Cuộc sống thường ngày

Vượt lên số phận

LÊ MỸ - LÊ DIỄM 17/04/2024 08:42

Không đầu hàng trước nghịch cảnh, có những người khuyết tật đã vươn lên bằng nghị lực mạnh mẽ và lan tỏa giá trị sống tốt đẹp trong cộng đồng.

nkt1.jpg
Bà Võ Thị Hơn với tiệm tạp hóa nhỏ tại nhà. Ảnh: L.Q

Tuổi thơ của bà Võ Thị Hơn (53 tuổi, khối phố Trà Cai, phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) không may mắn như bao người khác, khi cơn bạo bệnh lúc 5 tuổi cướp đi của bà một cơ thể lành lặn. Chứng bệnh teo cơ khiến đôi chân bà Hơn càng ngày co rút, không thể đi lại bình thường.

Không muốn bản thân trở thành gánh nặng của ba mẹ đã luống tuổi, bà quyết tâm mở cửa hàng tạp hóa nhỏ tại nhà để trang trải cuộc sống.

Bà Hơn nói, lúc đầu chỉ bán nhang, thuốc lá, mỳ gói,… song được bà con lối xóm thương tình, ủng hộ nên bà nhập thêm nhiều loại hàng hóa về bán.

Nhiều năm qua, tiệm tạp hóa nhỏ này không chỉ giúp bà có thu nhập để chi tiêu sinh hoạt mà còn có dư để tích góp sửa chữa căn nhà.

“Không thể đi lại như người bình thường là một thiệt thòi, nhưng không thể mãi dựa dẫm vào sự hỗ trợ người khác. Tôi tự nhủ phải luôn vượt qua khó khăn, vươn lên từ chính khả năng của mình.

Chính nghị lực này, tôi nhận được nhiều tình cảm, ủng hộ, giúp đỡ từ các cấp Hội Người khuyết tật, chính quyền địa phương, bà con lối xóm” - bà Hơn tâm sự.

Còn với thương binh Đoàn Như (58 tuổi, xã Tam Vinh, Phú Ninh), nghị lực vượt qua nghịch cảnh của ông đã trở thành tấm gương sáng trong cộng đồng.

Ông Như kể, năm 1989 ông trở về từ chiến trường Campuchia với vết thương rất nặng ở chân. Sau gần 2 năm điều trị, sức khỏe ông đã khá hơn, song một chân bên phải bị cắt bỏ.

nkt.jpg
Ông Đoàn Như (bìa trái) vượt qua số phận, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Ảnh: L.Q

Ông Như kể: “Là thương binh nặng, được hưởng chế độ chính sách nhà nước, nhưng tôi không có tư tưởng ỷ lại, trông chờ mà luôn quyết tâm làm ăn để cùng vợ lo cho các con ăn học.

Từ năm 1992 đến nay, hai vợ chồng làm đủ nghề mưu sinh, từ mở quán nước, quán ăn đến sửa xe đạp, nhưng cũng không ổn định. Về sau, chúng tôi xin khai hoang mảnh đất 1.000m2 ở gần kênh Phú Ninh để trồng lúa, trồng dưa hấu và chăn nuôi”.

Từ nguồn vốn của gia đình, ông Như mua 1 con trâu và cặp heo giống về nuôi. Dần dà, việc chăn nuôi thuận lợi, bắt đầu sinh lời nên ông mạnh dạn vay vốn chính sách hơn 70 triệu đồng để đầu tư chuồng trại, nuôi thêm cặp bò và nhân đàn heo lên 10 con.

Lợi nhuận từ trồng trọt, chăn nuôi, ông Như không chỉ trang trải cuộc sống gia đình mà còn nuôi 3 người con học đại học, cao đẳng và đứa con út đang học THPT.

Cùng với việc chăm chỉ làm ăn, bà Võ Thị Hơn và ông Đoàn Như là những hội viên tích cực trong hoạt động của các cấp Hội Người khuyết tật. Cả hai đều cho rằng, đó là sân chơi bổ ích, được gặp gỡ người cùng cảnh ngộ để tiếp thêm động lực về tinh thần, sống lạc quan và hướng về tương lai tốt đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vượt lên số phận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO