Cuộc sống thường ngày

Vọng tên làng biển

VIỆT NGUYỄN 04/06/2024 09:39

Những cái tên Đông Xuân, Sâm Linh Đông, Sâm Linh Tây... không chỉ là tên làng. Đó là hành trình thăng trầm của vùng đất qua bao dâu bể thời gian.

ong-binh.jpg
Ông Phan Thanh Bình kể về làng Đông Xuân gắn bó với nghề câu mực khơi. Ảnh: Q.VIỆT

Từ tên làng Đông Xuân

Căn cứ vào kết quả khai quật khảo cổ học những năm 1981 - 1983, tại thôn Đông Xuân (xã Tam Giang, Núi Thành) có di chỉ khu mộ Chum thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh thời tiền sử. Vùng đất Đông Xuân từ xa xưa đã có người đến sinh sống.

Qua khai quật khảo cổ, dưới nền đất đào sâu 2 - 4m ở Đông Xuân có nhiều vỏ nghêu, sò, ốc, hến và các cây bần, mắm, chứng tỏ nơi đây trước kia là vùng nước mênh mông. Do quá trình biến động của tự nhiên đã hình thành cù lao ở Đông Xuân và từ đây nhiều người đã đến sinh sống, lập tên làng, tên đất duy trì đến nay.

Năm nay đã hơn 80 tuổi, ông Phan Thanh Bình ở thôn Đông Xuân cho biết, sử sách ghi lại vùng đất Đông Xuân trước đây có diện tích nhỏ bé. Các thế hệ khai sinh vùng đất đã nối tiếp nhau bền bỉ san gò, lấp vũng, nới sông cải tạo thành vùng đất trù phú.

Ông Bình kể nhiều câu chuyện lưu truyền, rằng các bậc đi trước đã kiên trì chở đất từ nơi khác về để lấp vũng, đắp đê, trồng rừng chống bão, tạo nên dải đất ven biển rộng lớn ngày nay.

Theo ông Bình, là vùng đất ven biển nên cộng đồng cư dân Đông Xuân tự nhiên sinh kế bằng nghề đánh bắt hải sản. Lưới cá chuồn là nghề truyền thống truyền đời này qua đời khác cho thấy tự ngày xa xưa, ngư dân làng Đông Xuân đã biết vươn khơi xa hàng chục hải lý để đánh bắt hải sản.

Phương tiện nghề cá ngày đó không vững chãi như bây giờ nhưng ngư dân có kinh nghiệm đọc thời tiết để tránh tai ương khi biển cả thất thường.

Năm 1989, trong một lần đi lưới cá chuồn, lúc nghỉ ngơi ông Bình buông câu thì nhận thấy mực xà rất hấu ăn, chỉ một đêm câu được đến hơn 100kg. Từ đó, ông bàn bạc với các ngư dân trong làng thử nghiệm đi câu mực khơi, nếu đạt sẽ dần dà thay thế nghề lưới cá chuồn.

Những năm 1990, ngư dân làng biển Đông Xuân đã đóng được tàu dài 15m, sử dụng máy công suất vài chục mã lực để khai thác mực khơi. Đến ngày nay, nhiều chuyến câu mực khơi 2 - 3 tháng của ngư dân địa phương thu được đến hơn 50 tấn mực khô, bán được 6 - 7 tỷ đồng, lãi 4 - 5 tỷ đồng.

“Cơ duyên đã giúp cộng đồng ngư dân Đông Xuân phát triển mạnh nghề câu mực khơi đến ngày nay. Chỉ có điều nghề này vất vả quá, không ít ngư dân của làng đã mãi nằm lại ở biển khơi. Chúng tôi trân quý và gìn giữ nghề câu mực khơi đã cưu mang bao thế hệ đến nay” - ông Bình nói.

Gìn giữ văn hóa làng

Vùng đất Đông Xuân vốn không được thiên nhiên ưu đãi. Bằng khát vọng cuộc sống, các thế hệ người dân Đông Xuân đã vượt khó đắp bồi, cơi nới vùng đất đến nay. Con người làng Đông Xuân ăn sóng nói gió, hồn hậu, hiền hòa.

nghe-cau-muc.jpg
Người dân Đông Xuân giữ gìn nghề câu mực khơi. Ảnh: Q.VIỆT

Cộng đồng cư dân Đông Xuân bao đời thăng trầm bên biển, vị mặn mà của biển đi cùng họ từ khi sinh ra, lớn lên, trưởng thành. Nhớ ơn biển, cộng đồng cư dân địa phương trang trọng tổ chức lễ hội cầu ngư hằng năm.

Sâm Riêng - tên làng luôn vang lên trong tiềm thức những ai gắn bó với vùng đất ven biển. Tên Sâm Riêng ngày nay không còn nữa và được thay thế bằng thôn Sâm Linh Đông và Sâm Linh Tây (xã Tam Quang, Núi Thành).

Đánh bắt hải sản bằng các nghề lưới vây, lưới chụp, câu mực khơi, lưới rê, cộng đồng cư dân Sâm Linh luôn biết ơn thần Nam Hải đã độ trì cho họ có được những chuyến biển an lành và đầy cá, mực.

Cứ đến ngày 16 tháng giêng là người dân 2 thôn Sâm Linh tề tựu bên nhau cùng lo lễ cầu ngư chu đáo, trang trọng. Đoàn tàu lớn của cộng đồng ngư dân ra cửa biển An Hòa tổ chức lễ nghinh Ông với nhạc tấu vàng rền, cờ hoa đủ sắc màu.

Khi rước Ông vào bờ, bên lăng Ông, lễ cúng linh thiêng diễn ra tuần tự các nghi thức trang nghiêm. Lễ hội cầu ngư là nét văn hóa truyền thống, ngư dân bày tỏ khát vọng được thuận buồm xuôi gió, biển lặng trời yên, cá, mực đầy khoang.

Các tên Đông Xuân, Sâm Linh Đông, Sâm Linh Tây không chỉ là tên làng mà còn là hành trình thăng trầm của vùng đất qua bao dâu bể thời gian. Tên làng là niềm tự hào từ trong tiềm thức, đó là chốn níu giữ tâm linh, phần sâu lắng của mỗi người, gợi nhắc nơi được sinh ra, lớn lên…

Những ai đi xa trở về làng đúng lúc lễ hội cầu ngư sẽ nhận ra đó là sợi dây bền chặt kết nối các thế hệ. Các bậc trưởng thượng qua lễ hội cầu ngư sẽ nhắc lại truyền thống lập làng, lập nghề với bao biến thiên thời gian, trao truyền lại để thế hệ trẻ tiếp thu, tiếp nối, kế thừa, gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, những trầm tích của vùng đất.

Các lễ hội cầu ngư gắn với tên làng Đông Xuân, Sâm Riêng ngày trước, Sâm Linh bây chừ biểu hiện tính cộng đồng sâu sắc, mọi người từ già đến trẻ cùng tụ hội lại, hòa hợp, đoàn kết biết ơn tổ tiên lập nên vùng đất, khai nghề đánh bắt hải sản và cùng ước vọng về an lành, phồn vinh làng, xã trường tồn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vọng tên làng biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO