Đối thoại về chính sách bảo hiểm với người lao động

DIỄM LỆ 09/09/2022 08:43

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa tổ chức buổi đối thoại với doanh nghiệp và người lao động Quảng Nam, giải đáp nhiều ý kiến, thắc mắc về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Người lao động nêu ý kiến tại buổi đối thoại. Ảnh: D.L
Người lao động nêu ý kiến tại buổi đối thoại. Ảnh: D.L

Nhiều khó khăn

Buổi đối thoại, tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) do BHXH Việt Nam tổ chức có gần 200 người lao động (NLĐ), doanh nghiệp (DN) tham gia. Nhiều ý kiến được gửi đến ban tổ chức theo hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp, trong đó nội dung về thực hiện chính sách bảo hiểm được NLĐ và DN quan tâm.

Bà Đinh Thị Diễm Chi - đại diện VNPT Quảng Nam hỏi: “Đơn vị chúng tôi có NLĐ bị tai nạn, đã giám định suy giảm sức khỏe 35%, được kết luận vẫn đủ điều kiện đi làm lại sau khi nghỉ dưỡng sức. NLĐ đã hưởng chế độ tai nạn LĐ. Nhưng khi hết thời gian nghỉ dưỡng, NLĐ nói bản thân họ không đủ sức khỏe, chưa thể đi làm lại nhưng không có giấy tờ gì chứng minh là họ không đủ điều kiện đi làm lại. Vậy thì DN có phải trả lương cho NLĐ trong thời gian họ nghỉ việc hay không? DN không trả lương trong thời gian này và dừng đóng BHXH, BHYT có được hay không?”.

Một NLĐ ở Công ty Vast Apparel Việt Nam hỏi về các vị trí công việc công nhân vận hành máy cắt laze, đứng máy thêu thì có thuộc vị trí công việc nặng nhọc độc hại? Một trường hợp khác cho biết đã đóng BHTN được 19 năm, nay cần tư vấn có nên tiếp tục tham gia hay nhận BHXH một lần? Hay vấn đề: NLĐ đã nghỉ hưu mà tiếp tục làm việc thì có tiếp tục tham gia BHXH, BHYT hay không?...

Đại diện một DN tại Khu công nghiệp Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) hỏi, NLĐ tại công ty có chế độ thân nhân người có công nên đã được Nhà nước cấp thẻ BHYT thì công ty có đóng BHYT cho người này không? Các DN khác cũng nêu ra một số vấn đề cần biết để thực thi chính sách cho đúng quy định pháp luật, như: Một NLĐ có 2 hợp đồng LĐ thì tham gia các chế độ tại đâu? Đối với LĐ nước ngoài được tập đoàn cử qua làm việc tại Việt Nam thì có thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc không? NLĐ nghỉ thai sản xong nghỉ việc luôn thì có được nhận trợ cấp thôi việc? NLĐ cao tuổi khi có hợp đồng LĐ với DN thì có tham gia BHXH, BHYT hay không?...

Cơ quan chức năng nói gì?

Trả lời các vấn đề NLĐ và DN quan tâm, ông Trần Tuấn Tú - đại diện Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) nói, NLĐ không nên nhận BHXH một lần, vì thời gian đóng đã dài, nên tham gia tiếp để được hưởng lương hưu sẽ không bị thiệt thòi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Tiến - đại diện Ban Quản lý thu, sổ thẻ - BHXH Việt Nam cho hay, trường hợp NLĐ cao tuổi theo hợp đồng LĐ thì vẫn tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, nếu thời hạn hợp đồng từ 1 tháng trở lên do hai bên thỏa thuận.

Trường hợp công nhân lao động đang hưởng chính sách thân nhân người có công thì vẫn tham gia ở DN, tuy nhiên quyền lợi được hưởng sẽ ở mức cao nhất theo nhóm đối tượng người có công. NLĐ có 2 hợp đồng LĐ trở lên thì đóng BHXH, BHYT, BHTN, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại DN thứ nhất, nơi làm việc thứ 2 trở lên không phải đóng BHXH, BHYT, chỉ tham gia BHTN, bệnh nghề nghiệp.

Về NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Hiền - đại diện Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) giải đáp, trường hợp có tham gia BHXH hay không hoàn toàn phụ thuộc vào thủ tục hồ sơ mà đơn vị sử dụng LĐ làm việc với cơ quan BHXH để xác định có thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi đến Việt Nam làm việc hay không.

Đối với ngành nghề nặng nhọc độc hại, trong danh mục quy định có hơn 1.000 vị trí công việc, ngành nghề cụ thể, nên DN có thể tra danh mục nghề nặng nhọc độc hại, có miêu tả điều kiện LĐ đối với từng vị trí của từng ngành nghề để xác định xem vị trí công việc đó có thuộc danh mục hay không.

Đối với NLĐ sau thời gian nghỉ dưỡng sức do tai nạn LĐ, nếu không có giấy tờ chứng minh họ bị suy giảm sức khỏe không thể đi làm lại được thì không thể giải quyết chế độ. NLĐ ốm phải có giấy chứng nhận của cơ sở y tế. Việc giải quyết tiền lương hay dừng đóng BHXH, BHYT phụ thuộc vào hợp đồng LĐ giữa đơn vị sử dụng LĐ và NLĐ. NLĐ không đi làm là vi phạm hợp đồng giữa 2 bên, căn cứ trên quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ của đôi bên...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đối thoại về chính sách bảo hiểm với người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO