Hôm qua 9.6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị và các địa phương để chốt phương án sử dụng vật liệu nổ đánh sập hầm vàng trong lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh.
140 cán bộ, chiến sĩ nằm rừng
Ngày 9.6 là cuộc họp bàn cuối cùng của Ban chỉ đạo đánh sập các hầm khai thác vàng trái phép trong lâm phận Vườn quốc gia Sông Thanh trước khi lực lượng chức năng tiến hành nổ mìn phá hủy toàn bộ 75 hầm vàng tồn tại tại khe Tà Vạt, Thạnh Mỹ 1, Thạnh Mỹ 2 (thuộc xã Đắc Pring, Nam Giang).
Thượng tá Nguyễn Văn Hòa – Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (cơ quan được giao tổ chức thực hiện nổ mìn) cho biết, trong tuần này dự kiến toàn bộ lượng thuốc nổ sẽ vận chuyển đến các địa điểm tập kết. Lực lượng gồm 99 cán bộ, chiến sĩ, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ (lực lượng cơ quan Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có 46 người và cấp huyện 53 người).
Theo cơ quan quân sự, dùng thuốc nổ đánh tập trung sập toàn bộ hầm, mỗi hầm 70 - 100kg thuốc nổ; chia thành nhiều đợt để gây nổ (mỗi đợt nổ một hầm), gây nổ bằng máy điểm hỏa. Đánh sập lần lượt từ khe Thạnh Mỹ 2, khe Thạnh Mỹ 1, sau đó cơ động về đánh tại khe Tà Vạt. Thứ tự thực hiện này khác với “kịch bản” trước đó của Vườn quốc gia Sông Thanh là chọn Tà Vạt làm điểm đánh đầu tiên, rồi rút kinh nghiệm.
Trong phương án và biện pháp thi công đánh sập hầm vàng, đã tính toán lực lượng dân quân địa phương gùi thuốc nổ vào hiện trường, bố trí cán bộ, chiến sĩ trực tiếp nổ mìn, cử trinh sát nắm tình hình; đồng thời xây dựng ít nhất 2 lán trại tạm đảm bảo hậu cần tại chân Dốc Mây và khe Tà Vạt.
Đề xuất thời gian nổ mìn từ 10 giờ đến 13 giờ 30 phút và từ 16 giờ đến 17 giờ; thực hiện nổ mìn kéo dài 15 - 20 ngày. Thượng tá Nguyễn Văn Hòa cho biết, khó khăn nhất là bộ phận vận chuyển 6 tấn thuốc nổ vào hiện trường, phải đi bộ xuyên rừng dài 2,5km. Địa hình khu vực chủ yếu núi cao, khe sâu, vách đứng, cây cối rậm rạp, độ cao trung bình 400 - 500m.
Phải tuyệt đối an toàn
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, chủ rừng là Ban Quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh cần bàn giao 75 hầm vàng đảm bảo không còn người cho đơn vị để đảm bảo an toàn tuyệt đối trước khi nổ mìn.
Thượng tá Hồ Song Ân – Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết sẽ huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ truy quét bí mật để cưỡng chế các đối tượng, kết hợp với truy quét công khai. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thì băn khoăn về khâu hậu cần phục vụ cho lực lượng truy quét, tổ chức nổ mìn quá đông, đồng thời đề xuất nên giao về cho từng đơn vị.
Giám đốc Vườn quốc gia Sông Thanh Đinh Văn Hồng quả quyết, trước khi quyết định nổ mìn phá hỏng các hầm vàng, chủ rừng cam kết sẽ không còn một đối tượng nào ẩn náu trong hầm vàng. Khi có chủ trương của tỉnh, đơn vị, các cấp chính quyền đã làm việc với từng bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, chủ tịch, bí thư xã để tăng cường kiểm soát, ngăn chặn người vào khu vực hầm vàng, kể cả với người gùi cõng hàng vào phục vụ khai thác vàng trái phép, thời điểm này hầu như sạch người. Trại chỉ huy sẽ đặt tại khe Ru để chỉ huy 2 điểm nổ mìn tại Thạnh Mỹ 1 và Tà Vạt; khối lượng thuốc nổ cần tập kết ban đêm.
Góp ý thêm phương án của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, ông Tơ Ngôl Với - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng, thời gian nổ mìn nên tổ chức sớm hơn, nhất là vào buổi chiều vì lúc này ở vùng cao hay xảy ra mưa dông. Không đánh theo từng hầm một mà nổ cùng một lúc nhiều hầm, khảo sát kỹ lưỡng địa chất do địa hình chủ yếu đồi liên địa.
“Và quan trọng phải đánh sập vĩnh viễn, không để tái diễn tình trạng “vàng tặc” quay lại hoạt động sau khi đánh sập” - ông Tơ Ngôl Với nói.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu lưu ý, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân vào rừng, đối tượng “vàng tặc”, kể cả người thi hành công vụ; phải có chỉ huy cụ thể và đồng bộ từ trên xuống. Lưu ý nổ mìn theo từng cụm hầm vàng chứ không nổ mìn đơn lẻ theo từng hầm vì tiềm ẩn rủi ro.
Theo kế hoạch, dự kiến ngày 19.6 sẽ bắt đầu nổ mìn đánh sập hầm vàng, ngày 26.6 sẽ kết thúc thời gian nổ mìn.