Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ động ứng phó thiên tai

MỸ LINH 11/10/2022 21:18

(QNO) - Ngày 11/10, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ký Công văn 6670 yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ động ứng phó thiên tai thời gian đến.

Nhiều tuyến đường bị ngập, chia cắt. Ảnh: D.L
Nhiều tuyến đường bị ngập, chia cắt. Ảnh: D.L

Chủ tịch UBND tỉnh gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị nạn, chia sẻ khó khăn, mất mát, vất vả của các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và các hộ dân bị ảnh hưởng do đợt mưa lũ vừa qua.

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, những ngày tới, thiên tai còn diễn biến phức tạp, để tập trung khắc phục mưa lũ và chủ động ứng phó thiên tai thời gian, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, chủ tịch UBND các địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.

Cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống thiên tai với phương châm chủ động phòng ngừa, kịp thời, quyết liệt, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ, đặt nhiệm vụ đảm bảo an toàn của nhân dân là trên hết.

Trong đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung tìm kiếm người còn mất tích, tổ chức hỗ trợ, thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại.

Từ chiều tối ngày 9/10 đến sáng ngày 11/10, các địa phương trong tỉnh đã có mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa các địa phương vùng đồng bằng ven biển và vùng núi phía nam tỉnh phổ biến từ 350 - 550mm, có nơi cao hơn 600mm, riêng vùng núi phía tây bắc phổ biến từ 240 - 340mm. Mực nước tại các trạm thủy văn trên các sông đạt đỉnh ở mức từ trên báo động 2 đến trên báo động 3 gây ngập lụt, ngập úng tại các địa phương và thiệt hại về người, tài sản, đời sống của nhân dân.
Nhiều ngôi nhà bị ngập sâu trong nước do mưa lớn. Ảnh: V.S
Nhiều ngôi nhà bị ngập sâu trong nước do mưa lớn. Ảnh: V.S

Hạn chế thiệt hại về người và tài sản

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát khu vực không đảm bảo an toàn, nhất là nơi bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, trên các sông, suối, hồ chứa nước, nơi có nguy cơ sạt lở đất, không để tiếp tục xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người.

Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại khi mưa lũ, ngập lụt. Nghiêm cấm việc vớt củi, đánh bắt cá trên sông, khu vực nước ngập sâu, chảy xiết; tàu thuyền, đò ngang, đò dọc hoạt động trên sông, suối, hồ chứa nước, nơi ngập sâu để chở người, hàng hóa khi có mưa lũ, hồ thủy điện vận hành điều tiết.

Khẩn trương kiểm tra, sửa chữa, khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, hồ đập bị hư hạị để chủ động ứng phó với các đợt thiên tai mới, nhanh chóng khôi phục sản xuất sau lũ, góp phần ổn định đời sống người dân.

Đảm bảo vệ sinh môi trường sau mưa lũ, phòng tránh dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết. Khuyến cáo, hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn trước, trong và sau khi có mưa lũ.

Thực hiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục và xử lý nguồn kinh phí hỗ trợ thiệt hại về nông nghiệp, thiệt hại về nhà ở cho các hộ dân theo thẩm quyền, tổng hợp kết quả chi hỗ trợ gửi các Sở Tài chính, NN&PTNT, LĐ-TB&XH để báo cáo UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ theo quy định hiện hành.

Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện kiểm tra, đánh giá an toàn công trình, tiếp tục thực hiện tốt việc thông báo đến chính quyền, nhân dân vùng hạ du về công tác vận hành, điều tiết hồ.

Lực lượng công an tỉnh hỗ trợ di chuyển người dân khỏi vùng ngập sâu nguy hiểm. Ảnh: Công an Quảng Nam
Lực lượng công an tỉnh hỗ trợ di chuyển người dân khỏi vùng ngập sâu nguy hiểm. Ảnh: Công an Quảng Nam

Hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả thiên tai

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ.

Sở Giao thông vận tải và các địa phương khẩn trương kiểm tra, chủ động phối hợp đơn vị liên quan huy động tối đa lực lượng, phương tiện, nguyên vật liệu thiết yếu ở địa phương, của các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ và các nhà thầu thi công khắc phục kịp thời các tuyến đường bị sạt lở đất, đảm bảo thông tuyến phục vụ nhân dân đi lại, sản xuất. Phối hợp lực lượng công an kiểm soát, phân luồng chống ách tắc, bảo đảm an toàn cho hành khách và phương tiện vận tải.

Sở Y tế hướng dẫn triển khai công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong và sau mưa lũ. Sở GD-ĐT tập trung đảm bảo an toàn cho học sinh và cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập, hạn chế thiệt hại, đảm bảo học sinh có thể đi học trở lại ngay sau khi hết lũ.

Sở NN&PTNT chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hoạt động sản xuất nông nghiệp, bảo vệ đê điều, hồ đập thuỷ lợi. Sở Công Thương tập trung đảm bảo vận hành an toàn các hồ đập thuỷ điện, hệ thống điện; phối hợp, hỗ trợ đơn vị liên quan của ngành điện kịp thời khắc phục nhanh sự cố điện; bảo đảm nguồn lương thực, hàng hóa thiết yếu tại khu vực bị ảnh hưởng của mưa lũ.

Tỉnh đoàn huy động đoàn viên thanh niên giúp nhân dân và các địa phương khắc phục thiệt hại, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức, hội, đoàn thể và Sở LĐ-TB&XH phối hợp đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác cứu trợ, hỗ trợ khắc phục thiệt hại cho nhân dân kịp thời, đúng đối tượng.

Chủ động ứng phó thiên tai

Công văn nêu rõ, tình hình thiên tai từ nay đến cuối năm còn diến biến hết sức phức tạp. Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả khi xảy ra thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, góp phần ổn định đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục chủ động triển khai phòng chống thiên tai kịp thời, hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong đó, đặc biệt chú trọng đảm bảo an toàn tính mạng người dân, giảm thiệt hại về tài sản. Rà soát kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai, nhất là phương án đảm bảo an toàn tính mạng người dân.

Theo dõi, nắm sát tình hình, diễn biến thiên tai đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ lớn, ngập lụt, sạt lở đất…, chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ, cứu nạn trong mọi tình huống, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị phụ trách, không để bị động, bất ngờ.

Chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông tại các ngầm tràn, các khu vực ngập sâu, không để xảy ra các trường hợp thiệt hại đáng tiếc về người. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra thiệt hại lớn do chậm trễ, chủ quan trong chỉ đạo, triển khai ứng phó với thiên tai.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ động ứng phó thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO