Văn nghệ sĩ, cán bộ khoa giáo Khu 5, những người con của quê hương Bình Dương (Thăng Bình) xa quê đã có cuộc trở về với “vùng đất thép” cùng ký ức không quên của một thời hoa lửa…
Trở về
Vào đầu tháng 8/2024, về thăm lại chiến trường xưa Bình Dương bên cạnh những văn nghệ sĩ, cán bộ khoa giáo Khu 5 thời chống Mỹ, còn có các cựu chiến binh già là người con Bình Dương và lớp cán bộ trẻ hôm nay.
Ai nấy nghẹn ngào khi lắng nghe những câu chuyện xúc động về sự hy sinh, mất mát to lớn của quân và dân Bình Dương trong kháng chiến chống Mỹ.
Những câu chuyện xúc động liên quan tới Di tích cấp tỉnh Thảm sát Trảng Trầm (thôn 1, xã Bình Dương) khiến cả đoàn người chùng xuống. Năm 1969, Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với các cuộc phản công, tiến công quyết liệt chống phá phong trào cách mạng.
Thăng Bình là địa bàn bị địch đánh phá rất ác liệt. Tuy nhiên, với khí thế cách mạng và lòng căm thù giặc, được sự lãnh, chỉ đạo của Đảng, quân và dân Thăng Bình, đặc biệt là quân và dân vùng Đông, trong đó có Bình Dương đã tổ chức tiến công, gây cho định nhiều tổn thất.
Càng lấn chiếm, chống phá cách mạng, địch càng lâm vào thất bại; bọn chúng đã điên cuồng giết hại dân thường vô tội. Trước khi rút đi, ngày 12/11/1969 địch đưa quân tiến vào Bình Dương.
Tại Trảng Trầm, chúng xả súng tàn sát 73 người dân vô tội, chủ yếu là các cụ già, phụ nữ và trẻ em. Nhiều gia đình không còn ai sống sót, có nhà mất đi đến 7 người… Trước nấm mồ chung của nhân dân Bình Dương tại Trảng Trầm, đoàn thành kính dâng nén hương tưởng niệm những người đã khuất…
“Căn cứ lõm Bàu Bính” - một di tích lịch sử cấp tỉnh nằm cách đó không xa cũng thấm đẫm trang sử hào hùng. Năm 1971, Căn cứ lõm Bàu Bính nằm trong trọng điểm đánh phá ác liệt của địch, giữa bốn bề đồn bốt, khu dồn, địch kiềm kẹp rất gắt gao.
Căn cứ lõm còn là một trạm liên lạc cơ sở, là bàn đạp quan trọng để tấn công vào vùng địch. Địch đã phải huy động một lực lượng lớn bộ binh, với sự chi viện của phi pháo để tấn công triệt hạ căn cứ này.
Ta nhận lệnh rút lực lượng ra khỏi căn cứ, đồng thời tổ chức sơ tán nhân dân các xã vùng Đông trụ bám tại căn cứ lên vùng giải phóng an toàn. Dù chỉ tồn tại 2 năm nhưng căn cứ góp phần gây cho địch những tổn thất, thiệt hại nặng nề… Đất Bình Dương là một pháo đài, một bức thành đồng cách mạng và lòng dân là căn cứ địa vững chắc.
Tri ân đất anh hùng
Ông Đặng Văn Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bình Dương chia sẻ, Nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Dương là nơi yên nghỉ của gần 1.300 liệt sĩ. Địa phương có gần 300 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 5 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, gần 300 thương bệnh binh và hàng nghìn người có công cách mạng.
“Bình Dương 3 lần được phong anh hùng (2 lần Anh hùng Lực lượng vũ trang và 1 lần Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - PV). Lần này, được đón tiếp những văn nghệ sĩ, cán bộ khoa giáo, cựu chiến binh là người con Bình Dương về thăm chiến trường xưa, thăm di tích lịch sử, viếng hương, đây là niềm tự hào của địa phương” - ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng thông tin, “vùng đất thép” sáng ngời chiến công và thấm đẫm mất mát, đau thương ngày xưa đang thay da đổi thịt từng ngày. Kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực, đời sống nhân dân khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 52 triệu đồng/người/năm. Trên địa bàn, một số dự án kinh tế đã đi vào hoạt động, một số dự án đang thu hút đầu tư và tiếp tục triển khai.
Cựu chiến binh Phan Đức Nhạn, sinh trưởng trong một gia đình có công cách mạng ở Bình Dương, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, trong kháng chiến, các bà mẹ ở vùng cát này sẵn sàng xả thân chở che cho cách mạng, không chịu khuất phục trước họng súng của quân thù. Những khu vườn của mẹ, những căn hầm đã nuôi giấu cán bộ, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
Nhà điêu khắc Phạm Hồng (quê Hà Nội, hiện sống tại Đà Nẵng) kể, những năm 1969 - 1972, ông cùng với nhiều cán bộ, chiến sĩ trong Tiểu ban văn nghệ Khu 5 có những chuyến đi về vùng Quảng Đà và cũng có nhiều thước phim về vùng Đông Thăng Bình, về Bình Dương.
“Tư liệu chiến tranh bị mất rất nhiều do điều kiện đạn bom khắc nghiệt, chỉ còn rất ít. Chúng tôi sẽ lục lại tư liệu này trao tặng xã Bình Dương để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương cho các thế hệ mai sau” - nhà điêu khắc Phạm Hồng nói.