Nông nghiệp

Về vựa cây thuốc nam xứ Quảng

HOÀNG LIÊN 31/05/2024 08:23

Chỉ mươi ngày nữa là đến tết Đoan Ngọ. Không khí thu hoạch, mua bán lá mùng Năm ở các thôn Trà Đóa, Vân Tiên của xã Bình Đào (Thăng Bình), vùng đất được xem là vựa cây thuốc nam xứ Quảng, đã bắt đầu sôi động.

thuoc-nam-4.jpg
Cánh đồng trồng cây thuốc nam của vợ chồng ông Lê Văn Thới (xã Bình Đào). Ảnh: HOÀNG LIÊN

Vựa lá mùng Năm nổi tiếng

Những ngày này, về các thôn Trà Đóa, Vân Tiên (xã Bình Đào) dễ bắt gặp hình ảnh các mẹ, các chị với những chuyến xe chở đầy lá mùng Năm còn xanh tươi, tập kết tại các điểm để thương lái đưa đi tiêu thụ.
“Lá mùng Năm” thực chất là tổng hợp các loại thảo dược đặc hữu xuất hiện nhiều ở xã Bình Đào có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, bổ huyết, an thần, lợi tiểu… Việc sử dụng và kết hợp các loại lá cũng theo các bài thuốc dân gian và các bài thuốc gia truyền của người dân trong vùng.

Cây thuốc nam ở xã Bình Đào cung ứng đại trà cho các chợ chỉ vào dịp tết Đoan Ngọ (mùng Năm tháng 5 âm lịch), còn chủ yếu vẫn là cung cấp nguồn dược liệu cho các cơ sở đông y trong và ngoài tỉnh.

cay-mung-5-1.jpg
Chở lá mùng Năm đến các điểm tập kết đưa vào Nam. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Cây thuốc nam nhiều năm qua đã trở thành cây trồng chủ lực vụ của khoảng 50 hộ dân ở 2 thôn Trà Đóa, Vân Tiên của xã Bình Đào, với diện tích cả chục héc ta. Trong đó, xóm Phường Củi (thôn Trà Đóa) bao đời nay nổi danh với nghề trồng các loại cây thuốc nam.

Các bà Nguyễn Thị Lý, Lê Thị Huấn ở xóm Phường Củi cho biết, ngày xưa người dân địa phương đã biết trồng các loại cây thuốc nam nhưng chủ yếu để sử dụng thường ngày.

Sau này Phường Củi trở thành vùng đất bến sông cư dân buôn bán đông đúc, ghe bầu các xứ theo dòng Trường Giang tấp vào bến trao đổi hàng hóa.

Cây thuốc nam Phường Củi cũng được biết đến và để đáp ứng nhu cầu thị trường nên người dân mở rộng diện tích trồng trở thành nghề, cứ thế nghề lưu truyền tới ngày nay” - bà Lý chia sẻ.

thuoc-nam-11.jpg
Xóm Phường Củi, thôn Trà Đóa được xem là "vựa" cây thuốc nam lớn nhất tỉnh. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Sát xóm Phường Củi, vợ chồng ông Trần Văn Thới, bà Lê Thị Hành (tổ 4, thôn Trà Đóa) cũng trồng gần 4 sào đất gồm cây hoắc hương, rẽ quạt, hoa khóm... Thời điểm hiện tại, hai vợ chồng ông đã nhổ bán phần nhiều cho các thương lái, diện tích nhỏ còn lại đang tiếp tục thu hái.

“Chỉ cần thương lái điện báo thời gian đến gom lá mùng Năm là tôi nhổ, sơ chế bỏ bớt lá hư rồi bó thành từng bó nhỏ giữ nguyên gốc. Đặc tính của lá mùng Năm là phải giữ phần gốc rễ để đảm bảo dược tính của cây lá” - bà Hành chia sẻ.

thuoc-nam-9.jpg
Cây thuốc nam thu hoạch xong được sơ chế, nhặt bỏ phần lá sâu, lá úa trước khi xuất bán. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Cần giữ gìn và phát triển

Nghề trồng cây thuốc nam ở Trà Đóa, Vân Tiên truyền từ đời này sang đời khác. Riêng ở những cánh đồng chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả, mỗi năm nông dân chỉ trồng đúng 1 vụ chủ yếu là các loại cây mùng Năm.

Ngay từ giữa tháng Chạp năm trước, người dân bắt đầu ươn giống cây nếu cây cho hạt, hoặc giâm hom, giâm cành làm giống, rồi bắt đầu làm đất, trồng cây ngay từ đầu tháng Giêng, tiếp tục trồng và chăm sóc tới tận cuối tháng 4 âm lịch thì thu hoạch bán dịp tết Đoan Ngọ.

binh-dao.jpg
Không chỉ cung ứng cho chợ lá mùng Năm, cây thuốc nam Bình Đào còn là nguồn nguyên liệu cho các cơ sở đông y. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Như hộ các bà Nguyễn Thị Lý, Lê Thị Huấn… trồng tận dụng đất trong vườn nhà cũng đã cho thu nhập 5-10 triệu đồng/vụ. Quy mô hơn như bà Nguyễn Thị Hường trồng hơn sào uất hương, sào hoa khóm, thu nhập hơn 30 triệu đồng/vụ. Hay hộ các ông Võ Thanh Sơn, Nguyễn Tấn Hùng… canh tác với diện tích hơn 5-6 sào thu về cả trăm triệu đồng mỗi vụ.

Theo người dân Bình Đào, ngoài những loại cây bán tươi dịp tết Đoan Ngọ, một số cây thuốc nam còn được các hộ trồng quanh năm bán cho các cơ sở đông y.

Cây tươi thu hoạch xong rửa sạch, chặt phơi khô, bán cho các cơ sở đông y, tùy theo loại mà có giá 40.000 - 50.000 đồng/kg. Người dân nơi đây canh tác an toàn, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, dùng phân hữu cơ tự nhiên để tưới bón, chăm sóc.

thuoc-nam-12.jpg
Cây thuốc nam còn được người dân trồng trong vườn nhà. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Nhiều loại cây rất khó chăm, phải vun trồng trên đất thịt, không lẫn đất cát, cộng với khí hậu, nước, thổ nhưỡng đặc trưng của làng, sự kỳ công tỉ mẩn của người trồng, không để quá nắng hay mưa quá nhiều, cây mới ra hương vị đặc trưng, dược tính trong cây lá cũng cao hơn.

Đáng nói, đây là vùng đất trồng cây thuốc nam nổi tiếng của tỉnh, song đến nay, việc xây dựng và phát triển thương hiệu của làng thuốc nam này nói riêng, của cây thuốc nam xứ Quảng nói chung vẫn chưa được chú trọng.

Sản phẩm bản địa của vùng chủ yếu được bán theo kênh truyền thống là các thương lái thu gom đưa đi các chợ đầu mối tiêu thụ mỗi dịp tết Đoan Ngọ; hay người dân tự trồng, sơ chế cung ứng cho các cơ sở đông y.

Cách làm này chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Việc chuẩn hóa các quy trình kỹ thuật trồng cây thảo dược, thảo mộc, biến những loại thảo dược, thảo mộc đặc trưng xứ Quảng trở thành những sản phẩm đặc trưng, gắn với chế biến sâu vẫn còn bỏ ngỏ...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về vựa cây thuốc nam xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO