Nơm nớp trong nỗi lo sạt lở

ĐĂNG NGUYÊN 15/09/2021 05:42

Bước vào năm học 2021 - 2022, nhiều trường học tại huyện Phước Sơn vẫn chưa hết khó khăn do ảnh hưởng nặng nề bởi nạn sạt lở đất vào cuối năm ngoái. Không chỉ thiếu trang thiết bị dạy học, nhiều trường đang đứng trước nỗi lo nguy cơ mất an toàn do nạn lở đất, nhất là trong mùa mưa bão.

Một phòng học tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Phước Thành bị tảng đá rơi trúng gây hư hỏng vừa được sửa chữa. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Một phòng học tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Phước Thành bị tảng đá rơi trúng gây hư hỏng vừa được sửa chữa. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Phước Thành (Phước Sơn), theo ghi nhận của phóng viên Báo Quảng Nam, sau gần 1 năm bị ảnh hương bởi cơn bão số 9, ngôi trường này vẫn đang trong quá trình sửa chữa.

Không chỉ công trình tường rào, cổng ngõ, ngay cả hệ thống bờ kè phía taluy dương sau lưng trường học cũng đang được thi công. Hiểm họa mồn một trước mắt. Mới đây, vào cuối tháng 8.2021, trong quá trình thi công bờ kè, một tảng đá lớn bất ngờ rơi xuống khiến sập bức tường dãy phòng học. Nhiều bàn ghế giáo viên và học sinh cũng bị hư hỏng nặng.

Bà Võ Thị Lệ - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Phước Sơn cho biết, năm học 2021 - 2022, toàn huyện có hơn 8.000 học sinh ở các cấp học. Trong đó, có rất nhiều điểm trường tại các xã vùng cao như Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Vì thế, nỗi lo về mất an toàn luôn thường trực, ám ảnh mỗi khi có mưa bão về.

“May mắn, vụ việc không ảnh hướng đến tính mạng con người, do thời điểm đó nhà trường chưa tập trung học sinh và giáo viên. Nếu không, hậu quả rất khó lường” - thầy giáo Lê Đình Thường, Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Phước Thành nói.

Cũng theo thầy Thường, sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã báo cáo lên chính quyền địa phương và Phòng GD-ĐT, đề xuất yêu cầu đơn vị thi công xây dựng bờ kè, có biện pháp bảo đảm an toàn cho giáo viên và học sinh toàn trường. Bởi sau sự cố đá lăn, đã ảnh hưởng đến tâm lý chung của cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường. Thậm chí, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ lo lắng.

Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Phước Thành có 428 học sinh, cùng 33 cán bộ giáo viên trực tiếp giảng dạy. Đợt thiên tai vào cuối năm 2020 không chỉ gây thiệt hại cơ sở vật chất của trường, nhiều cây cầu nối giữa các thôn bản cũng đều bị hư hỏng, khiến việc đi lại của học sinh gặp rất nhiều khó khăn.

Nạn lở đất đang đe doạ nhiều điểm trường học vùng cao Phước Sơn. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Nạn lở đất đang đe doạ nhiều điểm trường học vùng cao Phước Sơn. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, mỗi khi có mưa lớn, lũ dâng cao, nhà trường đành phải cho các em nghỉ học, sau đó sắp xếp thời gian phù hợp để tổ chức dạy bù. Khó khăn trong việc đến trường khiến chất lượng dạy học của thầy và trò nhà trường ít nhiều bị ảnh hưởng.

Không chỉ ở xã Phước Thành, nhiều điểm trường tại Phước Kim, Phước Lộc... cũng gặp phải tình trạng tương tự, hàng ngày thầy và trò luôn đối mặt với rủi ro từ nạn lở đất. Như Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Phước Lộc, kể từ sau đợt mưa bão cuối năm 2020 đã xuất hiện vết nứt dài ở khu vực bán trú của 150 học sinh đồng bào Giẻ Triêng. Trong lúc chờ đợi kinh phí làm bờ kè, nhà trường đã khắc phục tạm thời sự cố, dựng rào ngăn cách khu vực nguy hiểm.

Thầy giáo Trần Đình Ngộ - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Phước Lộc cho biết, năm học 2021 - 2022 nhà trường có 9 lớp với gần 190 học sinh. Rút kinh nghiệm từ những vụ sạt lở vào năm ngoái, trước mùa mưa bão năm nay, nhà trường phân công giáo viên túc trực sẵn sàng ứng phó; đồng thời dự lường trước tình huống mưa lũ bất thường để kịp thời sơ tán toàn bộ học sinh đến nhà tránh bão một cách an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nơm nớp trong nỗi lo sạt lở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO