Những ngày qua, nông dân làng rau Hưng Mỹ (xã Bình Triều, Thăng Bình) tất bật ra đồng sản xuất, đáp ứng nhu cầu nguồn cung dịp tết.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Lý (thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều) cần mẫn cắm tỉa cây giống cần tây trên những luống đất tơi xốp. Bà cho biết, loại cây này nếu thời tiết thuận lợi thì trồng khoảng 20 ngày là thu hoạch, lúc đó tết cũng cận kề.
Bên cạnh những luống rau cần tây, trong khu vườn rộng khoảng 2 sào của gia đình, bà Lý trồng nhiều loại rau chủ lực như cải bằng, cải bẹ, xà lách... để đáp ứng thị trường dịp tết. Sau những ngày mưa gió, thời tiết đang thuận lợi nên nỗi lo của bà Lý như đổ dồn về sự bấp bênh của thị trường.
Bà nói, bình thường đã lo lắng rồi, vụ tết thì càng nhấp nhổm hơn vì giá cả biến động khôn lường. “Có năm 100 nghìn đồng/chục không có bán, có năm chỉ còn 20 nghìn. Tết năm ngoái tạm ổn, còn năm nay không biết răng. Mình làm ở đây chứ phụ thuộc rau từ miền trong, họ được mùa là mình mất giá liền” - bà Lý nói.
Làng rau Hưng Mỹ có 22ha với vài trăm hộ sản xuất. Ước năng suất mỗi sào đạt khoảng 5 tạ/vụ thì tổng sản lượng rau của Hưng Mỹ cung ứng cho thị trường tết khá lớn.
Rau Hưng Mỹ đã có thương hiệu, được biết đến với mùi vị đặc trưng do được trồng trên vùng cát pha và sản xuất theo hướng hữu cơ nên nông dân không lo đầu ra ế ẩm mà sợ không cạnh tranh nổi về giá với hàng hóa cùng loại nhập từ ngoại tỉnh. Mà dịp tết thường là thời điểm “rối loạn” nguồn cung, có năm rau củ từ các nơi đổ về “không biết làm chi cho hết”.
Ông Trương Văn Tượng (nông dân ở làng Hưng Mỹ) nói: “Tư thương họ chở giỏ bội đi thu gom rau từng nhà, mình có là bán được liền, nhưng giá cả thì mình phải theo họ. Tôi trồng vài rò (luống) chứ không nhiều, chủ yếu để ăn. Tết năm ngoái bán tính ra mỗi rò thu nhập chỉ khoảng 500 nghìn đồng”.
HTX Nông nghiệp Bình Triều được xem là khách hàng chủ lực của làng rau Hưng Mỹ bởi mỗi tháng đơn vị phải gom hàng, cung ứng cho các công ty, siêu thị khoảng 60 tấn rau.
Nhưng theo ông Trương Chí Thành - Giám đốc HTX, vì nguồn cung của nông dân không ổn định nên đơn vị phải tự sản xuất khoảng 30% sản lượng để cung ứng cho khách hàng.
“Nhìn chung thì dù giá cả bấp bênh nhưng người làm rau cũng có nguồn thu nhập khá, ít nhất là gấp nhiều lần so với trồng lúa. Nhưng diện tích, con người của làng rau chỉ gói gọn bao nhiêu đó thôi, có muốn mở rộng thêm cũng khó nên lúc này, dù thị trường tết cần nhiều hơn bình thường, mình cũng chỉ đáp ứng được chừng đó” - ông Thành chia sẻ.