Tín dụng chính sách ở Quảng Nam đã giúp người dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống.
Đòn bẩy từ Nghị quyết số 11
Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hàng nghìn hộ dân, đặc biệt là hộ nghèo, khó khăn đã tiếp cận vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Quảng Nam để sản xuất, kinh doanh, xây nhà ở ổn định, vươn lên trong cuộc sống.
Đến ngày 31/12/2023, tổng dư nợ cho vay theo Nghị quyết số 11 của Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam đạt gần 853 tỷ đồng với 10.871 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, cho vay học sinh sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến đạt 7,258 tỷ đồng, cho vay nhà ở xã hội đạt 318,248 tỷ đồng, cho vay hỗ trợ tạo việc làm đạt 410 tỷ đồng, cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt hơn 2,1 tỷ đồng… Đến ngày 31/12/2023, đã hỗ trợ lãi suất 2% với tổng số tiền 62,475 tỷ đồng.
Năm 2022, bà Bùi Thị Thiện (thôn Tú Trà, xã Bình Chánh, Thăng Bình) vay 100 triệu đồng theo Nghị quyết số 11 ở Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thăng Bình để đầu tư làm chuồng và nuôi 6 con bò 3B.
Bà Thiện tận dụng 7 sào ruộng vừa canh tác lúa vừa trồng cỏ nuôi bò. Nhờ nuôi bò đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc tốt, tiêm phòng, thú y và vệ sinh đảm bảo, đàn bò của bà Thiện lớn nhanh.
“Cứ 12 tháng nuôi bò 3B thì bán được, mỗi con lãi 15 triệu đồng. Từ vốn tích lũy được tôi sẽ mờ rộng quy mô nuôi bò 3B để tăng thêm thu nhập” - bà Thiện nói.
Ông Nguyễn Trần Minh Đức - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Thăng Bình cho biết, tổng nguồn vốn cho vay theo Nghị quyết số 11 tại địa phương đến nay hơn 98 tỷ đồng.
Trong đó, cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 56,5 tỷ đồng; cho vay đầu tư nhà ở hơn 39,6 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính học tập gần 1,5 tỷ đồng và cho vay cơ sở mầm non ngoài công lập 354 triệu đồng.
Trong 2 năm 2022 - 2023, trên địa bàn Tam Kỳ đã thực hiện giải ngân 3 chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11 đạt hơn 130 tỷ đồng với hơn 2.300 khách hàng.
Trong đó, cho vay nhà ở xã hội có dư nợ hơn 102,8 tỷ đồng với 238 khách hàng; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm có dư nợ 27 tỷ đồng với 675 lao động được vay vốn; cho vay cơ sở mầm non, tiểu học ngoài công lập có dư nợ 374 triệu đồng với 7 cơ sở mầm non được tiếp cận vốn. Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% được thực hiện kịp thời, công khai minh bạch với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng.
Tiếp tục cho vay phát triển kinh tế
Ngoài triển khai cho vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam đã thực hiện cho vay nhiều chương trình khác như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, cho vay về nông thôn mới… đạt dư nợ 7,4 nghìn tỷ đồng (tỷ lệ tăng trưởng 15%) với 141.868 khách hàng còn dư nợ.
Ông Lê Hùng Lam - Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam chia sẻ, trong quá trình thực hiện, đơn vị định hướng và chỉ đạo hoạt động đầu tư tín dụng chính sách trọng tâm, trọng điểm, tập trung ưu tiên cho vay các xã khu vực nông thôn, có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ cho sản xuất, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Tiếp tục triển khai tín dụng chính sách trong năm 2024, ông Hoàng Thanh Lân - Trưởng phòng Kế hoạch - nghiệp vụ tín dụng (Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam) cho biết, kế hoạch tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ tín dụng 8 - 10% (đạt dư nợ 8 nghìn tỷ đồng) với mục đích đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, chính sách phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam kiên quyết giữ vững và duy trì chất lượng tín dụng ổn định, bền vững.
“Mong cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, quan tâm bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang ngân hàng chính sách để bổ sung nguồn vốn cho vay được kịp thời” - ông Lân nói.
Theo Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam, để nguồn vốn chính sách được sử dụng hiệu quả trong năm 2024, giúp hộ nghèo, chính sách thoát nghèo, vươn lên làm giàu..., chính quyền các cấp cần lồng ghép tín dụng chính sách với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, gắn kết các chương trình tín dụng chính sách với hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ, các chương trình khuyến nông, đào tạo nghề, chương trình phát triển các sản phẩm OCOP, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn; nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình.