Hành trình của hai chiến sĩ tiểu đoàn D26 Thông tin, Thống và Thắng, từ Bắc vào thăm lại mặt trận 44 Quảng Đà được kể lại trong tiểu thuyết "Trở lại chốn xưa" của nữ tác giả Trần Thiên Hương (NXB Văn Học, 2024).
Hành trình của hai chiến sĩ tiểu đoàn D26 Thông tin, Thống và Thắng, từ Bắc vào thăm lại mặt trận 44 Quảng Đà được kể lại trong tiểu thuyết “Trở lại chốn xưa” của nữ tác giả Trần Thiên Hương (NXB Văn Học, 2024).
Thiên Hương người Duy Xuyên. Chị có may mắn tiếp cận những trang nhật ký người thực việc thực của hai nhân vật chính. Vì vậy, tiểu thuyết đã phát huy được thế mạnh về tư liệu và sự trải nghiệm thực tế. Hơn nữa, cô vốn là giáo viên văn, đam mê viết và tỏ ra có duyên với thể loại tiểu thuyết. Viết muộn, nhưng chỉ trong 5 năm, từ 2020 đến 2024, cô đã cho ra đời đến 5 tác phẩm văn xuôi, trong đó có 3 cuốn tiểu thuyết.
Hành trình “Trở lại chốn xưa’’ của hai cựu chiến binh đã trải khắp các địa danh vang bóng một thời như Vùng B Đại Lộc, Gò Nổi, Hòn Tàu, Núi Chúa, Tí Sé, các làng đồng bào dân tộc vùng Tây Quảng Nam…
Về đến đâu, ký ức vui buồn ngồn ngộn sống lại đến đó. Mỗi khoảnh khắc quá khứ, mỗi tấc đất của chiến trường Quảng Đà năm xưa, vẫn còn in đậm dấu chân người lính. Chiến tranh dường chưa chấm dứt, mà vẫn chập chờn đâu đây để gửi đến con người thời bình bức thông điệp về lẽ sống chân, thiện, mỹ.
Sách được chia thành 11 chương theo từng không gian nghệ thuật riêng. Có lẽ đây là ý đồ của người viết để tiện đi sâu khám phá lịch sử, văn hóa của từng vùng đất một cách vừa cụ thể vừa bao quát.
Ví như khi dừng lại ở làng dân tộc Kôngtơrơn, tác giả đã cố để độc giả thấy được tình cảm chân chất, sâu đậm của đồng bào dân tộc đối với bộ đội ta.
Hay khi viết về Hòn Tàu - Núi Chúa ở chương 5, ta lại được nghe kể khá tỉ mỉ về bà Chúa Ngọc Tiên nương, tay phép thuật Cao Biền.
Tương tự, đọc “Âm vang Thu Bồn”, bên cạnh “những bến lội nông sâu, những xoáy nước chỗ mạnh chỗ yếu…”, ta còn được nghe những câu hát hò khoan nổi tiếng một thời.
Chuyện về bà Thu Bồn, Gò Nổi, Làng Hoa, tục đâm trâu, múa “Tâng tung da dá’’… ở những chương khác cũng được tác giả gắn kết rất khéo giữa hiện thực với quá khứ huyền ảo để tạo nên chất thơ cho tiểu thuyết.
Tiểu thuyết vốn là thể loại dù có rề rà chi tiết bao nhiêu cũng không thể tách khỏi trục nhân vật chính. Chi tiết là để tôn vinh thêm tính cách nhân vật, nhưng sa đà vào những chi tiết vụn lẻ, lại dễ rơi vào tình trạng cắt rời cảm xúc người đọc, làm mờ nhạt hình tượng nhân vật chính.
Hai chương cuối của “Trở lại chốn xưa” giống như một cái kết mở. Tâm lý nhân vật lung linh, dằn xóc, nhưng rất tiếc ở một vài chương trong tiểu thuyết này hình tượng nhân vật chính hơi bị mờ nhòe. Có lẽ do tác giả quá say sưa kể, hoặc cố gói cho trọn những chi tiết hấp dẫn ngoài cuộc. Từ đó, yếu tố hư cấu cần thiết để tạo kịch tính hấp dẫn chưa được khai thác triệt để.
Nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tiến tới kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, sự ra đời tiểu thuyết lịch sử “Trở lại chốn xưa” của Trần Thiên Hương là tiếng nói góp mặt từ thế hệ cầm bút trẻ với các bậc đàn anh, cùng nhau tô bồi thêm những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc nói chung, vùng đất Quảng Nam nói riêng.
Rồi lịch sử sẽ chưng cất, gạn lọc, “cái còn lại sau khi đã mất, cái còn nhớ sau khi đã quên” hẳn sẽ có bóng dáng điểm xuyết của “Trở lại chốn xưa”?