Chín giờ sáng mà Bãi Hương vắng ngắt. Tôi ngó lui tới chỉ có 3 khách Tây đang uống nước mía. Anh Nguyễn Xin, thôn trưởng cho hay đó là khách quen của một nhà nghỉ ở đây. Thấy lãnh đạo TP.Hội An xuất hiện, bà con vồn vã chào và tức thì kèm theo tiếng than: “Hai năm rồi không có khách mấy chú ơi?”.
1. “Vì sao không khách?” - tôi hỏi. Một bà đáp liền: “Không biết, họ ở hết trên Bãi Làng”. “Phải tầm 10 giờ họ mới tới, nhưng ít lắm” - anh Xin nói. Kỳ lạ. Với tôi, Bãi Hương đẹp hơn Bãi Làng bởi khuất nẻo một chút. Dừa đu bóng la đà. Nhà thờ nghề yến thâm nghiêm. Những xô động đến rồi đi, trả lại một không gian đúng nghĩa một làng chài. Tôi đã đến vài khu du lịch ven biển, lấy sinh thái, làng nghề, hơi thở của nhịp sống ngư dân làm điểm tựa, thì không đâu sạch và hiền hòa như nơi đây. Không phải mình là dân bản xứ nên “mèo khen mèo dài đuôi”, nhưng nếp làm ăn được duy trì có trật tự, văn hóa được đẩy lên hàng đầu đã chạm khắc cái nền gợi cảm xúc thân ái và đó là sự bền chặt không dễ có được.
Vậy sao có cơ sự này? Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An trầm ngâm: “Giới làm tour cho biết, một vòng đời tham quan một điểm của khách Hàn Quốc chừng 5 - 7 năm, Trung Quốc chừng 3 năm. Họ đến đủ thời gian đó là chuyển địa điểm”. “Nhưng hết người này thì có người khác chứ, tại sao Bãi Làng đông mà đây không có?”. “Có vấn đề điều phối từ vĩ mô, là mấy ông ở Tổng cục Du lịch làm thị trường tào lao lắm. Tôi ví dụ, là tại sao không học Thái Lan, họ phân khúc thị trường giỏi, căn cứ vào hạng khách thuộc lớp nào, nhu cầu ra sao, từ đó họ có hướng tư vấn cho giới làm du lịch, đảm bảo các điểm du lịch không có chuyện lúc có lúc không, mà luôn đảm bảo có khách đều. Còn ở mình, mấy ổng dồn lại một cục, cho đi lung tung, không hướng dẫn tư vấn chi hết”.
Khách đến Cù Lao Chàm, từ Bãi Làng thăm thú này họ, sẽ đi ca nô đến Bãi Hương ăn hải sản, tắm biển, lặn ngắm san hô. Nhu cầu đó không bao giờ mất, vậy sao họ không đến, khi một thời gian dài Bãi Hương là điểm đến lớn nhất ở Cù Lao Chàm? “Có 5 nhà ở đây bán nhà đi rồi đó mấy anh…” - anh Xin nói. Vậy là có vấn đề rồi. Một thực tế cho thấy, 60/84 hộ dân ở đây có nhà trong đất liền, họ mua để con cái vào ở, ăn học, còn họ bám làng làm ăn. Họ không bỏ làng, vì sinh kế, làm giàu nhanh, và hơn cả điều đó, câu chuyện du lịch ở Cù Lao Chàm làm cho người dân thực sự là chủ, chứ không phải bán đất bán nhà rồi làm thuê cho kẻ khác trên đất cha ông mình. Vậy giờ đã manh nha chuyện rời làng, khi đồng tiền làm ra bắt đầu eo sèo. Coi chừng! Nhói lên trong tôi lời tự nhủ. Cũng lời anh Xin: “Trước đây mình thu phí môi trường mỗi khách là 20 ngàn rồi hạ xuống 10 ngàn đồng, các doanh nghiệp lữ hành dần dần rời bỏ, bởi họ nói từ Bãi Làng xuống đây ca nô chạy tốn một lượng dầu nữa, rồi công sức, thu phí vậy khiến họ bị thiệt thòi” . À, thì ra thế.
2. Con số thống kê cho thấy, nếu năm 2010, lượng khách đến Cù Lao Chàm là 50 ngàn, thì năm 2016 gần 450 ngàn; hai năm 2017 và 2018 là 400 ngàn lượt người. Khách đông, giữ được môi trường bền vững, là công lớn của dân và chính quyền. Bây giờ khách tụt dần ở Bãi Hương, gút mắc là ở cơ chế. Tháng trước, ồn ào chuyện Đà Nẵng làm tuyến du lịch chạy thẳng vào Cù Lao Chàm. Chính quyền Hội An phản ứng ngay, bởi nguy cơ phá hoại môi trường biển ở đây rất cao, lượng khách quá đông khiến tác động ngược, tiêu cực đến chuyện bảo tồn khu sinh quyển này. Đà Nẵng muốn làm thì phải ngồi bàn với Hội An, bởi nếu không sẽ rắc rối… Phải nói thẳng là nhu cầu đến Cù Lao Chàm không dừng lại. Vậy Hội An đáp ứng được không, và thực tế ở Bãi Hương đó, không khách, thì giải ra sao đây? “Tôi cho rằng chính quyền không phụ thuộc, không chạy theo doanh nghiệp” - ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An nói - “cái này theo tôi lãnh đạo cao hơn phải bàn”.
Tôi nói với ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An: “Nhu cầu có, thì đây là câu chuyện quản lý. Mình cần, họ cần và đặt ra cơ chế điều phối, làm sao họ vẫn đến thụ hưởng, mình thu tiền mà giữ gìn được môi trường”. Ông Hùng gật: “Chắc chắn sẽ tính”. Tôi hình dung thế này, khách từ Đà Nẵng vào, lượng khách bao nhiêu, đậu ở đâu, tính phí ra sao, đi lại thế nào, không đơn thuần là chuyện của giới làm tour tuyến, mà là bộc lộ tầm nhìn và tư duy làm du lịch của người quản lý sở tại. Du lịch là toàn cầu, là không biên giới, anh có thể đóng cửa để bảo tồn, nhưng không thể vĩnh viễn, khi bài toán dân sinh giải không hoàn chỉnh hoặc không chịu giải.
Và thực tế đặt ra những thách thức lâu dài lẫn quan trọng, lớn hơn cả chuyện đi đứng ăn ở tiền bạc, chính là giữ cho không gian văn hóa biển không bị vỡ. Nói thẳng, có hai thứ phải giữ chính là dân và quy hoạch. Từ xa nhìn vào, đầu Bãi Làng, mấy căn nhà của Sun Group nhô lên lệch pha với những ngôi nhà ẩn mình trong dừa vốn nép khiêm tốn bao thế kỷ qua dưới chân núi. Bữa trước, tôi đọc thấy ở Lý Sơn, ngay khu vực trường đua ở thôn Đông xã An Hải, người dân đang bán đất vì giá quá cao. Người ta gọi đây là di dân ngầm. Lời cảnh báo này xin gửi về Cù Lao Chàm, không giữ được dân, để họ bán hết cho doanh nghiệp, thì một ngày đẹp trời, mình biến thành kẻ khác, người đi xa quay về thấy mình thành kẻ khác, kẻ của hôm qua và chỉ biết ứa nước mắt với hoài niệm…
3. Tôi vào nhà thờ tổ nghề yến. Ngay trước cổng, mấy cụ già đang ngồi hóng gió. Bên trong vài tay lưới ai đó đang phơi. Mắt lưới trong như cái nhìn vô ưu của biển. Mé bên trái sân nhà thờ, hai đứa bé gái đang chơi đồ hàng với lá khô. Toàn bộ bài vị, hương án ở đây, là từ thuở lập nhà thờ còn lại, không hề làm mới nhưng vẫn được giữ gìn sáng sủa. Gạch nền hoa văn chân phương, nghe nói là đặt làng gốm Thanh Hà làm riêng một mẫu. Ở Cẩm Thanh cũng có nhà thờ ông tổ nghề yến. Ở đây bà con lập nhà thờ bởi tạc ơn những ai tiên phong đem lại nguồn sinh kế, bảo hộ cho họ bám cái nghề chênh vênh vách núi mà sống. Trước sân, mé trái là giếng cổ, đứng gần cây sứ già cổ quái. Một bức vẽ liên hoàn thôn dã thanh bình đến chảy nước mắt. Con người dần dần ý thức được họ là nô lệ của chính mình trong nhịp quay của vô vàn cái ảo từ văn minh đẻ ra. Họ tìm về với tự nhiên như nhu cầu sinh tử. Ở đây, như nhiều nơi, đang có được túi “càn khôn” đó.
Tôi đứng nán chút bên hiên nhà thờ, nghĩ về mâu thuẫn của chính mình. Chẳng muốn ai đến phá bình yên. Hãy để cho gió và biển làm việc của mình. Nhưng cuộc sống có dừng lại đâu. Thế gian này đâu phải riêng ai. Cách duy nhất là đương đầu và tự dựng hàng rào bảo vệ chính mình. Chuyện cá nhân của một người, nhiều khi dễ, nhưng quán chiếu cả cộng đồng, phức tạp vô cùng. Nói đi nói lại cũng là cái tầm của người lãnh đạo. Bảo tồn và phát triển Cù Lao Chàm đang ở thời điểm đặt ra lời giải gay cấn cho bài toán văn hóa, du lịch. Mọi sự hồ đồ hay sợ sệt, đều thất bại và dễ dẫn đến nguy cơ cao cho sự tồn sinh của sinh cư từ trên bờ lẫn dưới nước. “Cô có nhà đất liền không?” - tôi hỏi một bà đang gọt dừa. “Có, nhưng bán ế quá, nói rứa chứ còn phải nuôi con ăn học nữa chứ”. Gánh nặng toan lo ở họ đâu chỉ là miếng ăn hàng ngày. Một người cũng là tất cả. Cù Lao Chàm, 10 năm qua đã được vinh danh là điểm đến lý tưởng về môi trường sinh thái. Tôi tin, lần này, những người có trách nhiệm ở đây không thúc thủ trước thách thức này…