(QNO) - Ngày càng có nhiều du khách quốc tế đến Việt Nam, bên cạnh thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc cổ kính, những đảo đá vôi, ẩm thực…, họ còn tìm đến các dịch vụ du lịch y tế.
Mười năm qua, châu Á trở thành điểm đến du lịch y tế yêu thích của nhiều người từ khắp nơi trên thế giới. Trong đó, du lịch y tế hay dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nha khoa và phẫu thuật thẫm mỹ, là một phần của ngành công nghiệp du lịch y tế mới nhất của khu vực châu Á.
Nếu như năm 2010, du lịch Việt Nam đón 5 triệu lượt khách quốc tế thì đến năm 2019 ước đạt 17,5 - 18 triệu lượt. Theo các chuyên gia phân tích, sự ổn định chính trị của Việt Nam, sự cải thiện chi phí chăm sóc sức khỏe mang tính cạnh tranh, một số loại dược phẩm tương đối chất lượng, nền y học cổ truyền lâu đời là những yếu tố chính thúc đẩy xu hướng phát triển du lịch y tế tại Việt Nam.
Ví dụ: chi phí nha khoa ở Việt Nam chỉ bằng 1/10 so với ở Bắc Mỹ. Hay so với ở các nước phát triển nói chung, chi phí cho các thủ tục liên quan đến nha khoa ở Việt Nam thấp hơn 50%. Đáng nói là chất lượng dịch vụ, kỹ năng bác sĩ và thiết bị kỹ thuật tại Việt Nam cũng được đánh giá cao.
Với xu hướng tích cực này, Việt Nam có thể tham gia câu lạc bộ du lịch y tế đang bùng nổ cùng với nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Đài Loan...
Tương tự, Postmedia - mạng lưới nhật báo lớn nhất Canada số ra tháng 10 vừa qua cho biết, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch y tế ở Việt Nam đang phát triển.
Nếu như mỗi năm, người Việt Nam đang chi hàng tỷ USD để ra nước ngoài khám, chữa bệnh thì hàng chục nghìn du khách quốc tế đến Việt Nam, kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng, khám và điều trị y tế.
Theo Vietnamnet, năm 2017, Việt Nam thu hút khoảng 80.000 khách du lịch nước ngoài, những người đã chi 2 tỷ USD để kiểm tra sức khỏe và điều trị y tế. Chỉ riêng TP.Hồ Chí Minh đón gần 40.000 khách du lịch y tế. Hàng năm, ngành y tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 18 - 20%.
Công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc nhận định Việt Nam đang nổi lên như một nhân tố chủ chốt trong ngành du lịch y tế của Đông Nam Á nói riêng, khu vực châu Á nói chung.
Công ty nghiên cứu thị trường Zion khẳng định, du lịch y tế tạo ra ít nhất một phần ba doanh thu của nhiều bệnh viện tư nhân ở các nước Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương là thị trường du lịch y tế lớn nhất thế giới vào năm 2017.
Ralf Matthaes - nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Infocus Mekong Research tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, nha khoa Việt Nam đang thu hút khách du lịch đến từ Australia. Một số nha sĩ đã học ở nước ngoài và trở về Việt Nam để làm việc và trong số các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có người Hàn Quốc thường trú ở Việt Nam. Do đó, Việt Nam còn nhiều việc phải làm để đánh thức tiềm năng du lịch y tế của mình.