Giảm nghèo bền vững gắn với giải quyết việc làm

TÂM ĐAN - MAI NHI 07/11/2022 06:23

Phát huy các chính sách hỗ trợ thoát nghèo, đồng thời tập trung thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là cách làm hay của huyện miền núi Nông Sơn để giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhiều lao động nông thôn ở huyện Nông Sơn đã có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp may mặc ở địa phương. Ảnh: PV
Nhiều lao động nông thôn ở huyện Nông Sơn đã có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp may mặc ở địa phương. Ảnh: PV

Tạo việc làm cho người lao động

Hơn 3 năm trước, vợ chồng chị Nguyễn Thị Phương quyết định nghỉ việc ở TP.Hồ Chí Minh để về quê ở xã Quế Lộc (Nông Sơn). Vợ không có việc làm, ở nhà chăm con, chồng làm “thợ đụng”, thu nhập bấp bênh.

Tổng số hộ nghèo toàn huyện Nông Sơn sau khi rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 (tính đến 25.10.2022) là 731 hộ (chiếm 8,06%), cận nghèo là 332 hộ (chiếm 22,9%). Năm 2022, huyện Nông Sơn giao chỉ tiêu cho các địa phương thực hiện giảm 25 hộ nghèo.

May mắn là từ tháng 3/2022, chị Phương xin vào làm việc tại Công ty May mặc Hưng Nông. Công ty đóng chân trên địa bàn xã Sơn Viên, gần nhà của vợ chồng chị Phương nên rất thuận tiện trong đi làm và đưa đón con. Đến nay chồng chị Phương cũng vào làm việc tại công ty này.

Mới đây, chị Phương còn được tham gia lớp dạy nghề may công nghiệp do Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với Công ty May mặc Hưng Nông tổ chức. Chị Phương cho biết: “Đơn hàng của công ty được duy trì thường xuyên nên công nhân có thu nhập ổn định. Bình quân mỗi tháng, lương của tôi hơn 5 triệu đồng”.

Ông Đỗ Tiến Trọng - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Sơn Viên thông tin, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của địa phương là 5,18%. Sơn Viên đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giúp người dân nâng cao thu nhập, từ đó góp phần giảm nghèo bền vững. Hai năm gần đây chính quyền xã tạo điều kiện thuận lợi cho 3 doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở may mặc, giải quyết việc làm ổn định cho 120 lao động trong vùng.

Thu nhập của lao động may mặc khá ổn định, có trường hợp khoảng 10 triệu đồng/tháng, đã góp phần cải thiện cuộc sống bản thân và gia đình. Xã Sơn Viên còn hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn - trang trại, nhất là mô hình trồng các loại cây ăn quả đặc sản bản địa và tre lấy măng. Dự kiến trong năm 2023, xã Sơn Viên sẽ hỗ trợ người dân phát triển thêm 15 mô hình vườn mẫu có quy mô diện tích lớn.

Trên địa bàn huyện Nông Sơn, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) thời gian qua đã đạt được kết quả đáng mừng.

Ông Trần Phước Ân - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nông Sơn cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã phối hợp tổ chức được 3 sàn giao dịch việc làm; tổ chức phân luồng cho học sinh THCS, hiện nay có 9 học viên đang học tại Trường Cao đẳng nghề Quảng Nam; tổ chức 1 lớp may công nghiệp cho 35 học viên, 1 lớp kỹ thuật chế biến món ăn cho 32 học viên… Ngoài ra, toàn huyện có 36 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian này.

Theo báo cáo của UBND huyện Nông Sơn về tình hình thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2021, toàn huyện đã có 1.158 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề, trong đó khoảng 80% lao động sau học nghề đã tự tạo việc làm, tham gia làm việc tại các doanh nghiệp.

Phát huy chính sách hỗ trợ thoát nghèo

Theo UBND huyện Nông Sơn, Nghị quyết số 13 ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh về chính sách thoát nghèo bền vững giai đoạn 2017 - 2021 đã ban hành phù hợp với thực trạng nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 và đã góp phần rất lớn trong việc hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.

Các chính sách hỗ trợ đã động viên nhiều hộ nghèo ở Nông Sơn vươn lên thoát nghèo. Ảnh: PV
Các chính sách hỗ trợ đã động viên nhiều hộ nghèo ở Nông Sơn vươn lên thoát nghèo. Ảnh: PV

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn nhìn nhận, các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 13 như hỗ trợ tiền thưởng, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho thành viên hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững... được triển khai thực hiện kịp thời.

Người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo đã từng bước nhận thức đúng hơn về trách nhiệm của mình đối với công tác giảm nghèo, hạn chế tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chủ động có kế hoạch làm ăn, phát triển sản xuất, tự vươn lên để thoát nghèo bền vững.

Theo bà Thủy, trong giai đoạn 2017 - 2021, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả quan trọng. Nếu năm 2016, toàn huyện có 2.555 hộ nghèo (tỷ lệ 29,59%) thì đến năm 2021 còn 736 hộ nghèo (tỷ lệ 8,12%), giảm 1.819 hộ nghèo (trong đó có 558 hộ nghèo thoát nghèo và hưởng các chính sách khuyến khích thoát nghèo theo Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh).

Đặc biệt, sau khi tổ chức tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới quy định tại Nghị định số 07 ngày 27/1/2021 của Chính phủ, đến nay trên địa bàn huyện không có trường hợp hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo theo Nghị quyết 13 “rơi nghèo, rơi cận nghèo”.

Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, huyện Nông Sơn sẽ tập trung chỉ đạo, huy động và ưu tiên nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới, đảm bảo giảm nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giảm nghèo bền vững gắn với giải quyết việc làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO