Vì sự hài lòng của người dân

ĐOÀN ĐẠO 24/06/2014 08:59

Đầu tư đồng bộ về nhân lực, công nghệ thông tin, trang thiết bị hiện đại... đã mang đến hiệu quả cao trong công việc ở Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của huyện Điện Bàn (Bộ phận “Một cửa”). Người dân cảm thấy hài lòng vì dịch vụ thuận tiện, đỡ tốn chi phí và thời gian khi đến giao dịch.

Bộ phận “Một cửa” Điện Bàn đáp ứng sự hài lòng từ phía người dân nhờ đầu tư nhiều thiết bị, công nghệ hiện đại trong công việc.
Bộ phận “Một cửa” Điện Bàn đáp ứng sự hài lòng từ phía người dân nhờ đầu tư nhiều thiết bị, công nghệ hiện đại trong công việc.

Phục vụ tốt

Lần thứ 5 đến giao dịch tại Bộ phận “Một cửa” ở Văn phòng UBND huyện Điện Bàn, chị Nguyễn Thị Thảo (xã Điện Nam Bắc) đã quen với các trình tự nộp hồ sơ. Nhanh chóng tiến đến máy xếp hàng tự động bấm lấy số thứ tự, chị Thảo đến ngồi ở dãy ghế chờ đến lượt mình. “Lên “Một cửa” bây giờ không còn cảnh chen nhau để nộp hồ sơ vì việc bốc số thứ tự đã tạo công bằng cho tất cả mọi người” - chị Thảo nói. Khoảng 10 phút sau, theo thông báo phát qua loa từ thiết bị tự động đọc số thứ tự, chị Thảo đến bàn giao dịch số 2 để giải quyết hồ sơ về lĩnh vực đất đai. Nhanh chóng tiếp nhận giấy tờ từ chị Thảo, cán bộ phụ trách lĩnh vực đất đai kiểm tra hồ sơ, in giấy biên nhận, phiếu hẹn. Thông tin hồ sơ của chị Thảo được nhập vào phần mềm quản lý để làm cơ sở quản lý hồ sơ một cách chính xác, tốt nhất. Cầm trên tay phiếu hẹn có ghi đầy đủ thông tin về ngày nhận hồ sơ, địa chỉ website, điện thoại để công dân tự kiểm tra quá trình xử lý hồ sơ, chị Thảo vui vẻ nói: “Giờ thì về nhà và đợi đến ngày nhận tin nhắn SMS báo kết quả là lên nhận lại hồ sơ. Chẳng cần tốn công chạy đi chạy lại hỏi kết quả như xưa nữa, thuận tiện thật”.

Không riêng gì chị Thảo, người dân Điện Bàn và các địa phương khác khi đến Bộ phận “Một cửa” huyện giao dịch đều cảm thấy hài lòng với chất lượng phục vụ của đơn vị. Tại bộ phận, các quy trình thủ tục hành chính đều được niêm yết công khai, rõ ràng để nhân dân tiện theo dõi. Phòng còn trang bị 2 màn hình cảm ứng kết nối internet để người đến giao dịch tự tra cứu thông tin quá trình xử lý hồ sơ và các vấn đề liên quan. Từ TP.Đà Nẵng vào làm hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tách thửa cho mẹ ruột, ông Nguyễn Cảnh khá ngạc nhiên vì thái độ phục vụ và quy trình làm việc ở đơn vị này. Ông bảo: “Phòng trang bị máy lạnh, ti vi, nước uống và khá sạch sẽ nên tôi cảm tưởng như đang giao dịch tại các thành phố lớn. Đáng nói, sự chuyên nghiệp trong quá trình làm việc của các cán bộ nơi đây làm tôi hài lòng nhất. Từ khâu tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và giao phiếu hẹn cho trường hợp của tôi chỉ mất 15 phút”. Ông Cảnh còn chia sẻ, dù sống ở TP.Đà Nẵng nhưng ông rất yên tâm vì có thể theo dõi quá trình xử lý hồ sơ của mình khi tra cứu từ trang thông tin điện tử của Bộ phận “Một cửa” Điện Bàn. Hồ sơ hoàn tất sẽ được thông báo qua dịch vụ tin nhắn SMS, ông không phải mất công chạy đi chạy lại.

Quản lý chặt

Ông Phan Minh Lê - Trưởng Bộ phận “Một cửa” Điện Bàn cho biết: “Thuận lợi lớn nhất của đơn vị là sự quan tâm của lãnh đạo UBND huyện khi trang bị cơ sở vật chất khá đầy đủ, hiện đại như phần mềm quản lý, màn hình cảm ứng tra cứu thông tin, máy xếp hàng tự động... nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân. Ngoài ra, cán bộ “Một cửa” huyện đều có trình độ chuyên môn phù hợp với từng lĩnh vực phụ trách, cả 6 chuyên viên của bộ phận đều có trình độ đại học”. Theo ông Lê, gần như các công đoạn xử lý tiếp nhận hay giao trả hồ sơ tại đơn vị đều thực hiện bằng các thiết bị chuyên dụng, áp dụng công nghệ thông tin nên rút gọn khá nhiều thời gian. Chính vậy, dù bình quân mỗi ngày phải tiếp nhận, trả hồ sơ hàng chục trường hợp, Bộ phận “Một cửa” huyện đều hoàn thành. Riêng trong năm 2013, Bộ phận “Một cửa” huyện đã giải quyết tổng số 10.118 hồ sơ trên nhiều lĩnh vực.

Cán bộ “Một cửa” Điện Bàn trực tiếp hướng dẫn công dân kê khai hồ sơ.  Ảnh: ĐOÀN ĐẠO
Cán bộ “Một cửa” Điện Bàn trực tiếp hướng dẫn công dân kê khai hồ sơ. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO

“Hiện nay, Điện Bàn thực hiện theo hướng “hành chính phục vụ” trong giải quyết thủ tục hành chính nên công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc thông báo giải quyết thủ tục hành chính qua SMS, qua điện thoại và trang điện tử của Bộ phận “Một cửa” hoặc qua tổng đài tin nhắn 8062 đã giảm chi phí, thời gian đi lại cho công dân, tổ chức. Ngoài ra, việc tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ giữa các phòng ban chuyên môn được quản lý trên phần mềm, qua đó khi phát hiện hồ sơ tồn đọng, trễ hẹn ở phòng ban nào, do cán bộ nào xử lý thì chúng tôi sẽ đôn đốc, nhắc nhở ngay. Chính vì thế, bước đầu Bộ phận “Một cửa” đều làm hài lòng các tổ chức, công dân đến giao dịch” - ông Nguyễn Đức Tuy, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Điện Bàn nói. Cũng theo ông Tuy, thành công trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính còn nhờ vào sự quản lý chặt chẽ. Ông Tuy cho biết: “UBND huyện quản lý công tác giải quyết thủ tục hành chính rất sát sao. Hằng tuần, Bộ phận “Một cửa” phải có báo cáo cụ thể về số lượng hồ sơ trễ hẹn, tên cán bộ thụ lý làm trễ hẹn. Nếu cán bộ thụ lý nào làm trễ hẹn hồ sơ của công dân, tổ chức nhiều lần thì UBND huyện sẽ có hình thức kỷ luật. Nhờ đó mà từ tháng 9.2013 đến nay tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn đã giảm xuống còn 3 - 4% so với mức hơn 20% trước kia”.

ĐOÀN ĐẠO

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vì sự hài lòng của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO