Thế giới

WHO đạt thỏa thuận ứng phó đại dịch trong tương lai

QUỐC HƯNG 16/04/2025 16:30

(QNO) - Sau 3 năm đàm phán, sáng 16/4, phái đoàn các quốc gia nhất trí văn bản thỏa thuận mang tính bước ngoặt về cách giải quyết đại dịch trong tương lai nhằm tránh lặp lại sai lầm mắc phải trong cuộc khủng hoảng COVID-19.

who.jpeg
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu ngay sau đạt thỏa thuận ứng phó đại dịch trong tương lai. Ảnh: AFP

Dưới đây là những điểm chính trong thỏa thuận, sẽ được đệ trình để phê duyệt tại hội nghị thường niên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào tháng 5 tới. Thỏa thuận cuối cùng cho hiệp ước về ứng phó đại dịch sẽ phải được tất cả quốc gia thành viên thông qua.

Mục tiêu

Thỏa thuận đại dịch của WHO nhằm tăng cường phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hoan nghênh thỏa thuận vào sáng 16/4 (giờ Việt Nam): "Các nước làm nên lịch sử tại Geneva (Thụy Sĩ) hôm nay".

Như vậy, sau 5 năm COVID-19 giết chết hàng triệu người và tàn phá nền kinh tế, thỏa thuận trên bao gồm các nguyên tắc công bằng, đoàn kết và minh bạch.

Tiếp cận mầm bệnh, chia sẻ lợi ích

Hệ thống tiếp cận mầm bệnh và chia sẻ lợi ích (PABS) - nền tảng mới cho phép chia sẻ kịp thời dữ liệu về mầm bệnh với các công ty dược phẩm, giúp nhanh chóng làm việc trên các sản phẩm chống đại dịch.

Các quốc gia cam kết chia sẻ dữ liệu nhanh chóng về tác nhân gây bệnh trong khi vắc xin và sản phẩm y tế khác có nguồn gốc từ việc tiếp cận thông tin đó sẽ được chia sẻ trên cơ sở công bằng hơn.

Văn bản kêu gọi nhà sản xuất tham gia cung cấp cho WHO 20% sản lượng thực tế đối với sản phẩm y tế liên quan đến đại dịch bao gồm ngưỡng tối thiểu 10% dưới hình thức quyên góp, và phần còn lại dành riêng với giá cả phải chăng cho cơ quan y tế của Liên hiệp quốc.

Chuyển giao công nghệ

Một điểm bế tắc chính khác trong đàm phán trước đó liên quan đến phương thức chuyển giao công nghệ và bí quyết cần thiết để sản xuất sản phẩm y tế liên quan đến đại dịch.

Do đó, văn bản thỏa thuận kêu gọi các khoản chuyển nhượng thực hiện theo điều khoản được thỏa thuận chung, sử dụng biện pháp và ưu đãi gồm cấp phép và các điều kiện thuận lợi liên quan đến những vấn đề như tài chính và quy định để thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

Phòng ngừa và giám sát

Các quốc gia tăng cường năng lực phòng ngừa và giám sát đại dịch.

Tùy thuộc vào nguồn lực, các quốc gia được kêu gọi xây dựng, củng cố và thực hiện kế hoạch phòng ngừa đại dịch toàn diện bao gồm tiêm chủng thường xuyên, quản lý rủi ro sinh học trong phòng thí nghiệm, ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc kháng sinh và ngăn chặn sự lây truyền bệnh từ động vật sang người.

Sản xuất bền vững tại địa phương

Các quốc gia thực hiện các biện pháp để đảm bảo phân phối địa lý công bằng hơn và mở rộng nhanh chóng sản xuất toàn cầu sản phẩm y tế liên quan đến đại dịch như vắc xin.

who2.jpg
Kỹ thuật viên làm việc bên trong cơ sở thí nghiệm tại Nam Phi. Ảnh: Getty Images

Văn bản cũng kêu gọi tiếp cận bền vững, kịp thời và công bằng hơn đối với sản phẩm như vậy và thu hẹp khoảng cách tiềm ẩn giữa cung và cầu trong trường hợp khẩn cấp do đại dịch giữa các quốc gia.

Chuỗi cung ứng và hậu cần

Mạng lưới chuỗi cung ứng và hậu cần toàn cầu sẽ được thiết lập để tiếp cận công bằng, kịp thời và giá cả phải chăng đối với sản phẩm y tế liên quan đến đại dịch.

Trong trường hợp khẩn cấp, các quốc gia nên ưu tiên chia sẻ sản phẩm y tế liên quan đến đại dịch thông qua mạng lưới để đảm bảo phân phối công bằng dựa trên nhu cầu và rủi ro sức khỏe cộng đồng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
WHO đạt thỏa thuận ứng phó đại dịch trong tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO