Thế giới

Việt Nam hướng tới nền nông nghiệp bền vững

QUỐC HƯNG 24/04/2024 09:29

(QNO) - Việc sử dụng ít nước hơn so với canh tác truyền thống và máy bay không người lái hoạt động trên cánh đồng là những kỹ thuật mới mà ông Nguyễn Văn Vân ở tỉnh Long An đang áp dụng để sản xuất lúa gạo an toàn và bền vững.

vn1.jpg
Cánh đồng lúa của nông dân Nguyễn Văn Vân sử dụng máy bay không người lái phun phân bón. Ảnh: AP

Hãng tin AP (Mỹ) số ra ngày 23/4 có bài viết về việc nông dân Việt Nam giảm phát thải khí mê-tan bằng cách sử dụng công nghệ, thay đổi mô hình canh tác truyền thống đối với lúa - loại cây trồng không chỉ dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu mà còn góp phần gây ra biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) năm 2023, sản xuất lúa gạo trên toàn cầu đóng góp 8% tổng lượng khí mê-tan do con người thải vào khí quyển.

Ông Nguyễn Văn Vân làm việc với một trong những nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam - Tập đoàn Lộc Trời trong hai năm qua và đang sử dụng phương pháp tưới tiêu mới gọi là làm ướt và làm khô luân phiên (alternate wetting and drying - AWD). Phương pháp AWD cần ít nước hơn so với canh tác truyền thống vì ruộng lúa không bị ngập liên tục và cũng tạo ra ít khí mê-tan hơn.

Bên cạnh đó, ông Vân sử dụng máy bay không người lái để bón phân, giúp tiết kiệm chi phí lao động. Hơn nữa, công nghệ này giúp đảm bảo lượng phân bón chính xác, cần thiết cho cây lúa. Thực tế, quá nhiều phân bón cho cây trồng không những gây lãng phí mà khiến đất giải phóng khí ni-tơ làm trái đất nóng lên.

Sau khi thu hoạch xong vụ mùa, ông Vân không đốt rơm rạ như trước đây thường gây ô nhiễm không khí. Thay vào đó, Tập đoàn Lộc Trời thu thập rơm rạ để bán cho các công ty khác sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và trồng nấm rơm.

Bên cạnh giảm chi phí sản xuất, gia tăng sản lượng, việc sử dụng phân bón hữu cơ giúp ông Vân có thể bán được gạo sang thị trường châu Âu - nơi khách hàng sẵn sàng trả giá cao cho gạo hữu cơ.

Ông Nguyễn Duy Thuận - Giám đốc điều hành Tập đoàn Lộc Trời cho biết, những phương pháp canh tác mới giúp nông dân sử dụng ít hơn 40% sản lượng hạt lúa giống và tiết kiệm 30% lượng nước. Chi phí thuốc trừ sâu, phân bón và lao động cũng thấp hơn.

Do đó, Lộc Trời - nơi xuất khẩu gạo sang hơn 40 quốc gia bao gồm thị trường châu Âu, châu Phi, Mỹ và Nhật Bản đang hợp tác với nông dân khu vực để mở rộng diện tích bằng phương pháp mới từ 100ha hiện tại lên 300.000ha.

Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất gạo chất lượng cao, ít phát thải trên 1 triệu héc ta đất nông nghiệp vào năm 2030, giảm chi phí sản xuất 1/5 và tăng lợi nhuận của nông dân lên hơn 600 triệu USD.

Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hằng năm của Liên hiệp quốc diễn ra ở thành phố Glasgow của Scotland vào năm 2021, Việt Nam ký cam kết giảm lượng khí thải mê-tan.

Việt Nam hiện là quốc gia có sản lượng xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo với kim ngạch 4,67 tỷ USD. Gạo chính là sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Việt Nam hướng tới nền nông nghiệp bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO