Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tại huyện Phước Sơn không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn.
Những dấu ấn nổi bật
Phước Sơn đã có những bước tiến vượt bậc trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn miền núi. Trong Chương trình MTQG phát triển nông thôn mới (NTM), huyện đã xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ như đường giao thông, trường học, các công trình công cộng, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Việc hoàn thành quy hoạch tại 11/11 xã đáp ứng yêu cầu, mở ra cơ hội thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Đặc biệt, việc xây dựng các khu dân cư NTM kiểu mẫu đã tạo nên những cộng đồng văn minh, hiện đại, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững ghi dấu ấn qua việc cải thiện đáng kể đời sống người dân. Ông Đỗ Hoài Xoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho hay, địa phương đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề và chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giúp hàng nghìn hộ dân thoát nghèo.
Các mô hình kinh tế như trồng trọt, chăn nuôi được nhân rộng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, giúp người dân tự tin vươn lên thoát nghèo.
“Trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phước Sơn nổi bật với việc hoàn thiện hạ tầng thiết yếu và nâng cao chất lượng giáo dục, y tế. Các trường học, trạm y tế được hoàn thiện, nâng cấp; hệ thống cấp nước sạch và điện lưới đã phủ khắp các xã, thôn. Huyện cũng chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc.
Những thành tựu này đã giúp Phước Sơn khởi sắc hơn trong kinh tế - xã hội, chăm lo cho đời sống nhân dân, đặc biệt ở các vùng khó khăn, vùng sâu” - ông Đỗ Hoài Xoan nói
Thách thức và giải pháp
Mặc dù đạt nhiều thành tựu, Phước Sơn vẫn đối mặt với không ít thách thức trong thực hiện các chương trình MTQG; trong đó, tiến độ giải ngân vốn năm 2024 chỉ đạt 62% (327/hơn 525 tỷ đồng). Khối lượng dự án lớn, năng lực quản lý của một số xã hạn chế, đội ngũ cán bộ mỏng dẫn đến quá tải trong công tác thẩm định.
Thời tiết bất lợi, đặc biệt mưa nhiều trong quý III, quý IV năm 2024 và đầu năm 2025 cản trở thi công một số công trình. Phước Sơn cũng đối mặt với việc thiếu vật liệu xây dựng, buộc phải vận chuyển từ nơi khác làm tăng chi phí và thời gian. Thủ tục đấu thầu theo Luật Đấu thầu 2023 và sửa đổi năm 2024 phức tạp, gây chậm trễ. Một số bất cập trong pháp luật về đầu tư, đất đai, quy hoạch cũng gây khó khăn cho triển khai dự án.
Để khắc phục, Phước Sơn xác định năm 2025 là năm “tăng tốc, bức phá”. Huyện cam kết giải ngân 50% vốn kế hoạch 2025 trước tháng 6 và 100% trước 31/12/2025, đồng thời hoàn thành giải ngân vốn kéo dài từ 2022 - 2024 trước 30/4/2025.
Các giải pháp trọng tâm gồm lập kế hoạch giải ngân chi tiết theo tháng, quý; tăng cường kiểm tra, giám sát; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi từng dự án. Huyện cũng sẽ đẩy mạnh phối hợp liên ngành, thẩm định chặt chẽ dự án hỗ trợ sản xuất để tránh điều chỉnh nhiều lần; đồng thời, huyện tập trung tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng, đảm bảo cung ứng vật liệu.
Chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND huyện Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nhấn mạnh địa phương cần tập trung chỉ đạo Ban Chỉ đạo, Văn phòng các chương trình MTQG huyện, các cơ quan chủ trì khẩn trương kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện từng dự án, công trình, nội dung thành phần trên từng chương trình MTQG.
“Yêu cầu các chủ đầu tư làm việc với các nhà thầu, đơn vị thực hiện dự án xây dựng kế hoạch chi tiết, xác lập bản cam kết tiến độ hoàn thành từng phần việc cụ thể để tập trung nguồn nhân lực, tận dụng tối đa thời gian còn lại trong năm để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, quyết tâm giải ngân 100% nguồn vốn được phân bổ trong năm 2025. Đồng thời, phải hoàn thiện hồ sơ phân bổ ngân sách, đẩy nhanh quyết toán dự án hoàn thành và quản lý nguồn vốn dư sau đấu thầu” - ông Trần Anh Tuấn chỉ đạo.
Đến cuối năm 2024, NTM trên địa bàn Phước Sơn đạt trung bình 14,6 tiêu chí/xã. Toàn huyện có 3 xã đạt chuẩn gồm Phước Xuân, Phước Năng, Phước Chánh, dự kiến năm 2025 sẽ có thêm 2 xã Phước Hiệp, Phước Công. Phước Sơn cũng đã xây dựng 3 thôn đạt chuẩn “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 55,15% (2021) xuống 20,47% (2024), bình quân giảm 7%/năm. Hỗ trợ nhà ở cho 1.181/1.646 hộ (80,6%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng (2024), dự kiến 35 triệu đồng (2025).