Vùng cao, hiểm họa sông suối mùa lũ

ALĂNG NGƯỚC - DIỄM LỆ 14/11/2019 10:28

Không chỉ gây cô lập, mùa mưa lũ, sông suối lại trở thành nỗi ám ảnh với đồng bào. Dù hiểm họa đang chực chờ, nhưng nhiều người dân vẫn bất chấp tính mạng để vượt lũ.

Bất chấp nước lũ, một phụ huynh ở thôn 49b (xã Đắc Pring, Nam Giang) cõng con đến trường học tập. Ảnh: KRING PHIẾU
Bất chấp nước lũ, một phụ huynh ở thôn 49b (xã Đắc Pring, Nam Giang) cõng con đến trường học tập. Ảnh: KRING PHIẾU

Cha cõng con vượt lũ

Những ngày qua, nhiều phụ huynh đồng bào Ve ở khu dân cư thôn 49b (xã biên giới Đắc Pring, Nam Giang) vẫn bất chấp nguy hiểm băng qua dòng suối lũ để đưa trẻ đến trường. Phía bên kia con suối là nơi sinh sống của 5 hộ dân với 32 nhân khẩu đồng bào Ve tại địa phương.

Anh Kring Phiếu, người chứng kiến hình ảnh các phụ huynh lội dòng nước lũ cõng trẻ đến lớp kể rằng, hôm đó là sáng 11.11, mưa đã ngớt nhưng con suối Khe Xeng nước bắt đầu chảy xiết, nước lũ cuồn cuộn. Dù hiểm nguy phía trước, nhưng do điểm trường phía bên kia đường lớn, không còn cách nào khác, các phụ huynh đành bất chấp nguy hiểm vượt suối đưa con đến trường học tập. Lần lượt từ em này đến em khác, khi trẻ đã sang bên bờ suối an toàn, cũng là lúc các em phát hiện ra áo quần đã ướt sũng. Tình huống khá bất ngờ nên anh Phiếu chỉ kịp huy động thanh niên gần khu vực đến để hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho phụ huynh và các em học sinh. Cũng theo anh Phiếu, trước đây, tại khu vực này, lực lượng thanh niên của xã cũng đã tổ chức làm cây cầu tạm bằng tre nứa để người dân đi lại. Tuy nhiên, do đoạn suối đi qua địa phận của thôn khá rộng, nên cứ đến mùa mưa, nước suối lại dâng cao và chảy xiết khiến cây cầu bị lũ cuốn trôi. “Vì thế, người dân rất mong có cây cầu dân sinh vững chắc, đảm bảo điều kiện đi lại trong mùa mưa lũ” - anh Phiếu chia sẻ.

Ông Hiên Nhơm - Chủ tịch UBND xã Đắc Pring cho biết, ngoài 49b, một số điểm dân cư của thôn 47 và 48 cũng xảy ra tình trạng tương tự. Lâu nay, dù mưa lũ nhưng đồng bào địa phương vẫn bất chấp nguy hiểm để qua lại, mỗi khi có việc cần. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần tuyên truyền và cảnh báo người dân không nên tự ý qua lại khi có lũ; đồng thời, khuyến cáo chấp nhận cho con em nghỉ học ở nhà khi lũ lớn xuất hiện. “Trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri với cấp trên, chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất cần xây dựng cây cầu ở những khu vực nguy hiểm do sông suối nhằm tạo thuận lợi và đảm bảo an toàn trong việc đi lại cho người dân địa phương. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có dự án nào được đưa về” - ông Nhơm nói.

Mong có cây cầu

Mùa mưa lũ đến cũng là lúc trên địa bàn xã Tiên Lãnh (Tiên Phước) có một số điểm cầu chìm bị ngập, không thể qua sông. Đợt mưa vừa qua, một số người dân ở điểm dân cư tổ 8 (thôn 1, xã Tiên Lãnh) đã liều mình cõng con qua sông đi học, khi nước sông dâng cao đã làm ngập cây cầu chìm được làm bằng các thanh sắt và những tấm ri sắt.

Theo ông Bùi Sang - Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh, ở tổ 8 thuộc thôn 1 có 20 hộ dân với hơn 150 nhân khẩu, khi mưa lớn đều bị chia cắt. Người dân kiến nghị, huyện khảo sát làm cầu treo, nhưng do lòng sông ở đoạn này quá rộng (đến 50m) nên khó xây dựng một cây cầu khi kinh phí hạn hẹp. Địa điểm xây cầu treo được dịch xuống phía dưới, cách đó khoảng 1km, với lòng sông hẹp hơn. Nhưng người dân tổ 8 lại không đi trên cây cầu mới này, mà đi theo lối cũ. Ông Sang giải thích: Xã đã tuyên truyền đến người dân khi mưa lũ nên cẩn thận, chịu khó đi vòng để qua cầu treo sẽ an toàn hơn. Nhưng khi vội vàng, một số người vẫn đi qua bằng cách lội sông. Người dân tổ 8 muốn qua sông bằng cầu treo thì phải vòng qua núi Hòn Xúc đến thôn 2 (xã Tiên Ngọc) rồi mới xuống trở lại thôn 1 (xã Tiên Lãnh). Đoạn này muốn làm cây cầu khá tốn kém, nên để người dân đi được bằng cây cầu treo đã có thì cần làm một con đường giao thông nông thôn băng qua núi Hòn Xúc. Xã cũng kiến nghị nếu không đủ kinh phí làm cầu thì làm đường giao thông nông thôn, để người dân đi thuận tiện hơn, nhất là vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao.

Ông Sang cho biết thêm, hiện nay, trên địa bàn xã Tiên Lãnh có 4 điểm qua sông Tum, hễ đến mùa mưa lũ là nước sông dâng cao khiến người dân không đi lại được. Điểm đầu tiên là ở tổ 8 thôn 1 kể trên, điểm thứ hai là khúc sông trước Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, dẫn qua tổ 5 và tổ 6 của thôn 1, với 60 hộ dân sinh sống bên kia sông. Mỗi khi mùa mưa đến thì 60 hộ dân này cũng sẽ bị cô lập do nước sông lớn. Hai điểm còn lại dẫn vào khu sản xuất, trồng rừng của người dân là đường vào thủy điện Sông Tranh 3 (có 10 hộ dân sinh sống bên kia sông), và đường qua Phân trại tạm giam Tiên Lãnh. Tất cả các điểm qua sông trên đều cần thiết có cầu để người dân tiện đường đi lại, sản xuất. Thế nhưng với nguồn kinh phí hạn hẹp, xã Tiên Lãnh cũng chỉ biết kiến nghị lên cấp trên giải quyết theo nguyện vọng của người dân.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vùng cao, hiểm họa sông suối mùa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO