Bão vừa qua, vùng hạ du Đại Lộc đối mặt với lũ lớn

HOÀNG LIÊN 28/10/2020 20:29

(QNO) - Vào hồi 17 giờ 30 chiều 28.10, bão số 9 suy yếu nhưng để lại hậu quả nặng nề. Chưa kịp hoàn hồn thì thủy điện xả lũ khiến vùng hạ du huyện Đại Lộc ngập sâu.

Nhiều nhà dân trên tuyến Tỉnh lộ ĐT 609B qua Đại Hòa đã ngập sâu. Ảnh: H.L
Nhiều nhà dân trên tuyến ĐT609B qua Đại Hòa đã ngập sâu. Ảnh: H.L

Sau khi bão rút, theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện, tại nhiều địa phương, công tác thống kê thiệt hại ban đầu gặp nhiều khó khăn do điện lưới mất toàn bộ.

Trên địa bàn huyện, lũ đang lên nhanh, công tác chỉ đạo, ứng phó, cứu hộ cứu nạn lại càng gặp khó. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã chỉ đạo các địa phương tăng cường các phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ".

Ông Mẫn thông tin, giữa thời điểm bão lớn, đơn vị chức năng tiếp cận được một số thông tin có một số ca sinh đẻ, người cấp cứu, tuy nhiên do nhiều tuyến đường bị tê liệt do cây xanh ngã đổ, xe cộ không thể lưu thông nên đã chỉ đạo các địa phương xử lý, can thiệp giúp đỡ kịp thời tại chỗ.

Nước đã tràn lên quán cà phê sát sông Vu Gia tại Ái Nghĩa. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Nước đã tràn lên một quán cà phê sát sông Vu Gia tại Ái Nghĩa. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Tại khu vực trung tâm huyện, đến 18 giờ 28.10, hệ thống lưới điện vẫn chưa được khắc phục, công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó bão gặp khó. Việc khắc phục hậu quả càng khó trăm bề.

Song, khó khăn nhất là trong và sau lũ, Đại Lộc đối diện với nguy cơ ngập sâu do tình trạng xả lũ của các hồ thủy điện trên thượng nguồn. Vào 15 giờ 30 chiều 28.10, Công ty CP Thủy điện Đak Mi đã tăng lưu lượng xả tràn lần 2 với lưu lượng dự kiến hơn 11.400m3/s. Sau đó,  đơn vị này có công văn thông báo giảm mức xả lũ còn 6.500m3/s. Với mức xả lũ này, theo dự báo, lũ trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa ở mức cao hơn đỉnh lũ lịch sử, tức đỉnh lũ hơn 11m.

Nước tràn qua Tỉnh lộ ĐT 609B. Ảnh: H.L
Nước tràn qua tuyến ĐT609B. Ảnh: H.L

Tại thôn Thái Chấn Sơn, xã Đại Hưng, lúc 18 giờ, ông Nguyễn Văn Nhanh - Trưởng thôn cho hay, bão đã khiến nhiều diện tích cây cối ngã đổ, hư hại, nhiều nhà dân tốc mái. Ngay sau khi bão tan, các nhà dân cũng bị cô lập hoàn toàn do mực nước trên địa bàn dâng quá nhanh.

"Trong lũ, thông tin bị tê liệt toàn bộ, sóng di động của một số mạng viễn thông bị tê liệt hoàn toàn nên việc liên lạc với lực lượng chức năng gặp khó. Do nước đã ngập sâu, phải đi đò nhưng rất nguy hiểm. Thôn đã ngập sâu, bị chia cắt toàn bộ người dân lo lắng, hoang mang khi không thể liên lạc với người thân, hay tiếp nhận thông tin cảnh báo lũ khi sóng di động tê liệt. Việc liên lạc với lực lượng cứu hộ cứu nạn cũng gặp khó" - ông Nhanh chia sẻ. 

Tại Đại Nghĩa, nhiều người dân nghe tin truyền miệng về lũ lớn vượt đỉnh lũ lịch sử do xả lũ lớn nên hoang mang. Bà Nguyễn Thị Kim H. lo lắng: "Cả ngày bão lớn không dám mở cửa, tới khi bão đi thì nước đã ngấp nghé ngoài ngõ. Điện cúp, sóng di động bị tê liệt, nhà nhà đóng cửa. Hết bão tới lũ liên miên khiến ai nấy mệt mỏi, hoang mang".

Ông Trần Văn P. (thôn Phiếm Ái, xã Đại Nghĩa) cho hay, nghe tin là thủy điện đang xả nên ai nấy tức tốc dọn dẹp kê đồ đạc lên cao hơn nữa. "Chưa năm nào thiên tai lại thảm khốc như năm này. Cả một tháng hết bão tới lũ, chỉ lo dọn lụt, lo phòng chống bão miết không làm ăn gì được" - ông P. nói. 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bão vừa qua, vùng hạ du Đại Lộc đối mặt với lũ lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO