Tác phẩm, tác giả

Kiều Nhật San - mặt trời nấp sau núi

XUÂN HIỀN 05/12/2024 13:20

(VHQN) - Đó là ý nghĩa nôm na từ cái tên cha mẹ đặt cho San. Từ cuộc chuyện dài với suy tư của người nghệ sĩ trẻ, trực cảm như mách tôi rằng, San sẽ còn tạo nên rất nhiều ám ảnh với cuộc chơi nghệ thuật dằng dặc này.

img_0770.jpeg

Trải nghiệm... giữ bản ngã

So với những người trẻ sinh năm 1983, thì San có vẻ trải đời, phong trần. Anh từng đi làm thợ đá, trước khi quyết định học hành bài bản về nghệ thuật. Núi rừng Trà My xứ Quảng sinh ra những tính cách gan lì với cuộc đời. Không bỏ cuộc. Không để những chắp nối mưu sinh đánh gục mình. San chậm rãi với từng bước chân trên con đường mình chọn.

Vài năm làm thợ đá, anh biết mình nên chọn điều gì. San ôn luyện và thi đậu Đại học Nghệ thuật Huế. Học hành nghiêm túc với quan niệm, kiến thức sẽ là nền tảng để thăng hoa cảm xúc và nghệ thuật. Ra trường, anh lang thang mọi vùng miền để tìm cơ hội.

Nhưng “con chim đẹp nhất và hót hay nhất, khi ở trong môi trường của chúng, dù là một khu rừng đang cháy”. San chọn trở về, như một lẽ được giải thích rằng nó vừa là duyên vừa là điều khởi từ những ẩn ức của một người sinh ra từ rừng núi.

Năm 2012, sau những chuyến miệt mài tha phương, khoảnh khắc nhìn nắng dọi ngược gương mặt người lúc tàu ngang qua Tam Kỳ, San quyết định chọn dừng chân.

img_0762.jpeg
Tác phẩm tranh gò đồng của Kiều Nhật San.

Trời cho San một năng khiếu đặc biệt, đó là cảm được cái đẹp và diễn đạt được cái đẹp. Lẽ vì thế nên San có những phút xuất thần để cuộc đời có thêm những tác phẩm đẹp.

Học hành bài bản về điêu khắc, cộng thêm những năm trải nghiệm làm đục đẽo đá, Kiều Nhật San có được độ nhạy của người nghệ sĩ và độ tỉnh của người hiểu rất rõ đặc tính vật liệu. Hẳn đó là lý do để Kiều Nhật San trở thành học trò ruột của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng - một tên tuổi bậc thầy trong nền điêu khắc Việt Nam.

Giữa Phạm Văn Hạng và Kiều Nhật San, người ta nhìn ra những nối kết đặc biệt. Diện mạo phong trần, cộng với thứ “mùi” riêng của những người được trời ban năng lực đặc biệt - tôi nôm na gọi tên là “thổ âm” của người đàn ông miền núi, khiến chỉ riêng việc sống của họ, đã là một nghệ thuật. Bản ngã những người đàn ông này, dù có bị mòn vẹt bởi va vấp của đời thường, nhưng vẫn đủ góc cạnh để chọn tâm thế của họ với nghệ thuật.

Động, tĩnh và tinh thần tự do

Người xem những tác phẩm gò đồng của Kiều Nhật San đều cảm nhận được cá tính mạnh mẽ của nghệ sĩ qua những hình khối, đường nét dứt khoát.

img_0767.jpeg
Vọng thời gian - tác phẩm của Kiều Nhật San.

Duyên nợ với rừng núi, ký ức về từng mảng trời vùng cao khoáng đạt cùng màu xanh vời vợi của đất trời, những cánh chim hoang dã bay kín trời như một cuộc thiên di của loài người giữa những vùng đất. Tất cả đi vào suy tư của San, để đôi lúc là những trầm ngâm bất động trước khi vào cuộc sáng tạo.

Nghệ thuật của San không ồn ào, hào nhoáng, bóng bẩy. Chúng trầm mặc như đồng. Nhưng sau những thô mộc của chất liệu, là sự mới mẻ khác lạ, mạnh mẽ trong biểu hình, biểu cảm. San nói, đồng cứng, khả năng độ đàn hồi cao hơn các kim loại khác, vì thế để tạo nên các hình khối, đường nét trên những tấm đồng, buộc người nghệ sĩ phải làm chủ được các đặc tính của vật liệu.

Công đoạn nướng chín đồng sau gò vừa là kỹ năng vừa là nghệ thuật. Làm thế nào để đồng không bị lỳ, giãn hay rách trong quá trình sáng tác, làm sao để những hình khối, đường nét phải đúng như chủ ý người sáng tạo, chưa bao giờ là dễ dàng. Nên những tác phẩm gò đồng, luôn là một lao động sáng tạo cực nhọc, theo đúng nghĩa.

Biểu thị ý tưởng bằng hình khối, đường nét ngay từ công đoạn gò đồng. Nhưng San nói, muốn tác phẩm trở thành nghệ thuật, phải có sự tỉ mỉ và tinh tế từ các chi tiết nhỏ, sự kiên trì và công phu từ công đoạn tạo sáng tối, sắc màu.

Những bức tranh gò đồng của San mang tinh thần của tự do. Khiêm tốn với chi tiết nhưng ẩn sâu là sự kiêu bạc của một tâm hồn chuộng những hoang sơ.

Mới đây, Kiều Nhật San là nghệ sĩ duy nhất của xứ Quảng được vinh danh tại Triển lãm mỹ thuật khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2024 với tác phẩm “Vọng thời gian”. Những đường kỷ hà dứt khoát cùng hình khối ba chiều uyển chuyển, linh hoạt giữa động và tĩnh để biểu thị dòng thời gian bất tận... Tác phẩm điêu khắc bằng gò đồng và được chăm chút với những điểm màu, thép vàng, tạo lực hút với các nhà sưu tập. Và hầu như những tác phẩm tranh gò đồng của San đều gợi niềm yêu thích đặc biệt với giới thưởng lãm.

Quay trở lại với điểm xuất phát ban đầu để San chọn nghệ thuật điêu khắc, là tượng đá. Chạm trổ, điêu khắc đá vừa cần sáng tạo của bản năng, sự khéo léo của đôi tay, vừa cần những tính toán về bố cục. San có được những tiêu chí đó để trở thành cộng sự của nghệ sĩ Phạm Văn Hạng. San đủ độ nhạy để “bắt ý” của “người lập dị” Phạm Văn Hạng. San đủ bản lĩnh để cùng ông Hạng “tất tay” với những dự án điêu khắc tưởng chừng khó thực hiện. Để sau cùng, họ đã làm nên những công trình điêu khắc tượng đài đặc biệt trong lòng công chúng, nằm rải rác dọc chiều dài đất nước...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiều Nhật San - mặt trời nấp sau núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO