tính đang xảy ra quanh mình. Chiếc bàn tính này đang được trưng bày tại Trung tâm Nghệ thuật Taoxichuan, Cảnh Đức Trấn, Trung Quốc.

Ngôi nhà “lạc chốn”

Là một ngôi nhà bằng gỗ mít có kích thước gần bằng ngôi nhà thật. Thực hiện từ năm 2014 đến năm 2016. Là tác phẩm lớn đầu tiên Bùi Công Khánh thể hiện, nhưng sự tâm đắc thì đến giờ anh vẫn không thôi nghĩ về nó.

qno1.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2024-1-30-155572-_tnb-61773-09.jpg
Bùi Công Khánh

Ở Hội An, trong khu phố cổ, quá nửa là những gia đình người Việt gốc Hoa. Ở Trung Quốc, khi nhà Thanh đánh bại nhà Minh năm 1644, một số người Hoa không chịu chung sống với nhà Thanh nên đã rời bỏ quê hương tỏa đi khắp nơi trên thế giới và được gọi là người Minh Hương.

Ở Đông Nam Á họ đến đông nhất là Hội An và Malacca (thuộc Malaysia). Nếu ở Malacca, sau 300 năm người Hoa vẫn còn hầu như giữ được nguyên vẹn phong tục tập quán, thì ở Hội An họ đã gần như hòa tan vào người Việt, chẳng mấy người còn giữ được tiếng Hoa, phong tục cũng mất đi nhiều.

Càng đi sâu vào các căn nhà gỗ ở Hội An, Bùi Công Khánh càng nhận ra nhiều điều sâu kín mà những người Việt gốc Minh Hương ở đây cất giữ trong những căn nhà gỗ cũ kỹ tối tăm của họ. Và anh đã thể hiện tất cả trong tác phẩm “Lạc chốn”.

Lặng ngắm ngôi nhà có mái sau sâu hun hút này, ta biết chủ nhân của nó đã muốn cất giấu rất nhiều thứ ở những chỗ người lạ không thể bước vào, chạm đến được. Thật vậy, những ngôi nhà cổ ở Hội An, dầu bạn có thân tình thế nào đi nữa thì vẫn có những khoảng không gian bạn không thể đến.

Khánh đã khái quát tất cả bằng những chạm khắc trên gỗ: những tấm lưới B40 không thể vượt qua; những biểu tượng vũ khí ngột ngạt của một nơi cố thủ; cặp mắt cửa đỏ vằn e dè, dò xét; những trang thờ, những bầu rượu, những cây bonsai bị đè nén, bức bối…

Ngôn ngữ nghệ thuật trưng bày của Khánh đã được người xem cảm nhận dễ dàng và trọn vẹn, đến độ ngôi nhà gỗ chứa đầy một cái container cỡ lớn này đã được nhiều nơi trên thế giới mời triển lãm. Hiện, nó ở Bảo tàng Nghệ thuật đương đại M Plus, Hồng Kông.

Hội An cần có một Bảo tàng mỹ thuật

Sức sáng tạo của người họa sĩ vừa bước qua tuổi 50 này như đang cuồn cuộn trong huyết quản, ngồi nghe anh kể những tác phẩm đã mang đi triển lãm ở khắp nơi, nó đa dạng và phong phú đến độ người không hiểu mỹ thuật đương đại sẽ không thể hình dung rằng đĩa cơm gà Hải Nam ở Hội An cũng thành một tác phẩm anh trình diễn ở Singapore; những ngõ hẻm, khu ổ chuột của đường phố Sài Gòn cũng giúp người ở Ohio Mỹ hiểu hơn về con người của thành phố này.

Thế giới đã biết đến một Bùi Công Khánh ở Hội An, nhưng ở ngay Hội An thì chẳng mấy người biết đến anh.

Bùi Công Khánh chỉ mong Hội An, nơi bán được nhiều tác phầm hội họa nhất, có được một bảo tàng mỹ thuật, đó sẽ là nơi các họa sĩ như anh, và có thể từ khắp nơi trên thế giới đến sáng tác, trưng bày tác phẩm của họ. Anh tin đó sẽ là một điểm đến hấp dẫn của du khách khắp từ nơi trên thế giới khi đến với Hội An.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vang như Khánh ở xứ người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO