Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu hợp sức phòng chống dịch bệnh càng thêm lan tỏa y đức, trách nhiệm của thầy thuốc vì sức khỏe cộng đồng...
NHỮNG “CHIẾN SĨ” TRONG MÙA DỊCH
Biên giới mùa này, sương núi giăng mờ khắp các lối mòn. Thấp thoáng trong màn sương các lều trại của chiến sĩ biên phòng và bác sĩ địa phương ngày đêm làm nhiệm vụ kiểm soát, thầm lặng chống dịch giữa rừng
Gần như, không có ngày nào bác sĩ Nguyễn Huy Thông và cán bộ của Trung tâm Y tế huyện Tây Giang được nghỉ. Dịch Covid-19 đang ngày càng phức tạp, họ “căng mình” trong nhiệm vụ phòng chống. Hết theo dõi, giám sát bệnh nhân nghi ngờ tại chỗ, đội ngũ nhân lực Trung tâm Y tế Tây Giang lại tức tốc lên biên giới - nơi gần một tháng nay, họ cùng lực lượng liên ngành tổ chức chốt chặn, kiểm soát, khám sàng lọc sức khỏe y tế cho người dân giáp biên.
Gieo niềm tin
Vừa trở về, thì lại đi. Bác sĩ Nguyễn Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang nói, làm nhiệm vụ mùa dịch Covid-19 vô cùng căng thẳng. Bởi mỗi lần đi, lại thêm phần lo khi chứng kiến những thiếu thốn, nhất là tâm lý chủ quan của không ít đồng bào miền núi. Vậy là đi tuyên truyền. Lần lượt từ cán bộ xã, cán bộ thôn, rồi về tận nhà, nói cho bà con nghe. Tài liệu, nhiều khi chỉ bằng những thông tin dịch bệnh mới nhất, cách phòng ngừa hiệu quả nhất được cập nhật, khuyến cáo bà con làm theo. “Phải làm để bà con tin, chớ nói không, đôi khi không hiệu quả lắm. Mình đi thực tế, hướng dẫn cụ thể để bà con làm theo” - bác sĩ Thông chia sẻ.
“Phải làm để bà con tin, chớ nói không, đôi khi không hiệu quả lắm. Mình đi thực tế, hướng dẫn cụ thể để bà con làm theo”
(Bác sĩ Nguyễn Huy Thông chia sẻ về công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh)
Gần một tháng nay, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, bác sĩ Thông cùng các cộng sự của mình vẫn miệt mài ngược núi, làm nhiệm vụ hỗ trợ đồng bào cách phòng tránh, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và đội ngũ y, bác sĩ làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới. Không chỉ tuyên truyền miệng, mà cả chú trọng hình ảnh minh họa trực quan về dịch bệnh cùng nội dung khuyến cáo về mức độ nguy hiểm để đồng bào hiểu.
Thế nhưng, việc tuyên truyền này không thể nói qua theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” mà phải mưa dầm thấm lâu. Trong thời gian ngắn, đã có rất nhiều chuyến tuyên truyền về cơ sở. Công sức của họ, cuối cùng được đền đáp bằng những cái gật đầu, bằng nụ cười và cả những bước chân tìm đến trạm y tế xã, trạm kiểm soát y tế cửa khẩu để thăm khám, đo thân nhiệt.
Bác sĩ Nguyễn Huy Thông nói, dù đến nay, địa phương chưa phát hiện ca bệnh dương tính nào, nhưng mối lo vẫn cứ đan xen trong lòng. Đã có vài trường hợp được theo dõi sức khỏe y tế, cẩn trọng mọi phần việc theo quy trình khi có biểu hiện ho, sốt. Nay cũng đã có bệnh nhân được xuất viện, có bệnh nhân vẫn đang tiếp tục giám sát, theo dõi, do có yếu tố trở về từ vùng dịch tễ. Từ sự phối hợp chặt chẽ phía chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng đã giúp quá trình kiểm tra, giám sát thêm hiệu quả. Rõ nét nhất là hạn chế được tình trạng thăm thân, qua lại giữa đồng bào hai bên biên giới như thời điểm trước đây.
“Vừa qua, từ việc phối hợp, chúng tôi biết được có một gia đình ở địa phương chuẩn bị trở về từ Vĩnh Phúc. Qua kết nối và làm công tác tư tưởng, gia đình này đã tích cực hợp tác với đơn vị, sau đó tự cách ly tại nhà. Hiện công tác theo dõi, giám sát được tiếp tục tiến hành nghiêm ngặt, đảm bảo theo quy trình hiện nay” - bác sĩ Thông nói.
Không chủ quan
Mùa dịch, là phải theo dịch, nhưng không vì thế mà “ngó lơ” nhiệm vụ khác. Tất cả mọi việc đều vẫn thực hiện một cách rất bình thường như thời điểm trước khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện. Theo bác sĩ Nguyễn Huy Thông, ngoài cán bộ quân y biên phòng, toàn bộ lực lượng làm nhiệm vụ tại trạm kiểm soát đều được trưng dụng từ Trạm Y tế xã Ch’Ơm. Các y, bác sĩ tại đây đã được tập huấn về các quy trình trong công tác phòng chống dịch, phân công trực 24/24 giờ trên khu vực biên giới.
Bác sĩ Thông kể, nơi trạm kiểm tra sức khỏe y tế được đặt tại lối mòn cặp Cửa khẩu phụ Tây Giang - Kà Lừm, thỉnh thoảng lại có vài người dân đến từ các cụm bản biên giới của Lào, chủ yếu là để xin giấy thông hành đến khám, cấp cứu bệnh nhân tại cơ sở y tế quân y tuyến biên giới. Theo chủ trương hỗ trợ bạn, nhưng vẫn phải làm tất cả quy trình phòng dịch, từ đo thân nhiệt, khám sàng lọc sức khỏe cho đến việc cách ly, theo dõi trong trường hợp cần thiết. Toàn bộ công tác thăm khám sức khỏe, đo thân nhiệt đều được tiến hành ngay tại trạm kiểm soát, vì thế tránh phải di chuyển vào địa phận.
Bác sĩ Clâu Hín - Trạm trưởng Trạm Y tế Ch’Ơm chia sẻ, khoảng một tháng nay, gần như ngày nào anh cũng đều có mặt tại trạm kiểm soát. Mọi công tác sinh hoạt, ăn ở đều được bố trí tại chỗ, đảm bảo nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh. Vì thế, không một ai dám lơ là, tất cả phải “căng mình” dù thời điểm này vùng cao đang vào mùa rét. Vừa phải lo nhiệm vụ, vừa động viên gia đình, người thân, bác sĩ Hín nói, nhiều lúc các anh phải “đóng nhiều vai”, nên cũng khá áp lực. Nhưng may thay, sau những lần động viên, người thân trong gia đình dần hiểu, giúp anh yên tâm với công việc chống dịch.
“Vì bà con miền núi, vì sức khỏe cộng đồng, dù có khó khăn đến mấy, anh em chúng tôi cũng sẽ hết mình với công việc, mong sao mọi chuyện sẽ ổn” - bác sĩ Hín tâm sự.
TRÊN MẶT TRẬN PHÒNG DỊCH
Kể từ ngày dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh và lây lan đến nhiều nước trên thế giới, công tác phòng chống dịch bệnh trở thành nhiệm vụ cấp bách của đội ngũ y bác sĩ. Với Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Quảng Nam (CDC), đây trở thành nhiệm vụ hàng đầu từ trước Tết Nguyên đán đến nay.
Với chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ về phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, CDC Quảng Nam liên tục trực chiến từ trước Tết Nguyên đán để cùng với toàn tỉnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc CDC Quảng Nam cho hay, từ 29 Tết, khi dịch bệnh bắt đầu lây nhiễm nhanh tại Trung Quốc và trở thành mối nguy hiểm, CDC Quảng Nam bắt đầu hành trình trực chiến phòng, chống dịch bệnh.
“Trong dịp tết, toàn bộ cán bộ, y bác sĩ của trung tâm phải thay nhau túc trực, liên tục trong tình thế sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Trong tết, xuất hiện nữ sinh nghi nhiễm Covid-19 về từ Vũ Hán phải cách ly, tình thế trở nên căng thẳng. May là nữ sinh đó không có vấn đề gì, nhưng tinh thần chung là phải luôn luôn cảnh giác cao độ với mọi tình huống phát sinh. Từ đó đến nay, trung tâm thường xuyên cắt cử nhân viên có mặt tại mọi cửa ngõ của tỉnh để kiểm soát dịch bệnh” - ông Kiệm nói.
Tất cả các cửa ngõ của tỉnh gồm đường hàng không, đường thủy, đường bộ đến nay đều có nhân viên của CDC Quảng Nam túc trực để cùng với các đơn vị phòng dịch bệnh Covid-19. Bởi nói như ông Kiệm, đây là lần đầu tiên mọi người ứng phó với dịch bệnh mới, nên khó có thể làm đúng ngay từ đầu tất cả khâu phòng, chống dịch bệnh được. Vì vậy, lãnh đạo CDC Quảng Nam luôn nhắc nhở toàn bộ đội ngũ y bác sĩ, nhân viên nêu cao tinh thần cảnh giác, thận trọng trong mọi tình huống, tinh thần phòng chống luôn ở mức cao nhất để kiểm soát được ở những cửa ngõ quan trọng của tỉnh.
Từ Cảng vụ Hàng không sân bay Chu Lai đến Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam, ra tận cột mốc biên giới trên biển cách bờ biển hơn 20 hải lý, ngược lên vùng biên ải xa xôi ở cửa khẩu biên giới với Lào - cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc đều có người của CDC Quảng Nam túc trực, phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm soát phòng bệnh. Các biện pháp kiểm soát người và phương tiện đi lại, tổ chức khám sàng lọc sức khỏe y tế, đo thân nhiệt, kiểm tra lịch trình đi lại đối với tất cả hành khách đi qua khu vực biên giới, qua cảng hàng không, tàu ra vào cảng biển... đều được thực hiện chặt chẽ.
Ngoài nhiệm vụ trực tiếp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh nhằm nâng cao ý thức cho người dân cũng rất cần thiết. Liên tục trên trang web chính thống của CDC Quảng Nam, các thông tin về dịch bệnh Covid-19 được cập nhật công khai, minh bạch, cung cấp thông tin chính xác trên thế giới cũng như trong nước để người dân nắm rõ, tránh hoang mang trước quá nhiều thông tin trên mạng xã hội. Những khuyến cáo phòng tránh dịch bệnh như rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang đúng cách, tránh tập trung nơi đông người, không chia sẻ và tung tin thất thiệt về dịch bệnh... được CDC Quảng Nam hướng dẫn cho người dân một cách kịp thời nhất.
Trong tình hình hiện nay, dịch bệnh đang lây lan rộng trên toàn thế giới, đặc biệt những điểm nóng của dịch bệnh đã mở rộng đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý... thì việc kiểm soát dịch bệnh càng thêm bức thiết. Quảng Nam là tỉnh có sự đầu tư công nghiệp lớn từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, cũng như có lao động, học sinh đi làm việc, học tập ở hai nước này khá đông. Thế nên việc lao động đến, trở về từ Hàn Quốc, Nhật Bản phải được kiểm soát chặt chẽ. CDC Quảng Nam xác định luôn trong tâm thế chủ động, phối hợp với các đơn vị khác trong toàn tỉnh làm tốt nhất công tác phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp hơn.
KIỆN TOÀN HỆ THỐNG TỔ CHỨC Y TẾ
Việc kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy theo Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã được thực hiện quyết liệt tại Quảng Nam.
Xây dựng ngành y tế khoa học
Tháng 10.2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ra Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Trên cơ sở đó, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3427/QĐ-UBND ngày 13.11.2018 về việc kiện toàn, sắp xếp hệ thống tổ chức y tế tỉnh. Mục đích thực hiện chủ trương cải cách hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn - hiệu lực - hiệu quả, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong quản lý nhà nước, kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành và lãnh thổ theo quy định của pháp luật.
Theo Sở Y tế, nguyên tắc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tổ chức tinh giản biên chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả trên tinh thần xây dựng ngành y tế tỉnh khoa học và đại chúng, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đây cũng là bước đi hiệu quả, tính toán phù hợp về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, sau khi kiện toàn, sắp xếp, ngành y tế đã giảm được 33 đơn vị và tổ chức bên trong, giảm 4 công chức và 93 viên chức. Đặc biệt, sau khi sắp xếp, kiện toàn đã giảm người làm việc tại các vị trí lãnh đạo, quản lý, hỗ trợ, phục vụ, tăng số người làm việc tại các vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ nhằm tập trung nguồn nhân lực cho công tác chuyên môn. Công tác tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa của việc tinh gọn bộ máy được triển khai, phổ biến sâu rộng đến từng công chức, viên chức và người lao động để ổn định tư tưởng và an tâm công tác. Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động sau khi sắp xếp, kiện toàn đúng quy định và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Quyết liệt triển khai
Theo ông Nguyễn Văn Văn, hầu hết nội dung đều được triển khai thực hiện có hiệu quả. Đầu tiên, đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em được kiện toàn. Bởi đội ngũ này đông, hiệu quả hoạt động chưa cao và có sự chồng chéo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Sau khi có quyết định sắp xếp lại thôn, bản, tổ dân phố, thì mỗi tổ dân phố có 1 nhân viên, mỗi thôn, bản có 2 nhân viên thực hiện cả 3 nhiệm vụ cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em, y tế thôn bản. Sau sắp xếp, số lượng đã giảm từ 4.361 người xuống 3.000 người.
Đối với các trạm y tế xã, phường, thị trấn, khi có phòng khám đa khoa khu vực đóng trên địa bàn xã, phường, thị trấn đó thì sáp nhập trạm y tế vào phòng khám đa khoa khu vực. Cụ thể, sau khi sáp nhập có 8 phòng khám đa khoa khu vực có trạm y tế, gồm Tân Hiệp (Hội An), Phước Chánh (Phước Sơn), Việt An (Hiệp Đức), A Xan (Tây Giang), Chà Vàl (Nam Giang), Trà Giáp (Bắc Trà My), Vùng A (Đại Lộc), Đông Quế Sơn (Quế Sơn).
Có 3 phòng khám đa khoa khu vực không phát huy hiệu quả đã được giải thể, giữ nguyên và bàn giao về các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố quản lý theo đúng quy định và chuyển thành đơn nguyên điều trị nội trú. Các trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện, thị xã, thành phố được sáp nhập vào trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị gồm Trung tâm Y tế Dự phòng, Trung tâm Phòng chống sốt rét - bướu cổ, Trung tâm Truyền thông - giáo dục sức khỏe, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản. Hiện nay, tỉnh đã có Bệnh viện Da liễu trên cơ sở nâng cấp Trung tâm Da liễu; thành lập Bệnh viện Phụ sản - Nhi trên cơ sở tổ chức lại Bệnh viện Nhi. Ngoài ra, bộ phận kiểm nghiệm thực phẩm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh được sáp nhập vào Trung tâm Kiểm nghiệm thành Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm.
Sở Y tế đã nhận bàn giao nhiệm vụ chuyên môn của Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ thuộc Ban Tổ chức Tỉnh ủy về Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Tại Sở Y tế, Văn phòng Sở sáp nhập vào phòng Tổ chức cán bộ thành phòng Tổ chức - Hành chính, giải thể phòng Quản lý Hành nghề y dược tư nhân - bảo hiểm Y tế và giao chức năng nhiệm vụ cho phòng Nghiệp vụ Y, nghiệp vụ dược.