Khơi dậy khát vọng giảm nghèo

VĂN THỌ - HÀN GIANG 02/06/2022 07:35

Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả tại huyện Nam Trà My đã góp phần khơi dậy ý chí tự lực, khát vọng vươn lên thoát nghèo và làm giàu của người dân ngay trên mảnh đất quê hương.

Bí thư Chi bộ thôn 3, xã Trà Vân - Nguyễn Thanh Ngọc là tấm gương đảng viên làm kinh tế ở địa phương. Ảnh: VĂN THỌ
Bí thư Chi bộ thôn 3, xã Trà Vân - Nguyễn Thanh Ngọc là tấm gương đảng viên làm kinh tế ở địa phương. Ảnh: VĂN THỌ

Bí thư chi bộ làm kinh tế giỏi

Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Nguyễn Thanh Ngọc (SN 1980) còn được người dân ở thôn 3, xã Trà Vân, Nam Trà My, biết đến là tấm gương Bí thư Chi bộ thôn nhiệt huyết, năng nổ và gần dân.

Nhiều năm trước, thôn 3 chưa có đường, người dân phải đi bộ nhiều tiếng đồng hồ đường núi mới đến trung tâm xã. Người dân muốn phát triển kinh tế cũng khó. Từ năm 2017, đường giao thông nông thôn được kết nối từ xã đến thôn. Đến năm 2018 đường Đông Trường Sơn đi từ Nam Trà My qua huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) thông tuyến đã mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho người dân địa phương.

Giảm 8% hộ nghèo/năm

Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Trà My cho biết, Huyện ủy đã cụ thể hóa các kế hoạch, chương trình hành động xây dựng và phát triển địa phương, trong đó chú trọng công tác giảm nghèo bền vững.

Mô hình “3 cán bộ, công chức giúp 1 hộ đăng ký thoát nghèo” tại địa phương đã thật sự hiệu quả; các hộ đăng ký thoát nghèo được hướng dẫn, giúp đỡ, không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá, giàu. Nhất là các mô hình trồng cây dược liệu, chuối mốc, sâm nam, giảo cổ lam, sâm Ngọc Linh, quế Trà My xen canh với cây sắn.

Nhờ đó, bình quân mỗi năm toàn huyện giảm gần 8% hộ nghèo (459 hộ). Đặc biệt, với sự quan tâm, đầu tư và hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng sâm Ngọc Linh, ở các xã như Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang xuất hiện nhiều cá nhân điển hình, tiêu biểu vươn lên làm giàu.

Bí thư Chi bộ thôn 3 - Nguyễn Thanh Ngọc tâm sự, từ ngày giao thông đi lại được thuận tiện cùng với việc tận dụng các thế mạnh của địa phương, gia đình anh mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi; rồi mở tiệm tạp hóa, mua máy xay xát phục vụ người dân trong thôn.

Hiện nay, ngoài nhà ở và tiệm tạp hóa được xây dựng kiên cố, tài sản của gia đình anh Ngọc còn có đàn dê sinh sản, gần 10 con trâu bò và gần 10ha đất rẫy phát triển trồng trọt.

“Gia đình tôi tận dụng hết các điều kiện để làm kinh tế. Đất rẫy thì trồng sắn, trồng quế, thả trâu, bò. Đất vườn thì đào ao nuôi cá, nuôi dê. Nhờ đó hằng năm gia đình tôi luôn có nguồn thu nhập ổn định” - anh Ngọc chia sẻ.

Thôn 3 có 175 hộ dân với hơn 700 nhân khẩu. Đời sống người dân so với trước đây đã khá hơn nhưng nhìn chung vẫn còn khó khăn. Với vai trò là Bí thư Chi bộ thôn, anh Ngọc luôn yêu cầu các đảng viên thực hiện tốt vai trò tiền phong, gương mẫu để nhân dân học tập, noi theo.

Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, chăm lo sản xuất phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Ông Hồ Văn Tình - Bí thư Đảng ủy xã Trà Vân nhận xét, không chỉ tiên phong trong phát triển kinh tế, Bí thư Chi bộ thôn 3 Nguyễn Thanh Ngọc cũng là người rất nhiệt huyết trong các công tác tại địa phương.

Quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu

Lập gia đình từ năm 2014, cuộc sống của chị Hồ Thị Dung (thôn 3, xã Trà Nam) chỉ biết quanh quẩn với nương rẫy, nghèo khó. Được Hội LHPN phụ nữ xã tư vấn và hướng dẫn vay vốn, chị Dung mạnh dạn vay 50 triệu đồng qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Trà My và đầu tư nuôi 2 con bò cùng một số dê, heo đen, gà, vịt.

Từ số con giống ban đầu, chị Dung bán lấy vốn và tiếp tục tăng số lượng đàn. Sau thời gian dài kiên trì với mô hình chăn nuôi, giờ đây gia đình chị Dung đã có 15 con heo, dê, bò sinh sản; chị còn mở thêm quầy tạp hóa buôn bán nhỏ, kinh tế gia đình ổn định.

Chị Dung chia sẻ, nhờ thay đổi tư duy làm kinh tế, cùng với sự chịu khó, cần cù lao động, gia đình đã vươn lên thoát nghèo từ rất sớm; có nhà cửa ổn định, có điều kiện chăm lo cho các con học tập.

Những năm gần đây, gia đình tiếp tục đầu tư trồng thêm 8.000 cây quế Trà My và vườn sâm Ngọc Linh 50 gốc. Dù vậy, gia đình vẫn duy trì số lượng đàn vật nuôi ổn định mỗi năm, vì đây là nguồn thu nhập ổn định, hiệu quả và an toàn nhất.

Từ thành công của gia đình, chị Dung không ngần ngại cùng với 8 hộ gia đình hội viên phụ nữ nghèo tham gia xây dựng mô hình “Chăn nuôi dê sinh sản có chuồng trại và khu chăn nuôi tập trung” tại địa phương do Hội LHPN huyện phát động.

Nói chị Dung không ngần ngại, bởi lẽ đối ứng 100% nguồn vốn để thực hiện mô hình, với mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm hay, những cách làm có hiệu quả trong chăn nuôi, sản xuất; tiếp thêm động lực giúp chị em phụ nữ nghèo vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Tham gia mô hình, có 8/10 hộ phụ nữ nghèo trong thôn đã mạnh dạn làm theo và áp dụng đạt hiệu quả tốt trên 4ha diện tích chăn nuôi, với tổng số đàn dê gần 60 con.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khơi dậy khát vọng giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO