(QNO) - Với nhiều hoạt động và nghi thức truyền thống, thông qua lễ cưới, đồng bào Cơ Tu tin rằng sẽ ngày càng thắt chặt hơn tình nghĩa, sự kết nối giữa hai bên gia đình và cộng đồng làng vùng cao...
Cư trú lâu đời ở các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Nam, lễ cưới của người Cơ Tu được xem là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, thể hiện mối quan hệ cộng đồng bền chặt. Bởi người Cơ Tu quan niệm, hôn nhân không chỉ là sự gắn bó giữa hai cá nhân mà còn là sự kết nối giữa hai dòng họ và cộng đồng làng bản.
Vì thế, lễ cưới của người Cơ Tu thường được tổ chức rất trang trọng và mang đậm yếu tố nghi lễ truyền thống. Người Cơ Tu có hai kiểu lễ cưới thường thấy gồm: lễ cưới cơ bản (bhiệc êp) và lễ cưới có đâm trâu (bhiệc dal).
Trước khi cưới, nhà trai sang nhà gái để dạm hỏi, thưa chuyện rồi chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức. Lễ cưới thường diễn ra tại nhà trai, thu hút sự tham gia của cộng đồng hai làng.
Lễ vật thường bao gồm các sản vật như rượu cần, heo, gà, thổ cẩm và trang sức truyền thống được hai bên gia đình trao tặng nhau. Mỗi lễ vật đều mang ý nghĩa riêng, thể hiện lòng thành kính và sự tôn trọng giữa hai bên gia đình.
Trong ngày cưới, tiếng cồng chiêng vang lên, điệu múa tân tung - da dá hòa cùng sắc màu thổ cẩm tạo nên không khí tưng bừng, ấm áp của cộng đồng vùng cao.
[VIDEO] - Lễ cưới truyền thống của đồng bào Cơ Tu:
Ông Alăng Bê (ở thôn Bhlô Bền, xã Sông Kôn, Đông Giang) cho biết, lễ cưới của người Cơ Tu không chỉ là sự kiện cá nhân mà còn là ngày hội của cả cộng đồng, nơi lưu giữ và truyền lại các giá trị văn hóa truyền thống.
"Dù ngày nay có nhiều nét hiện đại được lồng ghép, nhưng tinh thần cộng đồng và bản sắc văn hóa dân tộc vẫn được người Cơ Tu gìn giữ và trân trọng trong từng lễ cưới" - ông Bê chia sẻ.